LƯỢC SỬ PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỜI NGUYỄN, CẬN ĐẠI, HIỆN ĐẠI (Bậc Chánh Thiện)

LƯỢC SỬ PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỜI NGUYỄN, CẬN ĐẠI, HIỆN ĐẠI

    

I. Phật giáo từ Chúa Nguyễn Phúc Chu đến thời cận đại

Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê và lập ra nhà Mạc, tiếp theo là những mâu thuẩn nội bộ đưa đến cuộc chia cắt đất nước thành hai miền là Đàng Trong và Đàng Ngoài. Xứ Đàng Ngoài nằm trong tay vua Lê – chúa Trịnh, xứ Đàng Trong do các chúa Nguyễn cai trị, bắt đầu từ Nguyễn Hoàng và vai trò nổi bậc là Nguyễn Phúc Chu.
1. Chúa Nguyễn Phúc Chu (1675 – 1725)
Nguyễn Phúc Chu là một trong những nhà lãnh đạo Phật tử thời Nguyễn trước Gia Long, có một vai trò hết sức quan trọng không những đối với công cuộc Nam tiến của Dân tộc mà còn đối với sự phát triển của Phật giáo Việt Nam. Trong 34 năm ở ngôi chúa, ông là Phật tử nhiệt thành muốn mang đạo vào đời. Ông là đệ tử của Ngài Thạch Liêm – một danh tăng thuộc phái Thiền Tào Động, Trung Quốc với pháp danh là Hưng Long. Ông thọ Bồ Tát giới sau 4 năm lên ngôi chúa và thường tự ví mình như Duy Ma Cật. Tư tưởng của chúa Nguyễn Phúc Chu mang dấu ấn Trần Nhân Tông. Ông chủ trương lấy tinh thần Phật giáo định hướng cho đời sống dân tộc. Chúa Nguyễn Phúc Chu đã cho xây dựng và trùng tu những ngôi danh lam tại Thuận Hóa như chùa Thúy Vân, Linh Mụ; Tăng tài được trọng dụng.
2. Một số đại biểu của nền học lý Phật giáo ở thời đại Nguyễn Phúc Chu:
– Danh Tăng ở Đàng Trong: Các Hòa thượng Thạch Liêm, Nguyên Thiều, Liễu Quán.
– Danh Tăng ở Đàng  Ngoài: Các Hòa thượng Minh Châu Hương Hải, Chân Nguyên, Toàn Nhật.
a. Dòng Thiền Tào Động:
Tào Động là dòng thiền xuất phát từ Trung Quốc do các ngài Tào Sơn Bản Tịch (840 – 901) và Động Sơn Lương Giới (807-869) sáng lập, được truyền đến nước ta vào thế kỷ XVII có xu hướng sử dụng dịch lý, ảnh hưởng trên cả hai miền Nam Bắc. Nhiều chùa ở Hà Nội như: Trấn Quốc, Hàm Long… đến nay vẫn xem là truyền thừa của dòng thiền này.
Tại xứ Đàng Trong, người đầu tiên mang dòng thiền này đến là quốc sư Hưng Liên tại chùa Tam Thai (Quảng Nam), tuy nhiên người đưa đến sự thịnh hành của dòng thiền này là thiền sư Thạch Liêm (1633 – 1704). Về mặt tư tưởng không mới nhưng Ngài xiển dương thiền – tịnh song tu, vốn là truyền thống của Phật giáo nước ta. Tư tưởng đưa đạo vào đời được Ngài ủng hộ mạnh mẽ, tác phẩm Kim Cương Sớ của Ngài là tập sách gối đầu giường của nhiều thế hệ Phật tử Miền Nam. Dòng thiền Tào Động không có duyên lâu với xứ Đàng Trong.
b. Dòng thiền Lâm Tế:
Nếu như dòng thiền Tào Động thịnh ở Miền Bắc thì dòng thiền Lâm Tế phát triển ở Miền Nam. Từ thế kỷ XVII đã có sự hiện diện của nhiều Tăng sĩ thuộc dòng thiền Lâm Tế như các Ngài Viên Minh và Viên Khoan ở Quảng Trị, Minh Hoằng Tử Dung khai sơn chùa Từ Đàm và Ngài Giác Phong sáng lập chùa Báo Quốc tại Huế, Ngài Pháp Bảo khai sơn chùa Chúc Thánh tại Hội An, Ngài Pháp Hóa khai sơn chùa Thiên Ấn tại Quảng Ngãi.
Ngài Nguyên Thiều sáng lập các chùa Thập Tháp Di Đà ở Bình Định, chùa Quốc Ân và Hà Trung tại Thuận Hóa.
Tại Miền Nam có một hệ truyền thừa ảnh hưởng rất sâu rộng cho đến hôm nay đó là dòng thiền Liễu Quán. Ngài Liễu Quán (1670 – 1742) quê ở Phú Yên. Ngài khai sơn chùa Thuyền Tôn (Huế). Chúa Nguyễn Phúc Khoát rất kính trọng Ngài, số người cầu pháp Ngài rất đông. Ngài thọ 72 tuổi.
c. Cuộc khủng hoảng của xã hội Việt Nam ở thời nhà Nguyễn và phản ứng của Phật giáo:
Từ thế kỷ XVIII, xã hội nước ta rơi vào cuộc khủng hoảng ý thức hệ trầm trọng. Trong bối cảnh đó Phật giáo đã có nhiều nỗ lực xây dựng một hệ ý thức phù hợp với thời đại.
Tuy nhiên, sau khi Tây Sơn sụp đổ, Gia Long lên ngôi (1802) ông chủ trương phục hồi hệ ý thức Nho giáo, đưa đất nước đến chỗ bế tắc, Dân tộc ta lại rơi vào đại họa ngoại xâm. Triều đình bất lực, nhân dân dấy lên khởi nghĩa chống Pháp trong đó có Phật giáo. Điển hình là các cuộc khởi nghĩa cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX của các vị sư Nguyễn Văn Quý, Trần Văn Thành, Võ Trứ, Vương Quốc Chính, Cao Văn Long…
Cũng trong thế kỷ XVIII – XIX, nhiều vị cao Tăng nỗ lực tìm lối đi cho Dân tộc, nổi bậc là ngài Hải Lượng Ngô Thì Nhậm. Dưới thời Pháp thuộc Phật giáo tiếp tục suy đồi.

