TỔ CHỨC CÁC LỄ LƯỢC TRONG ĐƠN VỊ GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

TỔ CHỨC CÁC LỄ LƯỢC 
TRONG ĐƠN VỊ GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

Lễ lược là một loại hình sinh hoạt của GĐPT có mục đích giáo dục đạo đức, tinh thần lý tưởng cũng như nghệ thuật và thẩm mỹ đòi hỏi người Huynh trưởng đặc biệt là LĐT phải am hiểu thấu đáo mục đích, nội dung ý nghĩa và thể thức tổ chức các lễ lược ấy để thực hiện có kết quả tốt.

I. MỤC ĐÍCH, GIÁ TRỊ LỄ LƯỢC GĐPT:
Lễ lược của GĐPT thể hiện tính cách quy mô về tổ chức, về nghệ thuật thẩm mỹ và tính chất giáo dục của GĐPT.
Việc tổ chức các lễ lược nhằm mục đích đánh dấu sự trưởng thành, thăng tiến, thể hiện sự gặt hái thành quả của đơn vị hoặc của cá nhân về tu học, sinh hoạt trong một thời gian nhất định, trong đó có công sức, sự tu học, rèn luyện, tinh thần thiện chí, sự tích cực nổ lực của tất cả Huynh trưởng và đoàn sinh.
Lễ lược còn là phương tiện tốt, là cơ hội để Huynh trưởng, đoàn sinh học tập rèn luyện khả năng về tổ chức, điều khiển, nghệ thuật, bồi dưỡng tâm đức, động viên tất cả mọi người trong đơn vị phấn khởi mà nổ lực tinh tiến hơn trên đường tu học và phục vụ.
Như vậy có thể nói lễ lược cũng là một hình thức giáo dục theo phương pháp hoạt động rất có hiệu quả về tất cả các mặt thể chất, tinh thần, tình cảm, thẩm mỹ và xã hội.

 II. NGUYÊN TẮC CĂN BẢN CHUNG VỀ VIỆC TỔ CHỨC LỄ LƯỢC:
Mỗi buổi lễ có một mục đích, ý nghĩa riêng, nên chương trình, nội dung và thể thức tổ chức mỗi buổi lễ mỗi khác, vì thế Huynh trưởng phải nắm rõ ý nghĩa nội dung, cách thức tổ chức và chương trình mới đạt yêu cầu và kết quả.
Tuy nhiên, một cách tổng quát thì bất cứ buổi lễ gì cũng cần theo đúng một vài nguyên tắc căn bản chung sau đây:
1. Phải đảm bảo thủ tục hành chính:
Trình xin phép Ban hướng dẫn trước theo thời gian quy định và sau khi gửi trình văn phải liên hệ để biết kết quả và tiếp thu các ý kiến chỉ đạo trước khi tiến hành thực hiện (thông thường phải xin phép trước ít nhất 15 ngày)
2. Chuẩn bị chu đáo:
Chuẩn bị chu đáo là yếu tố rất quan trọng để đảm bảo sự thành công của buổi lễ. Việc chuẩn bị quan trọng nhất và trước hết là họp Ban Huynh trưởng để vạch kế hoạch bao gồm các vấn đề:
– Ấn định thời gian, nội dung chương trình, phân công nhân sự, nghi lễ, giao dịch tài chính, vật liệu, tập dượt, chuẩn bị tinh thần cho đoàn sinh hăng hái tham gia đóng góp công sức …
– Phân công nhiệm vụ phải hợp lý, rõ ràng.
– Theo dõi kiểm tra tình hình, tiến độ thực hiện đôn đốc hướng dẫn, điều chỉnh nếu cần.
3. Thể hiện rõ nét:
Ý nghĩa mục đích nội dung, yêu cầu của buổi lễ và có tác động tốt đến tinh thần Huynh trưởng đoàn sinh.
4. Phải nghiên cứu:
Phải nghiên cứu kỹ thể thức, nguyên tắc, chương trình để giữ đúng trình tự, thể thức, yêu cầu buổi lễ, nhưng cần phải biết tiết kiệm, giản dị, gọn gàng mà vẫn ấm cúng trang nghiêm gây ấn tượng sâu sắc cho mọi người tham dự.

