Năm Mão nói chuyện Mèo
Hồi còn nhỏ, có học bài ca dao: “Con mèo mà trèo cây cau Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà? Chú chuột đi chợ đường xa Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo”
Rất lấy làm lạ vì chưa thấy con mèo nào leo lên cây cau và cũng chẳng thấy con chuột nào làm ổ trên đó.
Rồi tới câu tục ngữ “Chó treo, mèo đậy” cũng vậy.
Cứ tự hỏi mà không dám hỏi ai. Chó làm sao treo? Ai treo con chó? Mèo làm sao đậy? Ai đậy con mèo?
Từ từ mới hiểu: bài ca dao để ngụ ý yêu thương. Câu tục ngữ nói đề phòng trộm cắp theo “tật” của kẻ trộm.
Con chó có thể nhảy bàn độc hất tung lồng bàn để “đớp” và liếm sạch đồ ăn nên ta phải treo đồ ăn lơ lửng cho chó táp không tới. Con mèo có thể leo, trèo nhưng không có sức mạnh để hất lồng bàn nên ta chỉ đậy lồng bàn lên đồ ăn là đủ.
Nhưng nếu nhà có cả chó và mèo thì sao? Treo và đậy đều không xong. Chỉ có cách để vô tủ lạnh là yên tâm. Nếu không có tủ lạnh thì làm sao? Chỉ có cách để món ăn ngon đó lên đầu tủ ăn [(gọi là “gạc măng giê -guard-manger)] và đậy lồng bàn lên. Vậy là chó nhảy không tới, mèo dở không nổi.
Nhà nào mà nuôi cả chó lẫn mèo thì đều thấy khó xử. Chơi với chó thì đôi khi bị “chó liếm mặt”. Vuốt ve mèo thì bị “mèo quào”. Nhà nào dù không nuôi chó, không nuôi mèo cũng phải lấy lồng bàn đậy thức ăn vì sợ ruồi và bụi.
Trở lại chuyện con mèo. Ta kêu Tết Con Mèo (Mẹo hay Mão). Trung Quốc kêu Tết Con Thỏ (lại dùng chữ Mão là con miu). Ta và Trung Quốc kêu giống nhau 10 con trong 12 con giáp, trừ 2 con khác nhau: con trâu (Sửu) thì ta kêu, con bò (cũng Sửu!) thì Trung Quốc gọi.
Mèo thì kêu miu miu. Thỏ thì chẳng nghe kêu.
Mèo gần với người hơn cho nên có nhiều ca dao, thành ngữ, tục ngữ hơn thỏ. Thỏ hình như chỉ có “Nhát như thỏ đế” là thông dụng.
Mèo thì đủ thứ:
-Mèo mả gà đồng (Bắt bồ, yêu thương lén lút)
-Như chó với mèo (Hục hặc liên miên)
-Mèo lại/đến nhà thì khó, chó đến/lại nhà thì sang (Tin như vậy vì chó giữ nhà, mèo ăn xong thì đi dạo)
-Mèo nào cắn miu/mỉu nào (Mèo nào cũng dữ/hiền như nhau)
-Mèo hoang (Mèo vô chủ)
-O mèo (Tán gái, nịnh đầm)
-Mèo hai chưn/chân, mèo bốn cẳng (Người đẹp và mèo- Mèo giả và mèo thiệt)
-Mèo quào (Cào cho rách mặt để làm “tin)
-Ăn như mèo hửi/ngửi (Ăn ít, kén ăn, ăn sang)
-Nam thực như hổ, nữ thực như miêu(Trai ăn như cọp, gái ăn như mèo)
-Mèo của Trạng Quỳnh (Mèo ngoan, mèo nghèo)
Nhắc đến mèo của Trạng Quỳnh, mới thấy Trạng Quỳnh là một nhà chuyên môn huấn luyện thú vật.
Trạng Trình huấn luyện con mèo vàng ngọc, quý phái kiêu sa chuyên ăn món ngon vật lạ của Chúa Trịnh thành con mèo bình dân, nghèo khổ, hiền lành chỉ biết cơm thừa canh cặn chỉ trong vòng năm ba bữa. Đúng là kỷ lục.
Mèo thích được vuốt ve và thích cuộn mình lim dim suy nghĩ chuyện đời. Đừng thấy vậy mà tưởng mèo ta không chú ý chuyện chung quanh. Đang lim dim mơ mộng mà có con chuột chạy ngang thì mèo ta phóng vụt tới, rượt và chụp chú chuột vô phước kia ngay.
Chuột mà muốn giỡn mặt mèo cũng khó lắm. Chỉ giỡn sau lưng thôi. Chuột bàn luận làm cách nào báo động khi mèo tới. Chuông (hay lục lạc). Đúng rồi. Đeo lục lạc vô cổ mèo. Nó tới đâu là có tiếng “leng keng” “linh rinh” đến đó. Mình nghe tiếng động và tránh xa, đi ngã khác kiếm ăn. Tất cả hoan hô ý kiến tuyệt vời.
Có chú chuột con (chuột lắt/nhắt) rụt rè hỏi nhỏ:
-Ai lãnh nhiệm vụ đeo lục lạc cho mèo?
Cả đám chuột giải tán.
Cả dòng họ cọp beo sư tử đều thuộc họ “Mèo”. Mèo tuy nhỏ nhứt nhưng ngon lành nhứt.
Muốn o mèo đâu phải dễ. Phải biết “ga lăng/xăng”. Phải biết thời cơ (lén lút).
Mèo không biết chủ, chỉ biết ăn. Do đó nuôi mèo phải cho ăn. Ăn ngon thì mèo đẹp. Ăn không ngon (như món ăn của Trạng Trình) thì mèo xấu. Đôi khi mèo ăn sạch gia tài mà vẫn được tiếng khen “nhỏ nhẻ/nhẹ” “ ăn như mèo hửi/ngửi”. Ngửi xong, của mất.
Mèo dù là 2 chân hay 4 cẳng đều giống nhau là kêu “miu miu” “nũng nịu” và “Mèo lại hoàn mèo”