II. Phật giáo thời cận đại (Đầu thế kỷ XX đến 1945)
1. Động lực thúc đẩy cuộc chấn hưng Phật giáo:
a. Ý thức cứu nước: Trong cảnh nước mất, lớp Nho sĩ bị tan rã nhanh chóng, họ không còn tin tưởng vào ý thức hệ Nho giáo mà nhà Nguyễn đã tôn sùng. Các nhà Nho yêu nước tiến bộ nhận thức rằng muốn cứu nước phải thực hiện 2 chủ trương: Cải cách và duy tân đất nước, đồng thời bảo tồn và duy trì nền văn hóa truyền thống, bản sắc Dân tộc trong đó Phật giáo gắn liền với Dân tộc.
b. Xu thế thời đại: Phật giáo với giáo lý từ bi, trí tuệ, bình đẳng rất phù hợp với tư tưởng, triết học phương Tây. Nhiều nhà trí thức, học giả, triết gia Âu Tây đã tìm thấy tính ưu việt của giáo lý Phật Đà.
c. Phong trào phục hồi Đạo Phật trên thế giới:
– Hội Ma – Ha – Bồ – Đề ra đời năm 1891 ở Ấn Độ.
– Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Trung Hoa được khởi xướng năm 1912 và nhất là hàng loạt hoạt động chấn hưng Phật giáo do Đại sư Thái Hư khởi xướng đã có ảnh hưởng lớn đến giới Tăng già chân chính ở nước ta.
2. Mục đích của cuộc chấn hưng Phật giáo:
a. Chấn chỉnh thiền môn, vãn hồi quy giới.
b. Đào tạo Tăng tài.
c. Hoằng dương Chánh pháp.
d. Duy trì và phát huy nền văn hóa truyền thống dân tộc chuẩn bị cho ngày mai.
3. Hoạt động chính của cuộc chấn hưng Phật giáo
(1930 – 1945)
a. Thành lập các hội Phật học:
* Tại Nam Kỳ:
– Hòa thượng Khánh Hòa, Khánh Anh thành lập hội Nam Kỳ nghiên cứu Phật học năm 1931 tại Sài Gòn.
– Năm 1934, các ngài Khánh Hòa, Hiệu Quang thành lập Hội Lưỡng Xuyên Phật học tại Trà Vinh, Hòa thượng Trí Hiền cùng Sư Thiện Chiếu lập Hội Phật học Kiêm Tế ở Rạch Giá.
 * Tại Trung Kỳ:
Năm 1932, các Hòa thượng Giác Tiên, Phước Huệ cùng một số cư sĩ tân học đứng đầu là Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám thành lập Hội An Nam Phật Học do Hòa thượng Giác Tiên làm Chứng minh đạo sư, cư sĩ Tâm Minh làm Hội trưởng, Hội quán đặt tại chùa Từ Đàm (Huế).
* Tại Bắc Kỳ:
Năm 1934, Thượng tọa Trí Hải, Tố Liên cùng các ông Lê Dư, Nguyễn Năng Quốc, Bùi Kỳ, Trần Trọng Kim, Trần Văn Giáp thành lập Tổng hội Phật giáo Bắc Kỳ, cung thỉnh Hòa thượng Thanh Hanh (trú trì chùa Vĩnh Nghiêm) làm Pháp chủ, ông Nguyễn Năng Quốc làm Hội trưởng.
b. Mở trường Phật học:
– Năm 1933, Phật học đường lưu động Liên Đoàn Phật Học Xã do các Ngài Khánh Hòa, Huệ Quang, Khánh Anh … giảng dạy.
– Năm 1934, Phật học đường Lưỡng Xuyên được thành lập do các Ngài Huệ Quang, Khánh Anh giảng dạy đốc giáo là Hòa thượng Khánh Hòa. Các lớp tiểu học được mở tại Sa Đéc, Phú Nhuận.
– Năm 1943, Ngài Khánh Hòa tổ chức trường Phật học cho Ni tại chùa Vĩnh Bửu (Bến Tre).
* Ở Huế:
–  Từ năm 1929, trước khi Hội An Nam Phật Học ra đời, Hòa thượng Giác Tiên đã mở trường Sơn Môn Phật Học (xem như Đại học) ở chùa Trúc Lâm do Hòa thượng Phước Huệ (chùa Thập Tháp – Bình Định) chủ giảng.
– Năm 1932, trường Ni đầu tiên khai giảng tại chùa Từ Đàm do Ni sư Diệu Hương làm Đốc giáo, sau đó dời về chùa Ni Diệu Đức.
– Năm 1933, trường Sơn Môn Phật Học mở chi nhánh Tiểu học tại chùa Vạn Phước (sau dời về Báo Quốc) do Hòa thượng Trí Độ làm Đốc giáo và chi nhánh Trung học tại chùa Tường Vân.
– Năm 1934, trường An Nam Phật Học tổ chức tại chùa Trúc Lâm gồm trung, tiểu học sau dời về Báo Quốc gọi là Phật Học Đường Báo Quốc.
Sơn Môn Phật học và An Nam Phật học đã đào tạo một thế hệ Tăng tài nổi tiếng như các Hòa thượng Đôn Hậu, Trí Thủ, Mật Nguyện, Mật Hiển, Thiện Hòa, Thiện Hoa, Trí Quang, Thiện Minh, Thiện Siêu.
Ngoài ra còn có các trường Phật học Đà Thành (Đà Nẵng) năm 1937; trung đẳng Phật học tại chùa Long Khánh (Bình Định); ở Phan Rang có 1 lớp tiểu học ở chùa Tây Thiên.
Miền Bắc: mở 2 lớp tiểu học cho Tăng Ni sinh ở chùa Cao Phong (Phúc Yên), Côn Sơn (Hải Dương), một lớp trung học tại chùa Quán Sứ, một lớp đại học tại chùa Bằng Sở (Hà Đông).
c. Xuất bản báo chí:
– Các Bán nguyệt san:
+ Tạp chí Từ Bi Âm của Hội Nam Kỳ nghiên cứu Phật học (1932).
+ Tạp chí Duy Tân của Hội Lưỡng Xuyên Phật học, xuất bản ở Trà Vinh (1935).
+ Tạp chí Tiến Hóa của Hội Phật học Kiêm Tế (1938)
 – Các Nguyệt San:
+ Viên Âm: An Nam Phật Học – Huế (1933)
+ Đuốc Tuệ: Hội Phật giáo Bắc Kỳ – Hà Nội (1934)
+ Tiếng Chuông Sớm – Hà Nội (1935)
+ Tam Bảo: Đà Thành Phật Học – Đà Nẵng (1937)
d. Hoạt động xã hội:
Hội Phật Học đưa thanh thiếu niên đến với đạo bằng con đường học hỏi và tìm tòi giáo lý. Bác sĩ Tâm Minh là người sáng lập Đoàn Phật Học Đức Dục – 1940. Sau đó lần lượt Đồng Ấu Phật Tử, Thanh Niên Phật Tử, Hướng Đạo Phật Giáo, Gia Đình Phật Hóa Phổ ra đời và 1951 đổi danh  xưng là Gia Đình Phật Tử.
Hoạt động của các hội Phật giáo gián đoạn khi cuộc chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ và cuộc tổng khởi nghĩa chống thực dân Pháp năm 1945.