III. CÁC BUỔI LỄ VÀ CÁCH TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
Các lễ lược GĐPT có thể chia làm hai loại:
– Nghi lễ tụng niệm
– Các lễ sinh hoạt
1. Nghi lễ tụng niệm:
Như đã nói lễ lược GĐPT mang tính cách giáo dục, nên phần nghi lễ tụng niệm là một hình thức giáo dục về mặt tâm linh và tín ngưỡng, vì thế Huynh trưởng phải có ý thức đúng đắn về phương pháp giáo dục mà biết căn cứ vào khả năng hiểu biết, tâm lý trình độ tu học và sức khoẻ của các em để áp dung cho phù hợp đồng thời đảm bảo tính thống nhất của GĐPT. Phần này có 2 loại nghi lễ chính:
1.1. Lễ Phật thường lệ:
Áp dung chung cho cả đơn vị trong các buổi lễ trước giờ sinh hoạt.
– Trước khi vào điện Phật, phải tập họp hàng ngũ chỉnh tề, cho các em sửa sang y phục, đi vào từng hàng tay chắp trước ngực, im lặng, trang nghiêm. Khi đã vào điện Phật phải tuyệt đối yên lặng, hàng ngũ ngay ngắn đều đặn, mắt ngước nhìn tượng Phật, định tâm quán tướng.
Trình tự nghi thức như sau (mà trong sách Nghi thức tụng niệm gọi là Nghi thức tụng niệm Phổ thông dành riêng cho GĐPT)
1. Chủ lễ niêm hương, kỳ nguyện, đãnh lễ
2. Khai chuông mõ
3. Tụng bài phát nguyện sám hối (tất cả đều quỳ)
4. Niệm danh hiệu Phật và Bồ tát (đứng ngay ngắn bởi các em Oanh vũ không thể quỳ lâu sẽ sinh lộn xộn, mất trang nghiêm)
– Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (10 lần)
– Nam mô A Di Đà Phật (10 lần)
– Nam mô Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc tôn Phật (10lần)
– Nam mô Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát (3 lần)
– Nam mô Đại Hạnh Phổ hiền Bồ tát (3 lần)
– Nam mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát (3 lần)
– Nam mô Linh Sơn Hội Thượng Phật Bồ Tát (3 lần)
5. Bốn lời nguyện rộng lớn.
6. Tam tự quy
(tụng xong bài rồi mới đồng lạy 3 lạy theo tiếng chuông )
7. Hồi hướng công đức
8. Đọc luật (tất cả đều quỳ chấp tay).
Đọc luật ngành Oanh trước
(chỉ có đoàn sinh Oanh vũ đọc theo lời dẫn của chủ lễ).
Luật ngành Thiếu, Thanh và Huynh trưởng đọc sau
(chỉ có đoàn sinh Thiếu Thanh và Huynh trưởng đọc theo lời dẫn)
9. Hát bài Trầm hương đốt
(tất cả đứng, chấp tay)
10. Thực tập chánh niệm (5 – 10 phút)
11. Bái xá rồi lui ra
(theo hàng ngũ, trật tự, im lặng, chậm rãi).
1.2. Lễ Cầu An: Nội dung các bài tụng tuỳ theo trường hợp đoàn sinh.
a. Áp dụng chung toàn đơn vị gia đình:
Gồm các nội dung thứ tự:
– Chủ lễ niêm hương – Kỳ nguyện – đãnh lễ
– Khai chuông mõ-chú chuẩn đề (3 lần)
– Tụng: Nguyện ngày an lành, đêm an lành, đêm ngày sáu thời thường an lành, tất cả các thời đều an lành, xin nguyện từ bi xót thương gia hộ. (3 lần)
– Niệm danh hiệu Phật và Bồ tát:
Nam mô Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật (10 lần)
Nam mô A Di Đà Phật (10 lần)
Nam mô Đại bi Quán Thế Âm Bồ tát (3 lần)
Nam mô Đại bi Hội thượng Phật Bồ tát (3 lần)
– Tam tự quy và đãnh lễ
– Hồi hướng tiêu trừ nghiệp chướng
b. Riêng cho Oanh vũ: Theo đúng nghi thức trên.
c. Riêng cho ngành Thiếu: Thêm tiêu tai cát tường thần chú sau phần Niệm danh hiệu Phật bồ tát.
d. Ngành Thanh và Huynh trưởng: Nghi thức ngành Thiếu, thêm chú Đại bi sau khi khai chuông mõ và Bát nhã tâm kinh sau chú Tiêu Tai.
