MƯỜI ĐIỀU THIỆN (Bậc Chánh Thiện)
MƯỜI ĐIỀU THIỆN
I. Mở đề:
Thập thiện nghiệp là nền tảng của đạo đức, là cái móng vững chắc, là nấc thang căn bản để tiến lên đạo giải thoát. Thập thiện nghiệp là cội gốc của tất cả các pháp lành trên thế gian và xuất thế gian.
II. Hành tướng
1. Định nghĩa
Thập thiện nghiệp là 10 nghiệp lành cũng có thể gọi là thập thiện giới hay nói cho đầy đủ là “thập thiện nghiệp đạo”.
Nghiệp (karma) có thể chia làm 3 tính cách: lành, dữ hoặc vô ký (không lành, không dữ). Nghiệp là một năng lực do những sự thiện và ác của chúng ta tạo thành từ những đời trước. Ngược lại với thiện nghiệp là ác nghiệp.
2 . Mười nghiệp lành
* Về thân: (có 3)
– không sát sanh,
– không trộm cắp,
– không tà dâm.
* Về khẩu: (có 4)
– không nói dối,
– không nói thêu dệt,
– không nói lưỡi hai chiều,
– không nói lời hung ác.
* Về ý: (có 3)
– không tham lam,
– không sân hận,
– không si mê
3. Ýnghĩa và giá trị của mười nghiệp lành
3.1 Không sát sanh mà lại phóng sanh là nghiệp lành đứng đầu trong mười điều thiện. Người hằng ngày không sát sanh thì trong đời sống hiện tại sẽ mở rộng lòng từ bi, là nhân chánh để tu hành thành Phật và được mười pháp lành:
– Tất cả chúng sinh đều kính mến.
– Lòng từ bi mở rộng đối với tất cả chúng sinh.
– Trừ sạch thói quen giận hờn.
– Thân thể thường được khỏe mạnh.
– Tuổi thọ được lâu dài.
– Thường được Thiên thần hộ trợ.
– Ngủ ngon giấc và không chiêm bao dữ.
– Trừ hết các mối oán thù.
– Khỏi bị đọa vào ba đường ác.
– Sau khi chết, được sanh lên cõi Trời.
(Tham khảo bài Thập Thiện Nghiệp trang 101, Khóa II Phật học Phổ Thông – Hòa Thượng Thiện Hoa).
3.2 Không trộm cướp: không lấy những vật gì không phải là của mình và người ta không cho mình…
Theo kinh Thập Thiện Nghiệp đạo, người không gian tham trộm cắp mà lại làm hạnh bố thí thì được những pháp lành như sau:
– Tiền của có dư không bị nạn giặc giả cướp mất, chánh quyền tịch thâu, không bị nạn lụt trôi, lửa cháy và con cái phá tán.
– Được nhiều người tin cậy.
– Không bị lừa dối, gạt gẫm.
– Xa gần đều khen ngợi lòng ngay thẳng của mình.
– Lòng được an ổn, không lo sợ vì sự tổn hại gì cả.
– Khi chết rồi được sanh lên cõi Trời.
3.3 Không tà dâm
Dâm dục là cái nhân sanh tử luân hồi. Người xuất gia phải sống độc thân, giữ phạm hạnh, phải đoạn trừ dâm dật; người cư sĩ tại gia được phép có gia đình nhưng phải chung thủy trong đời sống vợ chồng, không lang chạ với người khác. Theo kinh Thập Thiện Nghiệp đạo, người không tà dục và giữ được tịnh hạnh sẽ được những điều lợi ích sau:
– Sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) đều được vẹn toàn.
– Đoạn trừ hết những sự phiền não, quấy nhiễu.
– Không ai dám xâm phạm vợ chồng con cái.
– Được tiếng tốt, người đời khen ngợi.
3.4 Không nói dối: là nói đúng sự thật, việc thế nào thì nói thế ấy, không thêm, không bớt. Theo kinh Thập Thiện Nghiệp đạo, người không nói dối mà lại nói lời ngay thật, thì được những điều lợi ích như sau:
– Miệng thường thơm sạch.
– Thế gian và nhân, thiên đều kính yêu.
– Lời nói không lầm lộn và vui vẻ.
– Trí tuệ thù thắng, không ai hơn.
– Được hưởng lạc thú như ý nguyện và ba nghiệp đều sạch.
3.5 Không nói thêu dệt: không trau chuốt lời nói, không thêu hoa dệt gấm, không ngọt ngào đường mật để lung lạc lòng dạ của người rồi có hành vi bất chính. Theo kinh Thập Thiện Nghiệp đạo, người không nói thêu dệt có 3 điều lợi:
– Được người trí thức yêu mến.
– Hay đáp được những câu hỏi khó khăn.
– Được làm người có uy đức, cao quý trong cõi nhân thiên.
