THỰC TẬP CHÁNH NIỆM (Bậc Chánh Thiện) THIỀN TỨ NIỆM XỨ
THỰC TẬP CHÁNH NIỆM
I. Mở đề:
Đức Phật đã dạy con đường duy nhất để giúp chúng sanh thực hiện thanh tịnh, vượt thắng phiền não, tiêu diệt ưu khổ, đạt trí chánh đạo và chứng nhập niết bàn, đó là con đường của 4 phép an trú trong quán niệm: tứ niệm xứ. Nhờ quán chiếu mà hành giả thực chứng được tính vô thường, vô ngã và duyên sinh của vạn pháp để đạt tới quả vị giải thoát.
II. Hành Tướng Tứ Niệm Xứ
1.Định nghĩa:
– Niệm: Tiếng Phạn là smrti, nghĩa là phát khởi ý thức, là để tâm tới, là hằng nhớ nghĩ.
– Xứ: Tiếng Phạn là upasthana, nghĩa là nơi chốn, lãnh vực, đối tượng.
– Tứ niệm xứ là 4 chỗ, 4 điều mà hành giả thường để tâm nhớ nghĩ tới. Đó là:
+ Quán thân bất tịnh,
+ Quán tâm vô thường,
+ Quán pháp vô ngã,
+ Quán thọ thị khổ.
2. Ý nghĩa:
2.1 Quán Thân Bất Tịnh
Tập trung tư tưởng quán xét môt cách tường tận về sự dơ bẩn của cái thân ta.
Thông thường thì người ta cho xác thân mình là quý báu, nên hết sức yêu chuộng, bảo bọc, cưng dưỡng. Người ta cung cấp cho thân đủ thức ngon vật lạ; người ta đùm bọc nó trong lụa là gấm vóc; người ta dám làm tất cả những việc bất nhân tổn đức để cho nó được sung sướng.
Song bình tĩnh mà xét lại, cái thân con người không có gì là tịnh sạch cả. Ngay từ khi mới thành bào thai cho đến khi được sinh ra, lớn lên, mạnh khỏe rồi già yếu bệnh tật, rồi chết. Cái thân con người chỉ là tập hợp nhân duyên của mọi thứ dơ bẩn, chứa đựng nhiều thứ tanh hôi… Nhưng bởi vô minh che lấp nên người ta cho cái thân là đẹp đẽ, thơm tho… Rồi khởi lòng tham, sân, si, tạo ra bao ác nghiệp để nuông chiều bảo vệ cho cái thân. Vì vậy khi đã quán sát thấy rõ thân người là bất tịnh, ta mới dứt trừ được tham ái, dục lạc và sẽ sống an vui.
Tuy nhiên, cũng cần hiểu rằng, quán thân bất tịnh để đối trị lòng tham đắm sắc dục, ngăn ngừa ác nghiệp, tội lỗi chứ không phải để ghê tởm thân mình rồi coi thường mạng sống, thậm chí có người hủy bỏ thân mạng là có tội vô cùng. Đức Phật đã dạy: “Nhơn thân nan đắc”, thân người khó gặp là vậy.
2.2 Quán Tâm Vô Thường
Tâm vô thường là cái tướng của tự tâm chúng ta, luôn đổi thay không ngừng. Cái tướng của tự tâm chính là cái phân biệt hiểu biết hàng ngày, là cái thức. Bởi thiếu hiểu biết nên con người thường nhận lầm cái phân biệt, cái thức là ta thường còn. Ngoại đạo cho là thần ngã hay linh hồn thường trụ. Sự thật cái tâm của ta luôn thay đổi; khi nhỏ khác, khi lớn khác, khi có học khác, khi chưa học khác, khi vui, khi buồn, khi thương, khi ghét… tất cả chỉ là tâm pháp vô thường, nó thay đổi đủ cách, tùy chỗ tu tập của mình mà tiến hóa.
Người đời vì chấp cái tâm là thường nên không chịu uốn nắn, trau giồi tánh hạnh mà cứ buông lung phóng túng. Người xưa bảo “ tâm viên, ý mã” (tâm như vượn, ý như ngựa) để chỉ tính vô thường của tâm. Cũng vì chấp cái ta là chắc thật muôn đời nên sinh ra vọng tưởng tham, sân, si, mạn, nghi, ác, kiến,v.v.v… mà phải đảo điên, phiền não.