1.3. Lễ cầu siêu:  Cũng phân chia ra 4 trường hợp
a. Nghi thức áp dung chung toàn đơn vị:
Thứ tự theo các nội dung:
– Niêm hương-kỳ nguyện – đãnh lễ
– Khai chuông mõ
– Quy y linh – Niệm danh hiệu Phật A Di Đà và Tứ Thánh:
Nam mô Tây phương cực lạc thế giới đại từ Đại bi tiếp dẫn đạo sư A Di Đà Phật-Nam mô A Di Đà Phật (10 hoặc 30 lần)
Nam mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ tát (3 lần)
Nam mô Đại Thế Chí Bồ Tát (3 lần)
Nam mô Địa Tạng Vương Bồ tát (3 lần)
Nam mô Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ tát (3 lần)
– Tam tự quy và đãnh lễ
– Hồi hướng
b. Riêng Oanh vũ: Theo đúng nghi thức chung trên
c. Riêng ngành Thiếu: Thêm bài Sám Mười phương (ba đời mười phương Phật …) và chú vãng sanh sau phần Niệm Phật.
d. Riêng ngành Thanh và Huynh trưởng: Nghi thức ngành Thiếu, thêm Chú Đại Bi sau khi khai chuông mõ và Bát nhã Tâm kinh sau sám mười phương.
Lưu ý: Trong nghi thức Cầu an, Cầu siêu không đọc luật và không hát bài Trầm hương đốt.
2. Tổ chức các lễ lược tu học sinh hoạt:
Ngoài các lễ lược có tính cách nghi thức tôn giáo tín ngưỡng nói trên, GĐPT còn tổ chức các buổi lễ khác mang tính chất sinh hoạt nhiều hơn và thể hiện tính cách tổ chức quy mô, nghệ thuật điều khiển, giá trị tinh thần lý tưởng truyền thống và là phương tiện giáo dục đặc thù của GĐPT.
Muốn thực hiện có kết quả tốt các lễ lược này, Huynh trưởng nhất là LĐT phải có nhận thức đúng đắn và sâu sắc về ý nghĩa, mục đích, nội dung yêu cầu và cách thức tổ chức của từng buổi lễ khác nhau.

a. Lễ Quy y:
Lễ Quy y là lối dẫn các em vào đạo, xây dựng cho các em niềm tin vào Tam bảo. Cần gây cho các em ý thức tự nguyện tự giác, sự chí thành cung kính và vui mừng vì từ đây bản thân các em được chỗ dựa tinh thần cao quý và vững chắc để hướng thiện, hướng thượng cuộc đời. Cho nên lễ Quy y cần được tổ chức trang nghiêm, thanh tịnh, thành kính.Muốn vậy, trước hết đơn vị lập danh sách gửi về BHD kèm theo trình văn để BHD trình thầy cố vấn giáo hạnh (hoặc BHD Phật tử tỉnh hội) xin ngày truyền giới. Danh sách phải lập 02 bản. Ngày hành lễ các em sẽ thọ giới gọi là giới tử. Huynh trưởng và các đoàn viên khác thì chung lo việc tổ chức, giúp đỡ động viên các mặt cho các em giới tử. Một hai Huynh trưởng được đề cử hướng dẫn các giới tử thực hiện đúng các nghi thức trong lúc tiến hành lễ thọ giới, Huynh trưởng này gọi là hộ giới.
Chương trình lễ Quy y thọ giới gồm mấy điểm chính sau.
a.1. Chiều ngày trước lễ chính thức:
15 giờ: Tập họp đơn vị
Đón tiếp thầy truyền giới
Trình diện giới tử và Huynh trưởng hộ giới với thầy truyền giới
Bắt đầu nếp sống của giới tử
20 giờ: Lễ Phật chung toàn đơn vị
(các giới tử quỳ phía trước, các đoàn viên khác ở sau cách một mét).
21 giờ: Giải thích phần nghi lễ và chuẩn bị tinh thần giới tử cho buổi lễ vào sáng mai
22 giờ: Giới tử tịnh niệm
a.2. Ngày chính thức thọ giới:
5 giờ: Huynh trưởng hộ giới hướng dẫn các giới tử vào điện Phật, các đoàn viên khác tuần tự vào sau, trang nghiêm thanh tịnh
– Cử chuông trống Bát nhã
– Thầy truyền giới đến
– Lễ truyền thọ quy y
(theo nghi thức đặc biệt)
– Gia trưởng dâng lời cảm tạ thầy truyền giới và khuyến khích các giới tử Tuân giữ giới luật trau dồi đạo hạnh.
