VĂN NGHỆ (Bậc Sơ Thiện) TRUYỆN CỔ TÍCH “SỰ TÍCH TRẦU CAU”

TRUYỆN CỔ TÍCH DÂN TỘC
“SỰ TÍCH TRẦU CAU”

 
Đời Hùng Vương thứ tư, tại làng kia, một cặp vợ chồng sinh 2 con trai giống nhau như đúc một khuôn. Rất khó phân biệt ai là anh ai là em.
Hai anh em thương mến nhau lắm, không mấy khi lìa xa nhau. Đến khi người anh có vợ rồi, anh em cũng vẫn ở chung một nhà.
Một hôm hai anh em cùng nhau ra đồng làm việc. Người em đau bụng về trước. Chị dâu tưởng là chồng mình, vui vẻ ra đón, có chiều thân ái.
Người em rất lo ngại vì sợ anh mình biết chuyện rồi sinh nghi ngờ, bèn bỏ nhà ra đi. Khi đi tới bờ sông, hắn ngồi khóc thảm thiết, phần vì đói, phần vì nhớ anh, khóc quá rồi chết, hóa ra hòn đá.
Người anh đi làm về không thấy em, hỏi han vợ rồi vội đi tìm. Khi anh đến bờ sông, chỗ em ngồi trước, anh ngồi nghỉ mệt, ôm hòn đá khóc em,  rồi người anh cũng chết, hóa ra cây cau.

Người vợ một mình ở nhà, chờ lâu quá không thấy chồng về, nàng liền đi tìm. Nàng cũng đi đến bờ sông. Ngồi ôm cây cau khóc thảm thiết. Rồi ngất đi mà chết. Nàng hóa ra cây trầu leo bám vào thân cây cau.
Người trong vùng biết chuyện thương tâm, lập miếu thờ 3 linh hồn chết vì thương nhau tại nơi ấy.
Khi Vua Hùng đi ngang qua vùng này, Ngài nghe người dân thuật lại sự tích rất cảm thương. Vua nói:
“Nếu ba người này thật tình là anh em gắn bó và vợ chồng chung thủy, hãy thử trộn ba thứ này là trầu, cau và vôi lại với nhau để xem kết quả ra sao.”
Vua liền sai lính hầu đốt tảng đá vôi thì thấy mềm và trắng, rồi cho trộn chung với lá trầu và trái cau thì thấy màu đỏ sậm như máu. Vua cho đấy là tượng trưng của tình anh em, nghĩa vợ chồng, bèn truyền cho dân chúng dùng trầu cau trong việc cưới hỏi.
 

CÂU HỎI ÔN TẬP
 1) Kể lại một cách diễn cảm truyện cổ tích Dân tộc: “Sự tích trầu cau”.
2) Tóm tắt cốt truyện “Sự tích trầu cau”.
3) Có phải câu chuyện cổ chỉ nhằm giải thích về tục lệ dân gian dùng trầu cau trong việc cưới hỏi?
4) Nêu ý nghĩa truyện cổ “Sự tích trầu cau”.

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.