TẢN MẠN VỀ HOA SEN
Hoa Sen đối với quan niệm thông thường là loài hoa tượng trưng cho khí tiết người quân tử, mọc trong bùn mà hương thơm ngào ngạt, ca dao đã ca ngợi:
“Trong đầm gì đẹp bằng sen,
Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng
Nhụy vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”
Và kẻ sĩ ngày xưa, khi công đã thành danh đã toại, lúc lui về ẩn dật nơi chốn điền dã thì cái cảnh bơi thuyền trong hồ sen để hứng những giọt sương mai còn đọng trên tán lá về pha trà mỗi sáng là thú tiêu dao đầy quyến rũ.
Mà cũng là cái cớ cho sự lãng mạn chân chất Việt Nam:
“Hôm qua tát nước đầu đình
Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen
Em được thì cho anh xin . . .”
Ừ nhỉ, sao lại là cành hoa sen? thì ra hoa sen chỉ là cái cớ để chàng mở lời cùng nàng về cái nghĩa trăm năm…
Sen còn là loài dược liệu quý cho những ai tâm thần không ổn định, trong đông dược nào là Liên nhục, Liên tu, Liên ngẫu, Liên tâm không những chữa bịnh cho bao người mà còn là đồ ăn thức uống dễ kiếm dễ tìm.
Hoa Sen theo truyền thuyết đã nỡ ra dưới mỗi bước chân của thái tử Tất Đạt Đa trong vườn Vô Ưu trên mấy ngàn năm trước báo tin bậc chánh giác ra đời. Là chốn thăng tòa thuyết pháp độ sinh của chư Phật. Là cành hoa trên tay đức Thế tôn cho Ca Diếp nỡ nụ cười mở ra một cõi thiền sống động. Là chỗ hóa sanh trên chốn Tịnh độ cho chúng sanh nào tại Ta bà uế trược này biết hồi tâm hướng thiện.
Đó là loài hoa quý. Nhưng quý vì sao? Nhưng vì sao mà trân trọng nhường ấy? So sánh Sen với các loài khác bỗng dưng chợt ngộ, thì ra Sen có đến 7 điều đặc biệt mà chẳng loài nào có được:
1. Hoa vừa nỡ thì hạt đã có rồi, đâu cần phải đợi đến lúc hương sắc tàn phai, ong chê bướm chán mới có hạt giống để duy trì. Ôi lãng đãng đâu đây cái triết lý Nhân quả đồng thời, nhân nào quả nấy, khiến cho người bỗng chợt dừng tay trước khi gây nghiệp chướng.
2. Sống trong bùn mà trong sạch thơm tho, mà làm cho nước dơ ở chung quanh lắng đọng là hình ảnh của Thiền sư đạt ngộ thỏng tay vào chốn chợ búa ồn ào để hóa độ chúng sanh trầm luân khổ ải trong mười bức mục ngưu đồ.
3.Riêng cành lá, riêng cộng bông mà chỉ chung một gốc củ. Phải chăng cái tinh thần cộng nghiệp mà biệt nghiệp đã thể hiện nơi đây nhắc nhở ta rằng cuộc đời cũng chỉ là những biệt nghiệp trong một cộng nghiệp nên chi có người này giàu người khác khó khăn để đừng bi lụy sầu đau rằng sao ai đó như thế kia mà ta như thế nọ.
4. Ong bướm không bu đậu, là một nét thanh tịnh riêng mình, hay phải chăng chính vì sen thanh tịnh nên ong bướm không dám đến gần. Bỗng chợt thương cho ai mỗi khi lầm lỡ cứ đổ lỗi cho hoàn cảnh khách quan mà chẳng bao giờ tự kiểm lại mình vì sao mà nông nỗi? Sao chẳng hiểu tự thân thanh tịnh thì trần dục đâu có chốn quấy rầy!
5. Không làm đồ trang sức bởi làm sao người ta có thể cài một hoa sen lên mái tóc khi sen nặng dường kia, có cái đầu thế gian nào chịu nỗi. Phải chăng khi mà nội lực vững vàng thì không ai có thể dùng ta cho mục đích của riêng ai?