– Gia trưởng và giới tử đãnh lễ giới sư
– Tiễn đưa thầy truyền giới
Lưu ý: Đây là trường hợp đơn vị có số lượng Huynh trưởng, đoàn sinh phát nguyện quy y đông, có điều kiện tổ chức riêng. Trường hợp Niệm Phật đường chủ động tổ chức cho đạo hữu địa phương thì BHT phối hợp cho đoàn sinh cùng thọ giới.

b. Lễ Phát nguyện vào Đoàn:
Nếu lễ quy y chính thức đưa đoàn sinh vào nếp sống tôn giáo để hướng thiện hướng thượng tâm linh, thì Lễ Phát nguyện vào Đoàn (mang huy hiệu Hoa Sen) là cửa mở đón người đoàn viên vào Đại gia đình Áo Lam, đi trên con đường thanh hoá cuộc đời, hoà nhập trong cuộc sống tình thương trí tuệ và dũng lực với cộng đồng xã hội. Nhưng các em phải hiểu đúng Phát nguyện là tự chọn lựa và tự nguyện. Vì tự nguyện nên lễ Phát nguyện có sắc thái đặc biệt là không khí náo nức phấn khởi, tươi vui, tự hào và sự kích thích tinh thần hăng hái đối với đoàn sinh.
b.1. Cách tổ chức:
Sau khi một đoàn sinh tham gia sinh hoạt trong thời gian ít nhất là 3 tháng (12 lần sinh hoạt liên tiếp trong 12 tuần, nếu đơn vị sinh hoạt hàng tuần) sinh hoạt đều đặn, chuyên cần, siêng năng tỏ ra có tinh thần tu học, có đạo đức tốt và đặc biệt là chấp nhận mục đích lý tưởng, điều luật của GĐPT thì BHT tổ chức “Lễ phát nguyện chính thức vào Đoàn, mang huy hiệu hoa sen” cho đoàn sinh ấy.
b.2. Phần chuẩn bị:
Trước hết Huynh trưởng Đoàn trình danh sách đoàn sinh sẽ phát nguyện lên LĐT, Gia trưởng. BHT họp để thống nhất tổ chức, phân công: Thỉnh huy hiệu Hoa Sen. Giải thích ý nghĩa mục đích buổi lễ cho các em (tức chuẩn bị tinh thần) chuẩn bị sắc phục, thân tâm, sửa soạn địa điểm, sắp xếp công việc và thời gian.
b.3. Phần hành lễ: Trình tự chương trình đại lược:
– Toàn đơn vị sắp xếp hàng ngũ nghiêm trang trước điện Phật (các đoàn sinh phát nguyện quỳ ở trước chính giữa. Huy hiệu Hoa Sen đặt trên khay có phủ khăn để trên bàn Phật hay bàn kinh)
– Lễ Phật
– LĐT nhắc lại ý nghĩa huy hiệu Hoa Sen và ý nghĩa cao đẹp quan trọng của buổi lễ.
– Đoàn sinh phát nguyện đọc lời phát nguyện (nếu ít thì mỗi đoàn sinh tự đọc, nếu đông thì chọn 1 đoàn sinh khá đọc dẫn trước, các đoàn sinh khác đọc theo).
Hôm nay là ngày … tháng … năm … Phật lịch … tại chùa … trước ngôi Tam Bảo, con tên là … Pháp danh … là đoàn sinh đoàn … thuộc GĐPT … xin tự tâm phát nguyện luôn luôn theo đúng mục đích , nội quy của GĐPT thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam và sống theo điều luật của Đoàn, để tu dưỡng lợi ích bản thân, góp phần phụng sự đạo pháp và xây dựng xã hội.
Cúi lạy đức Thế Tôn từ bi chứng giám
Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật”.
– Đọc luật (đọc luật xong đứng dậy)
– Gia trưởng tuyên bố:
“Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nhân danh GĐPTVN, thay mặt BHT/GĐPT … tôi long trọng tuyên bố công nhận em … Pháp danh … kể từ giờ phút thiêng liêng trang trọng này là đoàn sinh chính thức của GĐPTVN.
Nam mô chứng minh sư Bồ tát ma ha tát”.
– Gia trưởng trao huy hiệu Hoa Sen cho LĐT, LĐP để cài vào áo cho đoàn sinh (trong lúc cài huy hiệu đoàn sinh phát nguyện bắt ấn chào).
– Các đoàn sinh phát nguyện đãnh lễ Tam Bảo (3 lạy)
– Thầy cố vấn giáo hạnh hay Gia trưởng ngỏ lời chúc mừng sách tấn các em.
