CA, MÚA, DIỄN KỊCH, ĐỌC TRUYỆN, ​​​​​​​KỂ CHUYỆN DIỄN CẢM

CA, MÚA, DIỄN KỊCH, ĐỌC TRUYỆN,
KỂ CHUYỆN DIỄN CẢM

 
A.  CA, MÚA.
I. Ca hát
Ca hát là bộ môn nghệ thuật phối hợp giữa ngôn ngữ và âm nhạc, gọi là thanh nhạc, nó khác với khí nhạc là loại âm nhạc viết riêng cho nhạc cụ diễn tấu.
Một người hát gọi là đơn ca, hai ba người hát gọi là song ca, tam ca … nhiều người cùng hát một lời ca, một giai điệu là đồng ca. Còn nếu hát theo nhiều bè, nhiều giai điệu khác nhau gọi là hợp ca (Hợp xướng).
Nguồn gốc sâu xa của tiếng hát là do nhu cầu muốn diễn đạt ý nghĩ, tình cảm của mình một cách có hiệu quả hơn trên tâm hồn người nghe. Tiếng hát, chính là tiếng nói được khuyếch đại, được thổi phồng lên về mặt hình thức (thanh điệu của ngôn ngữ) cũng như về mặt nội dung (ý nghĩa của ngôn ngữ), nhằm đánh động tâm hồn người nghe.
Muốn đánh động tâm hồn người khác, thì tiếng hát trước hết phải xuất phát từ tâm hồn người sáng tác, người diễn tấu, và như vậy ta mới thấy “Tiếng hát thực sự là tiếng nói của tâm hồn”.
Do vậy trong phần ca hát này, chúng ta luyện tập những phần sau:
1. Đọc kỹ lời bài hát, đọc chậm rãi, suy tư.
2. Nghe giai điệu và giọng ca của bài hát ấy một cách thật sự bình tâm (không lo nghĩ điều khác).
3. Nghe như vậy nhiều lần và thử ca theo để thấm cái thanh điệu và ý nghĩa của ca từ, dần dần tìm ra cái hồn của bài hát, rồi truyền đạt nó đến tai người nghe bằng một giọng hát điêu luyện nhất mà các em có được.
Có như vậy, chúng ta mới chọn được những bài phù hợp với mình về thanh điệu của ngôn ngữ và ý nghĩa của ca từ, thấy được giá trị của nhạc phẩm, thưởng thức được món ăn tinh thần này.
Ví dụ, đọc và tìm hiểu kỹ bài ca Sen Trắng, bài Trầm hương đốt,… các bài hát sinh hoạt trong GĐPT, chúng ta càng yêu lý tưởng GĐPT hơn.
4. Vì giọng hát của con người được coi như một “Nhạc khí sống” quý báu và ai cũng có nó nhưng phải có sự luyện tập đúng cách thì phát huy được khả năng. Do đó khi tập hát, cần chú ý: tư thế đứng hoặc ngồi đều phải ngay thẳng và tuân theo sự chỉ dẫn của người tập hát.
5. Tập xướng âm và đánh nhịp bài hát (hoặc vỗ tay)  theo sự hướng dẫn của người tập hát.
Ví dụ, tập xướng âm và đánh nhịp đối với các bài hát sinh hoạt trong GĐPT.
II. Múa
“Múa là ngôn ngữ của thể hình” – một điệu múa thể hiện ý nghĩa nhất định của người biên đạo về một chủ đề. Khi tập múa, các em cần phải:
+ Uyển chuyển, dẻo dai, mạnh mẽ dứt khoát.
+ Có tính tập thể và kỷ luật cao: sự đồng đều theo nhóm, phối hợp diễn hình, luyện tập đúng giờ.
+ Tập biểu cảm sắc thái, tình cảm của người múa thể hiện trên khuôn mặt kết hợp với động tác theo từng vũ khúc để biểu đạt tốt nhất ý tưởng của điệu múa đến với người xem.
+ Tập bỏ tính cá nhân ích kỷ, hờn lẩy, tự cao. Tập sống Lục hòa, để qua điệu múa truyền đến cho người xem niềm an lạc.
B. DIỄN KỊCH.
1) Đôi nét về kịch:
a) Khái niệm: Kịch là một môn nghệ thuật sân khấu, một trong ba phương thức phản ánh hiện thực của văn học. Mặc dù kịch bản văn học vẫn có thể đọc như các tác phẩm văn học khác, nhưng kịch chủ yếu để biểu diễn trên sân khấu.
b) Đặc trưng: Đặc trưng của bộ môn nghệ thuật này là phản ánh cuộc sống bằng các hành động kịch, thông qua các xung đột tính cách xảy ra trong quá trình xung đột xã hội, được khái quát và trình bày trong một cốt truyện chặt chẽ với độ dài thời gian không quá lớn. Tức là chọn những xung đột trong đời sống làm đối tượng miêu tả.
*Xung đột kịch: là những mâu thuẫn, hành động, diễn ra ngày càng gay gắt, căng thẳng đòi hỏi phải giải quyết bằng cách này hoặc cách khác để kết thúc vấn đề mâu thuẫn.
