THÁI TỬ SIDDHATTHA THÀNH PHẬT Sự kiện lịch sử vô tiền khoáng hậu Tâm Giới PHAN NGỌC THẢO
A. SỰ TỪ BỎ VĨ ĐẠI
Lần thứ nhất: Ngài để lại phía sau cung vàng, điện ngọc, ngôi vị vương tử, vợ đẹp con ngoan để tìm chân lý giải thoát cho mình và chúng sanh đang trầm luân trong bể khổ
Lần thứ hai: không nhận lời điều khiển giáo phái với vị thầy A La Ra Ka La Ma và từ chối lãnh đạo giáo đoàn do Ngài Uất Đầu Lam Phất giao phó vì Ngài cho rằng mình còn đi tìm chân lý giải thoát.
Lần thứ ba: Ngài chấm dứt việc tu khổ hạnh ép xác sau 6 năm cùng 5 anh em ông Kiều Trần Như tu trì, mặc cho bọn họ xem Ngài là kẻ phản bội nên bỏ đi
B.NGÀI CHỨNG ĐẠT CHÂN LÝ GIẢI THOÁT NHƯ THẾ NÀO?
Ngài lấy lại sức nhờ uống bát sữa do thôn nữ Tu-Xà-Đề dâng cúng. Ngài thấy rằng chân lý tối hậu giải thoát không thể tìm cầu ở bên ngoài bất kỳ đạo sư nào, cũng không phải qua pháp môn hành xác mà sự chứng ngộ ấy cần phải được thể hiện ở chính trong nội tâm của mỗi người và không thể dựa vào một tha lực nào khác
Ngài quyết định xuống tắm ở dòng sông Neranjara (Ni Liên Thuyền)….
Thái tử Siddhattha nay không còn là nhà khổ hạnh nữa mà là một vị sa môn khởi đầu một đạo lộ mới. Ngài được hỗ trợ bởi kinh nghiệm thời thơ ấu trong buổi lễ hạ điền. Ngài nhập vào trạng thái ly dục, ly bất thiện pháp, một trạng thái thiền định (jhana) mà Ngài đã chứng đắc dưới sự hướng dẫn của đạo sư A La Ra Ka La Ma.
Ngài ngồi tham thiền nhập định 49 ngày dưới gốc cây Tất Bát La(Bodhi) Với tâm định tĩnh, chánh niệm, tỉnh giác, ly dục… đi vào thiền định gồm các giai đoạn:
+Giai đoạn 1: sơ thiền là bước đầu diệt dục đi kèm với tầm (sự tìm kiếm) và tứ (trụ lại) một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh.
+Giai đoạn 2:Nhị thiền: diệt tầm và tứ phát triển nội tỉnh và nhất tâm. Đó là trạng thái hỷ lạc do định sanh.
+Giai đoạn 3: Tam thiền: diệt hỷ để tránh mọi tác động, trú xả, chánh niệm, tỉnh giác với mọi lạc thọ về thân.
+Giai đoạn 4: Tứ thiền: diệt các cảm thọ lạc và khổ, ly hỷ và ưu, phát triển xả và niệm thanh tịnh, thoát ly mọi lậu hoặc, kiên cố bất động, Ngài hướng tâm hồi tưởng các tiền kiếp, Ngài thuật lại: “ ta hướng tâm vào túc mạng trí (Túc mạng minh), nhớ lại nhiều kiếp quá khứ mà ta đã trải qua: một đời, hai đời…..một vạn đời trong nhiều thành kiếp hoại kiếp của thế giới.Ta đạt được minh trí nầy trong canh đầu đêm (khoảng 9h tối đến nửa đêm) (kinh trung bộ I)..Vào canh giữa Sa môn Siddattha đạt đươc minh trí thứ hai (Thiên nhãn minh): luật nhân quả về nghiệp(karma)
“ Với thiên nhãn thanh tịnh, siêu nhiên, vượt tri kiến phàm tục, ta thấy rõ người được cõi lành hay dữ tùy theo hạnh nghiệp của mỗi người”.
