ĐÔI ĐIỀU CẢM NHẬN TRONG CHUYẾN HÀNH HƯƠNG VỀ ĐẤT PHẬT. Tâm Giới Phan Ngọc Thảo

Cơ duyên đến Myanmar.
   +Vì biết Myanmar là đất Phật nên khi  du lịch Myanmar từng bước mở rộng, bản thân tôi  đăng ký đặt chỗ ngay mặc dù việc tổ chức các tua du lịch vẫn còn hạn chế về số lượng người đăng ký tham gia.
  +Phát hiện bệnh: Trong khi chờ ngày thực hiện chuyến đi con trai tôi đưa tôi đi khám bệnh tổng quát, dựa theo kết quả chẩn đoán bác sĩ phát hiện bệnh tình của tôi, sau khi hội ý với con tôi, họ vẫn để tôi thực hiện hoài bão của mình, nhưng không quên chỉ định thuốc uống hàng ngày.
Sau 5 ngày 4 đêm thực hiện chuyến du lịch xứ chùa Vàng (từ 13 đến 17/5/ 2016), khi về lại TP HCM, vợ chồng tôi hồ hỡi kể chuyện …thì con tôi trình bày thật với tôi về căn bệnh ít người để ý đến : “động mạch cảnh” của tôi đã hẹp hơn 90 % trong vòng 2 tháng, nếu không mổ thì khó tránh khỏi tai biến mạch máu não dẫn đến tử vong. Theo đề nghị của con, tôi phải trở về Quảng Ngãi để làm thủ tục chuyển bảo hiểm  y tế vào bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM.
Vào ngày 4/6/2016, sau khi làm các thủ tục, tôi được đưa lên bàn mổ, ca mổ mất gần 3 tiếng đồng hồ, sau khi hồi tỉnh, kíp mổ đến thăm  tôi  và dí dõm nếu không có thời gian chờ đợi đi thăm đất Phật có lẽ trong vài tháng nữa thì bác sẽ về cõi vĩnh hằng.. Hiện nay tôi còn giữ làm kỷ niệm phần hợp chất 90%  đe dọa tuổi thọ trăm năm của mình
Xin cảm tạ chư Tôn Đức, quý anh chị trưởng khắp nơi, quý thân hữu, học sinh cũ… đến thăm,  gọi điện …Trước những tình cảm thân thương ấy, tôi khoong biết nói gì hơn, chỉ xin nguyện cầu chư Phật mười phương gia hộ chư vị an lạc trong 6 thời.
CUỘC HÀNH TRÌNH KỲ THÚ:
I. Vài nét về xứ Phật :
Tua du lịch của chúng tôi: Từ TP HCM đến Myanmar mất 5 ngày 4 đêm, trong đoàn cùng đi với tôi có 11 người, đa số là Việt kiều.
Chúng ta được biết  đất nước Myanmar  có diện tích gần 700  km2  (gấp đôi VN) ở phía đông  Ấn Độ, phía tây Thái Lan,phía Nam Trung Quốc, phía bắc Mã-Lai, dân sô trên 60 triêu có 135 dân tộc, đa số là dân tộc Miến.; Được Anh Quốc trả độc lập năm 1947,  trước năm 2011 còn bị  thế giới cấm vận  vì đất nước do quân đội cầm quyền, ngày nay theo chế độ Cộng hòa  đứng đầu là Tổng thống; 90%  người dân theo đạo Phật. Thủ đô hiện nay là Naypyidaw, Thủ đô cũ là Yangon hay Rangoon.  Đồng tiền hiện nay  là Kiat    (1 kiat= 20.000 vnđ) 
II.Những nơi đến ấn tượng
a. Chùa Shewdagon  (chùa Vàng) 