Sau đó các đoàn có thể tổ chức một cuộc họp vui nội bộ để chúc mừng các em.

c. Lễ trao cấp hiệu:
Lễ trao cấp hiệu là hình thức thể hiện sự thăng tiến và thành quả đoàn sinh đã thu được trong quá trình tu học sinh hoạt hàng năm nhằm động viên thúc đẩy các em phấn khởi phấn đấu tiếp tục tiến tu và học tập.
Đơn vị GĐPT được tổ chức, trao cấp hiệu ngành Oanh, Hướng Thiện, Sơ Thiện (ngành Thiếu), bậc Hoà, Minh (ngành Thanh). Các bậc khác BHD tỉnh tổ chức.
Nội dung và chương trình lễ trao cấp hiệu tương tự như chương trình lễ phát nguyện chỉ cần thay đổi một vài điểm cho phù hợp nội dung buổi lễ:
– Lời phát nguyện của đoàn sinh nhận cấp hiệu:
“… chúng con xin nguyện sống đúng với cấp bậc, luôn dõng mảnh tinh tấn, cố gắng tu học xây dựng cuộc sống thanh cao trong sạch góp phần phụng sự chánh pháp và xây dựng xã hội” 
– Thay cho phần tuyên bố công nhận là tuyên đọc quyết định trúng cách thi vượt bậc trước khi đoàn sinh đọc phát nguyện.

d. Lễ lên đoàn:
Sau khi đoàn sinh đủ điều kiện về bậc học, tuổi tác và tâm lý ngành … theo đúng quy định của GĐPT, BHT cần tổ chức lễ lên đoàn cho các em (Oanh vũ lên ngành Thiếu, đoàn sinh Thiếu lên ngành Thanh). Lễ lên đoàn rất quan trọng, phải đạt được mục đích yêu cầu sau:
– Đoàn sinh được lên đoàn vừa vui mừng phấn khởi nhưng vừa buồn thương tiếc nuối. Mừng vui vì lên đoàn là sự đánh dấu một bước thăng tiến trên đường tu học, một nấc thang, một dấu ấn khó quên trong đời sống GĐPT, là niềm tự hào về sự trưởng thành của mình trong đời thường cũng như GĐPT, nhưng đồng thời cũng dấy lên trong lòng các em niềm băn khoăn đắn đo, một ít lo lắng một cảm giác buồn nhẹ nhàng và nhất là niềm luyến tiếc vì không còn sống với các anh chị và các bạn trong đoàn cũ với bao kỷ niệm vui buồn khó quên: Tuy lên đoàn cũng ở cùng trong một “tổ ấm gia đình” nhưng vẫn như có một cái gì xa cách, vương vấn man mác trong lòng các em.
– Về phần Huynh trưởng tiển đưa các em lên đoàn cũng mang tâm trạng vui buồn lẫn lộn. Vui vì các em của mình đã trưởng thành thêm một bước, đầy tin tưởng, hy vọng, nhưng lại phảng phất buồn vì từ nay mình như “mất đi” đứa em ngoan ngoãn thân yêu, trong sự chở che thương mến của mình. Còn đối với các Huynh trưởng đoàn được tiếp nhận đoàn sinh mới thì lại vui vẻ hân hoan. Vui vì tổ ấm của mình có thêm thành viên mới đầy triển vọng, đoàn mình sẽ đông hơn vui hơn và sẽ mạnh hơn…
Cho nên Huynh trưởng phải biết nắm bắt tâm lý tình cảm từng em để có cách “đối trị” thích hợp. Đối với các em tỏ ra quá “mềm yếu” thì an ủi vỗ về, đối với các em bồng bột phấn khởi thì khích lệ, nhắc nhở.
Thực hiện lễ lên đoàn có mấy phần căn bản sau:
d.1. Phần chuẩn bị: Các đoàn có đoàn sinh đủ điều kiện lên đoàn, Huynh trưởng lập danh sách đệ trình Gia trưởng, LĐT. LĐT phối hợp Huynh trưởng đoàn để lo việc tổ chức. Cần mời phụ huynh đoàn sinh đến dự lễ.
Chuẩn bị khung cảnh, đoàn phục và các vật dụng cần khác (nhất là ngành Oanh lên ngành Thiếu)
d.2. Phần hành lễ: Chương trình theo trình tự:
– Lễ Phật tại điện Phật
(chương trình thường lệ)
– Toàn đơn vị trở ra ngoài xếp hàng theo ngành đối diện nhau qua lằn vôi dọc. Phía ngoài là phụ huynh, phía trong là Gia trưởng, LĐT và các Huynh trưởng đoàn
– Lễ Gia đình Phật tử
(cử Sen Trắng)
– Giới thiệu BHT và quý vị phụ huynh
– LĐT hoặc thư ký trình bày ý nghĩa và sự quan trọng của buổi lễ.