6. Hột giống để lâu không hư. Hình như cái triết lý duy thức với những chủng tử trong A lại gia tàng ẩn trong hột sen để nhắc ta rằng đừng tưởng những nghiệp nhân đã tạo tác sẽ chẳng còn gì sau khi chết đi mà sẽ có một ngày kia khi nhân duyên đầy đủ thì cũng phải sinh quả để ta biết khổ lạc với đời.
7. Vượt bùn nước để nở hoa trong không gian là chí nguyện kiên cường, là niềm tin dõng mãnh, tinh tấn trong khó khăn gian khổ hầu đem lại cái rực rỡ dưới ánh mặt trời, là lý tưởng hôm nay muốn thành tựu cũng phải kinh qua bao nhiêu tế toái cuộc đời.
***
Bảy điều như thế và còn nhiều điều hơn thế cho ta một cái nhìn về một loài hoa mà Gia đình Phật tử chọn làm huy hiệu biểu tượng cho cuộc phấn đấu trở nên người chân chánh. Mà cái huy hiệu biểu tượng đó lại được nâng lên một tầm vóc lớn hơn với niềm tin chắc chắn rằng mỗi một cánh sen trong cái vòng tròn xinh xắn chỉ có 30 mm kia chứa đựng cả một trời mơ ước của tổ chức Gia đình Phật tử chúng ta.
Này nhé, cái hình ảnh đóa sen trắng nở ra tám cánh trên nền xanh lá mạ trong một vòng tròn trắng đã cho ta một trời mơ ước, đó là “Hoa sen trắng tượng trưng cho ánh sáng trí tuệ, tinh khiết, màu xanh lá mạ là màu hy vọng của tuổi trẻ vươn lên, vòng tròn trắng tượng trưng cho đạo Phật viên dung hoàn toàn vô ngại, năm cánh trên tượng trưng cho 5 hạnh của người Phật tử, cánh giữa tượng trưng cho hạnh Tinh tấn, cánh trái (từ ngoài nhìn vào) tượng trưng cho hạnh Hỷ xả, cánh phải tượng trưng cho hạnh Thanh tịnh, cánh trái ngoài cùng tượng trưng cho hạnh Trí tuệ, cánh phải ngoài cùng tượng trưng cho hạnh Từ bi, 3 cánh dưới tượng trưng cho ba ngôi báu. . .” đó là bài học cơ bản, vở lòng khi chuẩn bị phát nguyện để được mang huy hiệu hoa sen công nhận là người đoàn viên chính thức của GĐPT.
Và tôi, trong cuộc thăng trầm đời sống lại nhìn cái huy hiệu đó với vòng tròn là cái triết lý vô thủy vô chung của đông phương, là tính linh họat sống động khác với hình vuông hay hình tam giác đầy nét cứng rắn và bất trắc, cũng như tôi đã nhìn thấy một chiếc lá sen tròn trên đó có một đóa hoa đang nỡ, và đôi khi lại là một mặt hồ đang nở một đóa sen. Có thể là lãng mạn khi nhìn cái huy hiệu kia dưới góc độ như thế nhưng nếu như không lãng mạn thì tổ chức này đâu chắc đã hình thành khi mọi người đã và đang chạy theo những phù phiếm nhất thời. Không lãng mạn để mơ ước một tương lai thì có thể chúng ta đã xuôi tay và có thể hôm nay chúng ta đã chẳng làm được gì ngoài những nhớ thương một thời vàng son quá khứ. Đó là cái lãng mạn của các anh chị đi trước đã mộng mơ cho thế hệ mai sau khi gán cho mỗi cánh sen một ý nghĩa thiết thực để chúng ta phấn đấu thành tựu.
Một chút mộng mơ, một chút tản mạn, sân chùa những chiều chủ nhật vẫn nớ đầy sen trắng và trong tôi một đóa sen vàng vẫn nỡ bởi người phụ nữ đã hỗ trợ cho tôi hoàn thành tâm nguyện đời mình chính là vợ tôi, Kim Liên, như tôi vẫn nói “Em vẫn là Kim Liên trong lòng ta, đóa sen vàng nho nhỏ, Em vẫn là một mặt trời cháy đỏ, chiếu sáng cả hồn ta. . .”