3.6 Không nói lưỡi hai chiều: không gặp A nói xấu B và ngược lại, không gây nghi ngờ giữa người nầy với người khác, không có ác tâm gây chia rẽ người khác. Theo kinh Thập Thiện Nghiệp đạo, người không nói hai lưỡi, sẽ được những điều lợi ích sau đây:
– Bà con, dòng họ được luôn luôn sum họp.
– Tình bằng hữu của thiện tri thức được vững bền bất hoại.
– Đức tin bất hoại.
– Pháp hạnh bất hoại.
3.7 Không nói lời hung ác: Không nói những lời hung dữ, ác độc, cộc cằn, thô tục làm cho người nghe khó chịu, tủi hổ. Theo kinh Thập Thiện Nghiệp đạo, người không nói lời hung ác mà lại nói lời ôn hòa, được những công đức như sau:
– Nói lời nào cũng khôn khéo đúng lý và lợi ích.
– Nói điều gì, ai cũng nghe theo và tin cậy.
– Nói ra lời nào cũng không ai chỉ trích mà còn được mến yêu.
3.8 Không tham lam: Người không tham lam coi nhẹ 5 món dục lạc: tiền của, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ. Người không tham là người biết “thiểu dục và tri túc “ (muốn ít và biết đủ). Theo kinh Thập Thiện Nghiệp đạo, người không tham muốn thì được thành tựu những điều tốt đẹp sau đây:
– Ba nghiệp (thân, khẩu, ý) được tự tại, vì nhân các căn đều đầy đủ.
– Của cải không mất mát, hay bị cướp giựt.
– Phúc đức tự tại.
– Những sự tốt đẹp sẽ đến với mình, mặc dù mình không mong ước.
3.9 Không sân hận: Nhu hòa trước những cảnh trái ý nghịch lòng. Giận hờn là một tính xấu rất tai hại, nó như một ngọn lửa dữ đốt cháy cả mình lẫn người. Theo kinh Thập Thiện Nghiệp đạo, người không sân hận thì được tám món tâm pháp vui mừng như sau:
– Không tâm khổ não.
– Không tâm giận hờn.
– Không tâm tranh giành.
– Tâm nhu hòa ngay thẳng.
– Tâm từ bi như Phật.
– Thường làm lợi ích yên ổn cho các chúng sanh.
– Thân tướng trang nghiêm, chúng sinh đều tôn kính.
– Có đức nhẫn nhục, được mau sanh lên cõi Phạm Thiên.
3.10 Không si mê: Không si mê là biết phán đoán rành rẽ, không cố chấp theo sự hiểu biết riêng của mình, không mê tín dị đoan, tin có nhân quả luân hồi. Theo kinh thập thiện người không si mê thì thành tựu 10 pháp công đức:
– Được ý vui chơn thiện và bạn chơn thiện.
– Tin sâu nhân quả, thà bỏ thân mạng chớ không làm ác.
– Chỉ quy y Phật, chứ không quy y thiên thần và ngoại đạo.
– Tâm sanh ngay thẳng, chánh kiến.
– Sanh lên cõi trời, khỏi bị đọa vào ba đường ác.
– Phúc huệ không lường, thường tăng lên mãi.
– Dứt hẳn đường tà, chăm tu đạo chánh.
– Không lòng chấp ngã, bỏ hết ác nghiệp.
– Yên ở vào nơi chánh kiến.
– Khỏi bị nạn dữ.
III. Kết luận:
Mười nghiệp lành, mười nghiệp dữ đều do thân, khẩu, ý phát ra. Nghiệp dữ ví như cỏ, nghiệp lành ví như lúa đều mọc chung trên một đám ruộng. Nếu muốn lúa tốt, bội thu thì phải nhổ sạch cỏ. Cũng thế muốn được nghiệp lành thì phải dứt trừ mười nghiệp dữ và như thế sẽ được 4 điều lợi ích:
1. Cải tạo bản thân: phát huy 4 đức tính từ, bi, hỷ, xả.
2. Cải tạo hoàn cảnh: nếu người người làm mười điều thiện, nhà nhà làm mười điều thiện thì xã hội sẽ tốt đẹp biết bao.
3. Chánh nhân thiên giới: Tu thập thiện nghiệp là gieo nhân tốt để đời sau gặt quả đẹp đẽ là sanh lên cõi trời, hưởng phước lạc.
4. Căn bản Phật quả: Tu thập thiện nghiệp một cách rốt ráo thì hiện tại an vui, tương lai xa rời tam đồ, tiến đến Phật quả …
CÂU HỎI ÔN TẬP
1. Hãy nêu nội dung của Kinh “Thập Thiện Nghiệp”
Chia Đoàn thành 2 bên A và B, A hỏi B trả lời và ngược lại.
2. Hội thảo về đề tài “ Thập thiện nghiệp”.
Chú ý: Nơi nào không có Đoàn sinh học bậc Chánh Thiện thì Huynh trưởng hướng dẫn cho bậc Trung Thiện.