Đức Phật đã dạy: phép quán “tâm vô thường” để chúng ta quán sát, tu hành mà đối trị tâm mê lầm ra cái tâm giác ngộ, dứt trừ ngã chấp để thoát khỏi vòng sinh, tử luân hồi.
2.3 Quán Pháp Vô Ngã
– Pháp theo Tiếng Phạn là Dharma, Trung Hoa dịch là quỹ trì nghĩa là nắm giữ, chỉ cho tất cả mọi sự vật trên vũ trụ từ các vật hữu hình đến vô hình, tưởng tượng…
– Ngã nghĩa là chủ tể, là riêng có tự tướng của mình. Vì chấp ngã nên có sự phân biệt ta – người, của ta – của người… mà sinh ra quý trọng, khinh rẻ, đấu tranh trong xã hội.
Song, xét cho kỹ thì các pháp không có tự tướng, tức là vô ngã. Kinh Lăng Nghiêm có câu: “Nhân duyên hòa hợp hư vọng hữu sanh, nhân duyên biệt ly hư vọng hữu diệt” (nhân duyên liên kết thì giả dối có sanh, nhân duyên chia lìa thì giả dối hoại diệt).
Do hiểu lầm các pháp là thật, nên ngoài thì bị hoàn cảnh kích thích, trong thì bị phiền não thúc bách, con người phải quay cuồng theo sự đổi thay của giả cảnh, trôi lăn trong vòng sanh tử luân hồi.
Vì vậy người Phật tử cần phải thấy rõ pháp vô ngã để không còn quá câu nệ ta và người, không phân biệt thân, sơ, yêu, ghét, không có hành động ích kỹ hại người, nhờ vậy mà đạt đến an vui tự tại.
2.4 Quán Thọ Thị Khổ
– Thọ là chịu, là nhận lãnh.
– Thọ thị khổ nghĩa là có nhận lãnh là có khổ.
Nhận lãnh có ý nghĩa hết sức sâu rộng là nhận lãnh chịu đựng tất cả những sự việc trong cuộc sống từ cái thân cái tâm của ta cho đến những vật những việc để giữ gìn cái thân như cơm ăn, áo mặc, nhà ở… những điều để thỏa mãn cái tâm ý như tình cảm, thú vui từ những nhu cầu tối thiết cho đến những thứ xa xỉ thừa thãi và còn biết bao điều liên quan đến cuộc sống đa đoan phức tạp như sinh, lão, bịnh, tử. Tiền của, địa vị danh vọng, bạn thù, ân oán, yêu ghét, mong cầu, thất vọng, thuận lòng, nghịch ý… tất cả những điều ấy đã trói buộc con người trong vòng khổ não. Càng tham lam thì thọ nhận càng nhiều nên phiền não khổ đau càng lớn. Ngược lại giảm bớt lòng tham đắm, ít thọ nhận thì sẽ ít đau khổ. Vì vậy phép quán thọ thị khổ sẽ có tác dụng đối trị căn bệnh trầm trọng là tham lam, giúp ta xả bớt gánh nặng thọ lãnh để được an nhiên tự tại.
III. Kết luận
Do thành kiến sai lầm tưởng thân mình là quý báu trong sạch, tưởng tâm mình vĩnh cửu thường còn, tưởng mọi vật trên đời là có thật, trường cửu, tưởng thọ nhận thu góp càng nhiều càng sung sướng… nên con người phải chìm đắm trong bể khổ mênh mông. Nhưng thật sự rất hiển nhiên là: Thân thì bất tịnh, Tâm thì vô thường, Pháp thì Vô ngã và Thọ thì khổ.
Người Phật tử nghe theo lời Phật dạy phải luôn luôn quán sát ghi nhớ 4 sự thật trên đây để xả bỏ, phá trừ dần thành kiến chấp ngã, chấp pháp, tham, sân, si tiến dần đến giác ngộ, viên mãn.
CÂU HỎI ÔN TẬP
- Thế nào là quán thân bất tịnh?
- Khi đã quán xét thân người là bất tịnh, ta có lợi ích gì?
- Hãy giải thich lời Phật dạy: “Nhơn thân nan đắc, Phật Pháp nan văn”
- Người Phật tử phải hành trì “tứ niệm xứ” như thế nào?
- “Quán thọ thị khổ” sẽ đối trị điều gì?