Sau cùng vào canh cuối, khi chân trời đã bắt đầu hiện rõ ở phương đông thành một làn ánh sáng trắng “ Ta hướng tâm đến lậu tận trí (Lậu tận minh), đoạn tận lậu hoặc và biết như thật “ đây là khổ, đây là khổ tập, đây là khổ diệt và đây là con đường đưa đến khổ diệt” và khi ta nhận chân điều nầy, trí ta được giải thoát khỏi dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu. Ta đã hoàn thành đời phạm hạnh, những gì cần làm đã làm xong, ta không còn tái sanh nữa”
Ngài cất tiêng reo bày tỏ niềm cực lạc:
“Giải thoát đạt vẹn toàn
Đây là đời cuối cùng
Không còn tái sanh nữa”
Tri kiến về “ khổ” và “ Tứ Thánh Đế” tạo thành căn bản giáo lý của Ngài
Đêm ấy Thái Tử siddattha Gotama tròn 35 tuôi (theo Nam truyền),
Con của quốc vương thành Kapilavatthu đã chứng quả giác ngộ, Ngài đã trở thành Đức Phật, một đấng giác ngộ, tỉnh thức, được giải thoát khỏi vòng luân hồi sanh tử
C. SỰ GIÁC NGỘ CỦA SA MÔN SIDDHATTHA CÓ Ý NGHĨA LỚN RA SAO?
Có một số tài liệu cho rằng sự giác ngộ của Thái tử như một “ tia chớp” chợt lóe lên..điều nầy khác hẳn với lời tường thuật của Đức Phật Gotama trong kinh Trung Bộ
‘ Ta biết rằng sự kiện giác ngộ kéo dài suốt 3 canh, do vậy đó là một tiến trình tuần tự, không có sự thể nhập đột ngột tự phát của tri kiến ví như bờ biển không đột ngột sâu xuống mà cứ tuần tự xuôi dần”
Thật vậy, sự giác ngộ của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là một trạng thái hạnh phúc tối cao kéo dài trong nhiều giờ khắc, với tâm trí cực kỳ minh mẫn đã điều động mọi khả năng trí tuệ của Ngài và tập trung chúng lại cùng một thời điểm giống như một tấm kính nóng bỏng. Kể từ đó Ngài thông suốt mọi hiện tượng của vũ trụ nhân sinh từ quá khứ, hiện tại và tương lai.
Sự giác ngộ ấy còn đi xa hơn vì đó là tri kiến tổng hợp nhiều lãnh vực nhận thức mới, trong ấy các tư tưởng cổ truyền cùng trực giác tinh anh phối hợp ở nội tâm Ngài như những khối pha lê đúc thành một giáo pháp mới(Dhamma) và cuôi cùng hệ tư tưởng mới đã vượt hẳn lên mọi tri kiến cũ trở thành chân lý phổ quát bao trùm vạn vật: đó là giáo pháp của Đức Phật.
D. ĐẠO LỘ GIẢI THOÁT: CON ĐƯỜNG TRUNG ĐẠO
Đối với Đức Phật giác ngộ là cứu cánh của sự mưu cầu giải thoát. Bài pháp chuyển pháp luân tại vườn Lộc Uyển dành cho 5 anh em Kiều Trần Như là bài thuyết pháp đầu tiên khởi đầu cho sự nghiệp hoằng pháp của Ngài,đặc biệt Ngài nhấn mạnh: BÁT CHÁNH ĐẠO (nội dung sau cùng của 37 phẩm trợ đạo)
Ngài dạy : “Này các Tỳ kheo, có hai cực đoan mà người xuất gia không nên hành trì. Đó là đắm mình vào dục lạc thấp kém……,đó là chuyên tâm, khổ hạnh, ép xác. Như Lai đã tránh xa hai cực đoan này và tìm ra trung đạo, con đường đưa dến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, niết bàn. Đó là Thánh đạo 8 nhánh.”
Con đường 8 nhánh này về sau được phát triển thành lộ trình GIỚI, ĐỊNH ,TUỆ của người tu Phật.
– Chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng (Giới)
– Chánh niệm , chánh định, chánh tinh tấn (Định)
– Chánh kiến, chánh tư duy (Tuệ)
Bài pháp đầu tiên của Đức Phật có hai ý nghĩa :
Ý nghĩa thứ nhất vô cùng lớn lao: Ba ngôi báu được hình thành: Phật, Pháp, Tăng
Ý nghĩa thứ hai: Đầy ắp tính nhân văn: Giữ lời hứa với 5 người bạn đồng tu, ai chứng đạo quả trước thì truyền lại (mặc dù họ cho Siddattha là người bỏ cuộc)
Kho tàng giáo pháp của Đức Thê Tôn được Ngài thuyết giảng dưới nhiều hình thức trong 49 năm cho hầu hết các đối tượng (căn trí thấp, cao…). Hầu như nơi nào Ngài đi qua thì niềm hỷ lạc, hòa bình đều đến với mọi người, mọi quốc độ. Không nghi ngờ gì nữa Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là nhà sư phạm kiêt xuất của mọi thời đại.
E. GIÁO LÝ ĐẠO PHẬT BAO TRÙM CẢ KHOA HỌC
Trong thế giới phẳng, những tiến bộ khoa học đã đẩy lùi quan niệm thần thánh và mê tín dị đoan thì Đạo Phật càng chứng tỏ là một tôn giáo từ cấu trúc tư tưởng trong các kinh điển cho tới phương pháp hành trì rất tương hợp vói khoa học
Thật vậy, ngày nay Phật giáo đi vào thế giới phương Tây một cách nhẹ nhàng, cởi mở và hòa đồng. Những khoa học gia thượng thặng nhận ra rằng tư tưởng của Đức Phật cách đây trên 2500 năm đã giúp họ rất nhiều trong việc khám phá mới của khoa học.
Thực tế Phật giáo đã đi trước khoa học nhiều thế kỷ.
Đức Phật đã dạy: Thế giới chúng ta đang sống không phải là duy nhất. Một thế giới chỉ là một thiên thể (ví dụ trái đât ). Có 3 cấp độ thế giới: tiểu thiên thế giới, trung thiên thế giới và đại thiên thế giới.
1 Tiểu thiên thế giói= 1000 thế giới
1 Trung thiên thế giới = 1000 tiểu thiên thế giói
1 Đại thiên thế giới= 1000 trung thiên thế giới .Ta có thể so sánh
1 Tiểu thiên thế giới tương đương 1 thiên hà (galaxy) gồm cả trăm triệu ngôi sao
và những hành tinh có thể có sinh vật ở đó
1trung thiên thế giới tương đương với một chùm thiên hà
Nói về quan niệm vũ trụ của Phật giáo thì Đức Phật đã bỏ ngỏ quan niệm vũ trụ hữu hạn, hay vô hạn. Điều này chứng tỏ Ngài đã thấy rõ khả năng của con người là vô hạn..
Trong kinh Hoa Nghiêm , phẩm thế giới thành tựu , Bồ tát Phổ Hiền tuyên thuyết về 10 đặc tính của thế giới (xin mời độc giả tham khảo kinh)
Để kết thúc phần nầy chúng tôi giới thiêu lời phát biểu sau đây: “Tôn giáo tương lai là tôn giáo toàn cầu vượt lên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi phương diện trên. Trong cái nhất thể đầy ý nghĩa chỉ có đạo Phật đáp ứng đủ điều kiện đó.” (ALBERT EINSTEIN (1879-1955)- giải NOBEL 1921.)
Kính thưa quý độc giả và anh em nhà Lam!
Trong khi viết bài nầy chúng tôi có nhận được một số email của anh em tâm huyết phản ảnh tại một vài địa phương hiện có một số người mượn đạo tạo đời, sống bê tha không đúng giới luật …làm ảnh hưởng đến giáo lý cao cả, vi diệu của Đức Phật. Xin các vị cần có cái nhìn thiền quán và tâm niệm “ không làm các điều ác, siêng làm các việc lành; luôn giữ tâm ý trong sạch”
Nam mô Đại hùng Đại lực, Đại từ Đại bi, Đại hỷ Đại xả Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Mùa Thành đạo Phật lịch 2559 – DL 2016
thao.phanngoc@gmail.com ĐT: 0919462898
– Tài liệu tham khảo:
1/ Đức Phật lịch sử (H.Ư SCHUMANN – Trần Phương Lan dịch)
2/ Phật giáo và khoa hoc (TS Trần Chung Ngọc)
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn giadinhphattu.vn là vi phạm bản quyền