– Tuyên đọc quyết định của Gia trưởng chấp thuận lên Đoàn (các đoàn sinh nghe đọc tên đứng phía trước xếp hàng ngay ngắn).
– Người dẫn chương trình mời Gia trưởng cắt dây treo tượng trưng cho đoàn sinh lên Đoàn (Huynh trưởng đoàn liên hệ hướng dẫn đoàn sinh tiến lên trình diện Gia trưởng cắt dây treo hay phù hiệu ngành Thiếu lên ngành Thanh)
– Huynh trưởng đoàn liên hệ hướng dẫn các em (Oanh vũ) vào phòng thay sắc phục Đoàn mới, xong trở ra về vị trí cũ.
– Các Đội, Chúng trưởng hay Đầu Thứ đàn cùng Huynh trưởng đoàn dìu các en tiến lên trình diện Gia trưởng, LĐT hoặc LĐP (phụ trách ngành) liên hệ để nhận “hành trang mới”.
– LĐT hoặc LĐP cầm gậy long trọng tuyên bố, “Thay mặt Gia trưởng GĐPT … anh (chị) long trọng trao cho em hành trang mới để em vững chắc tiếp bước trên đoạn đường mới của đời Ao Lam GĐPT. Thân ái chúc các em nhiều an lành và luôn tinh tấn.”
– Đoàn sinh nhận gậy, đứng thế nghiêm có gậy bắt ấn chào. Các Huynh trưởng tiếp tục dẫn các em vượt qua lần vôi đối diện đến trước Đoàn mới liên hệ. Các đoàn này hô khẩu hiệu đón chào. Đoàn trưởng tỏ lời vui mừng đón nhận đoàn sinh mới.
– Các đoàn sinh quay lại chào Huynh trưởng lần cuối từ giả Đoàn cũ
– Gia trưởng tỏ lời khuyên nhủ khuyến khích
– Đại diện đơn vị gia đình tỏ lời cảm ơn sự hiện diện của phụ huynh
– Hồi hướng công đức, tiễn đưa các phụ huynh
Sau lễ, các Đoàn có nhận đoàn sinh mới có thể tổ chức một buổi trại bay hay du ngoạn để tượng trưng cho bước khởi hành trên đoạn đường mới, gây ấn tượng sâu sắc đối với các em.
* Các lễ lược trên đây đã có trong tài liệu A Dục. Nhưng với vai trò trực tiếp tổ chức điều hành hướng dẫn chung và để thống nhất lề lối người LĐT cần tìm hiểu rõ ý nghĩa cách thức tổ chức nên ở đây cần trình bày lại các lễ lược vừa nói.

e. Lễ chính thức:
Đây được xem là Lễ ra mắt khi đơn vị được Ban trị sự tỉnh, thành hội thừa nhận là GĐPT chính thức. Lễ này có tính cách trình diện và có màu sắc liên hoan mừng ngày vui, một ngày hội đặc biệt của đơn vị.
Lễ chính thức rất quan trọng vì nó thể hiện niềm vui lớn nhất là sau một thời gian tạm thời sinh hoạt đơn vị đã phấn đấu vươn lên đã đạt được những thành tích nhất định về số lượng, quy cũ về tổ chức, hình thức, nề nếp sinh hoạt và tu học, nó đánh dấu khởi điểm tươi sáng của đơn vị trong hành trình đi tới lý tưởng Áo Lam.
Lễ chính thức chỉ tổ chức một lần mà thôi.
e.1. Chuẩn bị:
– Chuẩn bị mọi mặt về tổ chức: Đoàn Đội, Chúng, Đàn, sắc phục, cấp hiệu, phù hiệu, cờ các đơn vị.
– Chuẩn bị chu đáo về tổ chức trại Gia đình
– Mời quan khách: Đại diện Niệm Phật đường, Ban Hộ tự, BĐD, ban bảo trợ, BHT các đơn vị bạn, các đạo hữu tại địa phương, phụ huynh Huynh trưởng đoàn sinh.