*Hành động kịch: là sự tổ chức các tình tiết, sự kiện… trong cốt truyện theo trình tự logic, chặt chẽ, chủ yếu theo luật nhân quả và được thực hiện bởi các nhân vật.
*Nhân vật kịch: được xây dựng chủ yếu bằng ngôn ngữ của chính họ – ngôn ngữ đối thọai, độc thọai. Ngôn ngữ kịch là ngôn ngữ khắc họa tính cách, mang tính hành động, gần gũi với ngôn ngữ đời sống ( có tính khẩu ngữ cao).
c) Các kiểu lọai kịch dựa trên nội dung ý nghĩa:
– Bi kịch: phản ánh xung đột giữa người tốt và kẻ xấu. Các nhân vật tốt, cao thượng thường hay chết hoặc thảm bại. Bi kịch luôn gợi nỗi xót xa, thương cảm cho mọi người về những nhân vật cao đẹp.
– Hài kịch: thể hiện những tình huống khôi hài, sự đối lập giữa bề nổi đẹp với bên trong xấu xa, đen tối để bật lên tiếng cười chế giễu, mỉa mai.
– Chính kịch: phản ánh mâu thuẫn, xung đột trong đới sống hằng ngày.
Dựa vào ngôn ngữ biểu hiện chúng ta còn có: kịch thơ, kịch nói, ca kịch…
2. Tập diễn kịch:
Anh chị Trưởng đã giao cho các em một kịch bản của vở kịch, chúng ta tập diễn vở kịch:
+ Đọc kỹ kịch bản, nắm được mục đích của vở kịch, cốt truyện, thể loại kịch.
+ Xác định nhân vật: số lượng nhân vật, vai trò của nhân vật, nhân vật chính diện, phản diện,…
+ Đọc kỹ lời thoại để tìm hiểu hình thái và tính cách của mỗi nhân vật, xác định thói quen của nhân vật trong cuộc sống,…
+ Tổ chức xuất hiện các tình tiết, sự kiện hợp lý, kịch tính tăng dần. Xác định kịch tính, xung đột căng thẳng vào lúc nào, giải quyết kết thúc vở kịch để lại ấn tượng tốt, có tính giáo dục.
Sau khi tìm hiểu, trong nhóm lập kế hoạch phân vai diễn, thời gian luyện tập; mỗi cá nhân tự chọn cho mình vai diễn phù hợp với khả năng của mình; chuẩn bị hóa trang, cảnh diễn,…
Luyện tập:
+ Cá nhân tập riêng diễn theo kịch bản cho thuộc lời thoại, động tác, di chuyển, ra vào,… tập thể hiện tính cách nhân vật giống như thật.
+ Cả nhóm tập chung, phối hợp diễn giữa các nhân vật, giữa người diễn và người phụ diễn bên trong (tiếng động, tiếng nói vọng, âm nhạc,…).
+ Tinh thần tập thể, tính kỷ luật trong luyện tập là rất cần thiết. Điều quan trọng nhất là thành ý của “diễn viên” muốn gởi đến khán giả thông điệp của vở kịch, do vậy khi tập phải cố gắng và đoàn kết.
3. Các vở kịch tham khảo: Mùa gặt ác (Võ Đình Cường), Giọt nước mắt của ATư Đà,…
Các em sáng tạo xây dựng vở kịch để góp phần vào biểu diễn văn nghệ trong Gia Đình: văn nghệ lửa trại, quanh đèn,…
C. ĐỌC TRUYỆN, KỂ CHUYỆN DIỄN CẢM.
1. Chuẩn bị:
– Đoàn sinh đọc trước một mẩu chuyện, chẳng hạn một mẩu chuyện tiền thân, chuyện đạo, gương hiếu học, gương người tốt việc tốt,…
– Tìm hiểu kỹ mẩu chuyện:
+ Đại ý của mẩu chuyện, bố cục của mẩu chuyện, ý chính của mỗi phần.
+ Mẩu chuyện có bao nhiêu nhân vật, độ tuổi, vai trò và cá tính của mỗi nhân vật. Suy đoán độ tuổi và dáng điệu của nhân vật.
– Tập trước kể lại mẩu chuyện, kể nhiều lần cho thuộc và nhập được vai của mỗi nhân vật.
– Cảm nhận được ý nghĩa của mẩu chuyện mà mình sẽ kể có tác động giáo dục gì đến bạn đoàn và với chính mình.
2. Tập kể chuyện:
– Đoàn sinh kể lại mẩu chuyện đã chuẩn bị trên.
Chú ý:
+ Giọng đọc rõ ràng, kết hợp với điệu bộ mà biểu cảm theo tính cách của nhân vật, đôi khi cần phải giả giọng của nhân vật, tiếng chim, tiếng cười hiền hòa, tiếng cười gian ác…
+ Giọng đọc biểu thị thái độ tình cảm của người kể đối với nhân vật chính diện, phản diện. Truyền cảm thụ giáo dục của câu chuyện đến với người nghe và với chính mình (tự giáo dục).
+ Tổ chức các nhóm Đoàn sinh làm “giám khảo” như một cuộc thi để thêm phần hào hứng.

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.