Nổi tiếng thế giới, được coi là trái tim của Phật giáo Myanmar.  Với vòm bằng vàng cao 98 m và được dát bàng 60 tấn vàng nguyên chất (chùa vàng tại Thái Lan dát 5,5 tấn vàng). Ngọn tháp cao nhất của chùa là noi cất giữ những viên ngọc đẹp nhất Myanmar được truyền từ đời nầy sang đời khác với sự canh phòng  nghiêm ngặt của nhà nước và các vị sư
Tham quan chùa Vàng tại Yangon, khách hành hương thấy mình quá bé nhỏ trong một không gian hùng vĩ, linh thiêng, chùa nguy nga nhưng lại có tấm lòng rộng mở  trước vô số pho tượng Phật mỉm cười với mình, quang cảnh hàng hàng, lớp lớp dòng người chấp tay khấn nguyện hướng về đấng Như Lai  với lòng thành kính… cho ta hình dung nơi đâylà nơi thanh bình vĩnh cữu. Từ, bi, hỷ xả ngự trị nơi Bảo điện nguy nga bậc nhất nầy.
b. Chùa Kyaikhtyo (Golden Roch- chùa Đá Vàng).

Xuyên suốt lộ trình 209 km , chiếc xe 16 chỗ ngồi  do một  người Myanmar  và một người Việt hướng dẫn kem theo một tài xế và một người phục vụ khách, họ rất chu đáo, tận tình có điều khá buồn cười là anh chàng hướng dẫn viên (HDV) người Myanmar chỉ biết vài ba câu tiếng việt, do vậy  cậu HDV người Việt tha hồ huyên thiên, đặc biệt tỏ ra mình am hiểu đạo Phật chính xác, không quan tâm sự góp ý chân tình của khách du lịch.
Chùa Đá Vàng được xây dựng vào năm 574 trước công nguyên, nằm cách thành  phố Yangon 209 km là một tảng đá khổng lồ ,đứng cheo leo bên vách núi,tưởng chừng như sắp đổ xuống mà vẫn đứng vững một cách kỳ diệu  trên 2500 năm, tảng đá thiêng được bao bọc bởi những lá vàng được dát mỏng như chiếc lá  do nam tín đồ hiến cúng (**)
Tương truyền sở dĩ tảng đá giũ vững được vị trí của nó là nhờ có một sợi tóc của Đức Phật được đặt ở vị trí chính xác trong một cái tháp thờ cao 7,3 m nằm trên khối đá nầy.Có điều trên thực tế trong 49 năm thuyết Pháp đã có lần  Đức Phật Thích Ca đến Myanmar.
Khi đến Kyaikhtyo  (ki-a-ti-dô), để đến được  chùa đá vàng du khách chọn 1 trong 3 cách  vượt 5km đường đèo khúc khuỷu –hình chữ chi liên tục, đi bộ, đi kiệu, đi xe đặc chủng  mui trần  có tay vịn do Nhật chế tạo. Chọn đi xe  đoàn chúng tôi  ai cũng thầm niệm Phật, vượt qua đoạn đường tử thần  vừa xuống xe  nhìn thấy chùa  Đá vàng, ôi  cảnh quang hùng vĩ, linh thiêng ! mọi mệt nhọc lo âu tan biến, Phật đây rồi….. Nhìn quang cảnh huyền ảo chung quanh chùa Đá vàng  dưới ánh hoàng hôn mọi người cảm nhận “an trú trong hiện tại, phút giây đẹp tuyệt vời”
c.      Tượng Phật nhập niết bàn   shwe Tha Lyaung.

Tượng dài 55m được xây dựng vào năm 994 sau công nguyên. Tượng Phật được sùng kính nhất tại Myanmar. Chiêm ngưỡng nụ cười thanh thoát của Ngài trước khi nhập niết bàn, khách hành hương như được tắm gội  suối nguồn yêu thương  của Đức Như Lai.
d.    Cung điện Kanbawzathardi   tại Bago

Trên đường về Yangon, đoàn ghé thăm  cung điện nổi tiếng của vị Hoàng Đế  thứ 2 của Myanmar (1551-1581) tai thành Phố Bago . Chúng tôi đã thăm chùa Shwemawdaw  một  trong những điểm  được coi là linh thiêng nhất của Myanmar, chùa hơn 1000 năm tuổi. Là nơi bảo tồn xá lợi tóc và xương của Đức Phật
e.Cảng Thalyin- chùa Yele paya.