– Nhân vật chủ yếu của buổi lễ: BHD chủ toạ, quý thầy chứng minh (nếu có)
– Một chiếc gậy cờ Gia đình dài 1,8m, một khay phủ vải đựng cờ Gia đình xếp lại.
e.2. Phần hành lễ: 
Chương trình buổi lễ gồm các nội dung sau:
– Tuyên trình lý do
– Lễ Phật
(niệm hồng danh đức Bổn sư)
– Phút tưởng niệm chư Thánh tử đạo, chư vị tiền bối công đức, Huynh trưởng đoàn sinh quá cố.
– Lễ Gia đình
(cử Sen trắng)
– Giới thiệu
– Lễ trình diện đơn vị
– Diễn văn của Gia trưởng (đã chuẩn bị trước để trong kẹp giấy: Viết ngắn gọn, nhưng súc tích về mấy ý chính: Tỏ lời chào mừng, cảm ơn các sự giúp đỡ và trình bày sơ lược các nét chính trong diễn tiến hình thành sinh hoạt của đơn vị).
– Tuyên đọc Quyết định công nhận chính thức của Ban trị sự tỉnh hội (thành hội) Đại diện BHD đọc.
– Lễ trao cờ cho đơn vị (BHD trao, Gia trưởng nhận cờ do đại diện BHD chủ toạ cột vào gậy cờ).
– Huấn từ của anh Trưởng ban Hướng dẫn hoặc đại diện BHD.
– Đạo từ của thầy cố vấn giáo hạnh … (nếu có)
– Cảm tạ (ngắn gọn)
– Hồi hướng công đức
– Tiệc trà thân mật (nếu có).
– Tiển đưa quan khách
Nếu có tổ chức trại (quy mô) thì sau khi hồi hướng công đức nên mời quan khách thăm trại.

g. Lễ Chu niên:
Khác với lễ chính thức chỉ được tổ chức một lần, Lễ chu niên lại tổ chức hàng năm theo một ngày nhất định như là kỷ niệm sinh nhật. Lễ chu niên có tính cách thể hiện sự tiến triển không ngừng, sự trưởng thành theo từng thời kỳ lịch sử của đơn vị, cho nên nội dung buổi lễ phải phản ánh sự thăng tiến ấy. Lễ này thường có mấy nội dung chính:
– Trình bày sức sống thể hiện lịch sử thăng tiến của đơn vị.
– Nghi thức chính thức kỷ niệm
– Phần liên hoan chào mừng
Điều quan trọng là cần có sự đóng góp công sức tinh thần trí tuệ và nhiệt tình của tất cả Huynh trưởng và đoàn sinh kể cả các em Oanh vũ với tất cả niềm phấn khởi hăng say nói lên tình cảm yêu mến gắn bó với tổ chức GĐPT nói chung, đơn vị nói riêng.
Phần chuẩn bị thực hiện nghi thức buổi lễ kỷ niệm, chương trình tương tự như lễ chính thức, chỉ khác là sau phần diễn văn của Gia trưởng có thêm phần tường trình hoạt động của đơn vị trong năm qua, nêu rõ các thành tích đặc biệt. Ngoài ra cũng cần có phần khen tặng, trao phần thưởng một số đơn vị đoàn xuất sắc, cá nhân gương mẫu trong việc tu dưỡng đạo hạnh, tích cực, thành tích nổi bật trong sinh hoạt nhằm động viên tinh thần cố gắng của Huynh trưởng đoàn sinh, sự thi đua giữa các đoàn để phát huy hơn nữa sức sống của đơn vị.

h. Lễ hiệp kỵ:
Lễ hiệp kỵ là lễ tưởng niệm chung chư vị tiền bối công đức giáo hội tất cả đoàn viên GĐPT đã khuất (gồm Huynh trưởng các cấp, đoàn sinh, Ban viên Ban bảo trợ quá cố). Đây là một loại nghi lễ đặc thù của GĐPT vì vừa mang tính chất tâm linh tôn giáo vừa có hình thức tổ chức sinh hoạt và đặc biệt là thể hiện tình cảm thuỷ chung gắn bó sâu sắc giữa những người con Phật cùng màu áo mái nhà, là đạo lý đền ơn đáp nghĩa của GĐPT.