III. Công cuộc chấn hưng Phật giáo sau năm 1945 – Thời hiện đại:
– Năm 1948, cuộc kháng chiến chống Pháp tiếp diễn.
– Năm 1949, Hội Việt Nam Phật giáo thành lập tại Miền Bắc, Thượng tọa Tố Liên thành lập Hội Tăng Ni chỉnh lý Bắc Việt sau đổi là Hội Phật giáo Tăng già Bắc Việt, Hòa thượng Mật Ứng làm Pháp chủ. Ngày 26/5/1950, Việt Nam trở thành nước hội viên sáng lập Hội Liên Hữu Phật Giáo Thế Giới (họp tại thủ đô Srilanka), Thượng tọa Tố Liên dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự hội nghị, cờ Phật giáo thế giới được công nhận tại hội nghị này.
– Năm 1951, Giáo hội Tăng già Nam Việt được thành lập tại chùa Ấn Quang.
– Năm 1951, Sơn Môn Tăng già Trung Việt thành lập, Hòa thượng Thích Tịnh Khiết làm Pháp chủ.
– Tháng 5/1951 Hội Phật giáo Việt Nam ra đời, Hội chủ: Hòa thượng Thích Tịnh Khiết.
– Ngày 20/7/1954, hiệp định Genève tạm thời chia đôi đất nước. Phật giáo vẫn được duy trì tại hai miền đất nước.
Sau năm 1975, đất nước hòa bình, Phật giáo vận động thống nhất và tháng 11/1981 Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời.

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.