Chùa Yele paya ngôi chùa độc đáo nằm giữa dòng sông  tại cảng Thalyin,  chúng tôi chưa tìm hiểu về mùa lũ thì chùa sẽ ứng phó ra sao? Lại thêm một ẩn số.
III. Vài mẫu chuyện khó quên
     + Xứ Phật nhưng không có quán cơm chay.
Trong đoàn đi hầu hết là tín đồ Phật giáo, nhiều người ngạc nhiên hỏi tại sao không thấy tiệm  chay, cũng dễ hiểu thôi, bởi vì Myanmar theo Phật giáo Nguyên thủy còn gọi là Nam Tông. Các vị sư tu tập trong các Thiền viện, ăn uống theo chế độ tam tịnh nhuc, ăn trước 12 h trưa, nhiều vị  khất thực đi từng nhóm , có lúc đi riêng lẻ,  các vị nhận thức ăn và cả tịnh tài.  Hòm công đức bằng kính người ta đặt la liệt xung quanh chùa (theo chúng tôi thì không được mỹ quan lắm. có thể gây lòng tham cho kẻ khác…)
       +Một tập tục đáng nể:
Những du khách tới thăm Chùa, Phật, bất kể ai cũng phải cởi giày dép và cả tất nữa đều để bên ngoài sân, mặc dù nhà chùa có đặt thảm  cho khách thập phương  nhưng giữa trưa vào tháng 5 thì nhiệt độ ngoài trời lên đên 50 độ, trong khi các tấm thảm bị gió cuốn đi… khách phải đi trên nền xi măng …ôi thôi.. nóng đến cháy da….
Đặc biệt khi đến viếng chùa, bạn nên ăn mặc lịch sự. Nếu bạn là nữ và muốn đi  thăm những ngôi chùa nổi tiếng thì nên nhớ rằng ở đây phụ nữ không được đến gần, và không được đụng chạm vào những vật linh thiêng trong Chùa hay Tháp Phật hoặc chỗ dành riêng cho các Sư cầu nguyện tụng kinh. Khi bạn muốn đưa cái gì đó cho các nhà sư, nếu là phụ nữ phải để một chiếc khăn tay trên tay mình để không chạm vào các vị Sư.
Nhân đây xin kể câu chuyện quá nhỏ mà hậu quả quá lớn.: “ Không bỏ giày khi vào chùa”.Có 4 sĩ quan người Anh trong thời  nước Anh còn đô hộ Myanmar  đã xem thường quy định của nhà chùa, họ ngang nhiên vào chùa không cởi giày  bị Tăng sĩ phản đối, sau đó là một cuộc đấu tranh bất bạo động của dân chúng Mynmar…Chính quyền Thuộc địa buộc phải đến xin lỗi nhà chùa và nhân dân…  việc để giày ,dép ngoai sân chùa là tập tục đẹp của người dân Miến , không biết bắt đầu áp dụng  từ thời điểm nào.
THAY LỜI KẾT
Nhiều người bảo Myanmar là đất Phật quả không sai vì ở đây du khách  thấy chùa xung quanh mình theo 4 hướng  như những chiếc chuông vàng treo ngược. Đa số người dân Myanmar  có nếp sống  an phận, thủ thường. Có điều thú vị  là tại Yangon khó tìm thấy một chiếc xe máy nhưng các tỉnh lân cận thì phương tiện phổ cập là xe Honda. Hy vong trong vòng 10 năm nữa thì đất nước Myanmar  sẽ sánh vai với top 5 của cac nước Asean.
Kính chúc người dân xứ Phật luôn được an trú trong chánh pháp
Chúc chư vị có một chuyến đi Myanmar  thú vị, bởi  vì trăm nghe không bằng một thấy.
 
(**) Tập tục nầy được áp dụng trước khi ngài Anan  xin Phật cho nữ được xuất gia.
 
                                           Quảng Ngãi   Những ngày dưỡng bệnh, mùa hè 2016.
                                            thao.phanngoc@gmail .com      ĐT   0919 462 898        
 

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn giadinhphattu.vn là vi phạm bản quyền

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.