Lễ hiệp kỵ, thường diễn ra hàng năm, nhưng mức độ quy mô thì tuỳ theo định lệ của từng đơn vị.
h.1. Về thời gian: Tuỳ điều kiện hoàn cảnh địa phương mà chọn thời gian thích hợp, thuận tiện, nhưng thường thì các đơn vị chọn các ngày lễ có ý nghĩa cầu nguyện siêu thoát vãng sanh như lễ Vu Lan, lễ Vía đức Phật A Di Đà, lễ Thành Đạo, ngày giỗ của cố cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám sáng lập viên GĐPT … để cử hành lễ hiệp kỵ.
h.2. Về tinh thần nội dung: Tuy thời gian tuỳ chọn có khác nhau, dù mức độ quy mô thế nào, nhưng ngày hiệp kỵ trở thành ngày truyền thống, một nét văn hoá tâm linh, đạo lý, ngày hội ngộ nghĩa tình giữa nhiều thế hệ, giữa những người đã vắng bóng và những người đang tiếp nối sự nghiệp của các bậc đàn anh của GĐPT nên buổi lễ cần được diễn ra trong không khí trang nghiêm, thành kính, thắm thiết và cảm động.
h.3. Phạm vi tổ chức: Lễ hiệp kỵ thường được tổ chức trong 2 phạm vi:
+ Hiệp kỵ toàn tỉnh: Do PBHD trực tiếp tổ chức. Đây là một Phật sự quan trọng không thể thiếu trong chương trình hoạt động hàng năm của BHD. Tất cả các đơn vị dù đang khó khăn trở ngại nào cũng phải có trách nhiệm tham gia đóng góp công sức và tinh thần một cách đông đủ. Đây là dịp để các đơn vị thể hiện niềm tin lý tưởng, ý thức trách nhiệm, tình cảm thành khẩn tưởng niệm của tất cả những người đang sinh hoạt trong tổ chức đối với những anh chị em đã khuất bóng. Vậy nên các BHT nhất là người Gia trưởng, LĐT cần trân trọng và quan tâm.
+ Hiệp kỵ trong đơn vị GĐPT: Rất nhiều đơn vị đã theo thông lệ hàng năm cử hành lễ hiệp kỵ tưởng niệm chư vị tiền hậu công đức bổn tự, Niệm Phật đường, truy tiến Huynh trưởng đoàn sinh, bảo trợ, đạo hữu địa phương quá cố. Tuy nhiên các BHT cần lưu ý tổ chức chu đáo trong tinh thần tiết kiệm nhưng có ý nghĩa tạo được ý niệm tốt về lý tưởng và tinh thần uống nước nhớ nguồn đối với Huynh trưởng và đoàn sinh.
Chương trình một lễ hiệp kỵ ở đơn vị GĐPT (nếu diễn ra trong ngày) đại lược có mấy nội dung chính như sau:
* Phần nghi thức:
– Cung đón chư tôn đức giáo phẩm, quan khách, thân nhân của các Huynh trưởng đoàn sinh quá cố đăng lâm đạo tràng
– Tuyên bố lý do
– Giới thiệu
– Lời cảm niệm của Gia trưởng
– Phát biểu của PBHD (nếu có)
– Đạo từ của tôn túc đại diện lãnh đạo giáo hội, hoặc thầy cố vấn giáo hạnh (nếu có)
– Lời cảm tạ
* Phần nghi lễ cầu nguyện:
– Lễ cúng Phật
– Lễ truy tiến chư vị tiền bối công đức, chư linh.
(Tất cả Huynh trưởng, đoàn sinh tề tựu đông đủ, trang nghiêm, thành kính cung tiến và hộ niệm kỳ siêu)
– Toạ đàm thân mật
– Lễ cúng thí thực cô hồn, phóng sanh (tuỳ nghi sắp xếp thời gian thuận tiện)

KẾT LUẬN:
Tổ chức lễ lược trong GĐPT là một hình thức sinh hoạt rất quan trọng vừa có tác dung giáo dục tốt vừa là một luồng sinh khí gây tinh thần phấn khởi, củng cố niềm tin và phát huy sức sống của đơn vị.
Người Huynh trưởng nói chung, đặc biệt là người LĐT, LĐP cần nhớ rõ các yếu tố để việc tổ chức lễ lược thành công là:
– Năng lực tổ chức (vạch kế hoạch, phân công, sắp xếp công việc, vận động đúng mức)
– Óc sáng kiến, khéo léo của người tổ chức
– Nhiệt tâm và tinh thần trách nhiệm, hoà hợp
– Theo đúng lề lối, thể thức tổ chức và tinh thần nội dung của từng buổi lễ.
Hình thức, nội dung, kết quả buổi lễ sẽ nói lên tinh thần trách nhiệm, trình độ, năng lực và nghệ thuật tổ chức của Ban Huynh trưởng nói chung, người LĐT nói riêng vậy./.
 

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.