Ý NGHĨA CHIA NGÀNH, CÁC NGÀNH TRONG GIA ĐÌNH PHẬT TỬ
Ý NGHĨA CHIA NGÀNH,
CÁC NGÀNH TRONG GIA ĐÌNH PHẬT TỬ
iáo dục là một hoạt động xã hội có mục đích, có tổ chức nhằm đào tạo con người có kiến thức có phẩm chất để sống được hạnh phúc và ích lợi cho xã hội – Xã hội càng tiến bộ, giáo dục càng phát triển, khoa học và cải tiến phương pháp …
Là một tổ chức giáo dục thanh thiếu nhi Phật giáo, GĐPT cũng có chủ trương đường lối đúng đắn, áp dụng các phương pháp một cách khoa học, trong đó việc chia ngành đoàn sinh là một chủ trương căn bản quan trọng và phù hợp với khoa học giáo dục tiến bộ.
I. Ý NGHĨA VIỆC CHIA NGÀNH TRONG GIÁO DỤC:
1. Mục đích và sự quan trọng của việc chia ngành:
Sự phân chia ngành trong giáo dục rất quan trọng và cần thiết nhằm vạch ra các chương trình thích nghi, áp dụng các phương pháp phù hợp với tâm lý, sinh lý của các đối tượng giáo dục để việc giáo dục được kết quả tốt.
2. Các lý thuyết về việc chia ngành:
Sự chia ngành trong GĐPT dựa vào 2 lý thuyết về con người.
a. Lý thuyết về sự tiến triển của con người:
Các nhà tâm lý học, sinh lý học khám phá thấy rằng tâm lý, sinh lý con người luôn luôn thay đổi phát triển qua nhiều thời kỳ khác nhau.
Căn cứ vào khám phá ấy của tâm lý học và sinh lý học, các nhà giáo dục đã lập ra khoa tâm lý giáo dục trong đó thường chia thanh thiếu nhi ra 3 ngành, tuỳ theo độ tuổi:
– Ngành Đồng niên : Trẻ từ 6-12 tuổi
– Ngành Thiếu niên : Trẻ từ 13-17 tuổi
– Ngành Thanh niên : Từ 18-35 tuổi
Sự phân chia như vậy là dựa vào các đặc thức tâm lý (Type pychologie) trong các thời kỳ phát triển tâm lý trẻ giống như lịch sử phát triển văn minh của loài người từ cổ sơ đến hiện đại ngày nay.
+ Từ sơ sanh đến 6 tuổi (gọi là thời kỳ quan năng): Tương đương với thời kỳ cổ sơ của loài người. Gọi như vậy vì trong thời kỳ này quan năng của trẻ hết sức quan trọng tinh vi như mắt rất tinh, tai rất thính.
+ Từ 6 tuổi đến 12 tuổi (gọi là thời kỳ ước lệ): Ví như thời kỳ canh tác của con người cổ sơ, bắt đầu từ du cư đến định cư. Trong thời kỳ này đặc điểm tâm lý của trẻ là hay bắt chước (nên gọi là ước lệ) nên trẻ thường thích trồng trọt, xây dựng nhà cửa. Lúc này trẻ phát triển về hoa tay (vẽ, chữ viết) và óc tính toán (hay chơi trò buôn bán, đổi chác). Thời kỳ này tâm hồn trẻ rất kỳ bí, hay tưởng tượng huyền hoặc nên để hình thành tín ngưỡng, thần thoại.
+ Từ 12 đến 18 tuổi (gọi là thời kỳ trực giác): Ví như loài người ở vào thời kỳ Trung cổ, phát triển các nền văn minh của Hy Lạp, La Mã, Ấn Độ, Trung Quốc. Cơ thể thiếu niên giai đoạn này nẩy nở phát triển mạnh, đồng thời tâm hồn trẻ cũng có nhiều biến chuyển, tư tưởng bột phát, tình cảm giao động bồng bột.
+ Từ 18 đến 25 tuổi (gọi là thời kỳ lý tính): Ví như thời kỳ văn minh cận đại của nhân loại. Đây là thời kỳ lý trí của con người được phát triển toàn diện nên gọi là thời kỳ lý tính.
Ngoại trừ những trường hợp đặc biệt gây nên một số dị biệt khác thường còn thường thì trẻ cùng một lứa tuổi trong các thời kỳ đều có những trạng thái, đặc điểm về sinh lý, tâm lý và phản ứng giống nhau.
b. Theo quan điểm về căn cơ chúng sanh của Phật giáo:
Kinh Mahavagga kể lại rằng, sau khi thành đạo dưới cội Bồ đề, đức Phật đã suy nghĩ lưỡng lự và đắn đo giữa hai con đường:
– Truyền giáo hoá độ chúng sanh.
– Hoặc nhập niết bàn.
Vì Ngài thấy giáo lý của Ngài quá cao siêu huyền diệu mà tâm địa chúng sanh thì vô cùng sai biệt, chênh lệch, u tối, làm sao nhận chân lãnh hội được chánh pháp. Nhưng khi đang trầm tư, trước mặt là một hồ sen, Ngài nghiệm thấy rằng muôn ngàn hoa sen đang ở trong trạng thái khác nhau. Cùng mọc lên từ bùn, có bông mới chui lên khỏi bùn, có bông còn chìm trong nước, có bông trồi lên khỏi mặt nước và tất cả đều vươn lên, nở rộ, toả hương thơm ngàn ngạt. Ngài nhận ra rằng chúng sanh tuy tâm tánh muôn vàn sai khác, trình độ chênh lệch không đồng nhưng đều chung một tính cách căn bản là có thể giác ngộ chân lý giống như những bông sen kia đều có thể vươn lên khỏi mặt nước đón nhận ánh sáng mặt trời tỏa ngát sắc hương.
Ngài bèn quyết định vân du khắp nơi tuỳ từng hạng người, từng giới, hoàn cảnh mà phương tiện thuyết pháp dẫn dắt cho mọi người dần dần đến giác ngộ giải thoát.
Tâm lý, trình độ, khả năng nhận thức, hoàn cảnh của con người nói riêng muôn loài nói chung, đạo Phật gọi là căn cơ chúng sanh. Do đó một trong những tính chất đặc thù của giáo lý đạo Phật là khế cơ, nghĩa là phù hợp với căn cơ chúng sanh.
II. ỨNG DỤNG CÁC LÝ THUYẾT VÀO VIỆC CHIA NGÀNH GĐPT:
Một nét đặc trưng vừa hợp lý vừa thể hiện tính khoa học tiến bộ, đúng đắn trong giáo dục GĐPT là GĐPT đã khéo léo phối hợp cả hai lý thuyết về tâm lý, sinh lý trẻ và quan niệm của Phật giáo về căn cơ chúng sanh để chia đoàn sinh ra nhiều ngành khác nhau nhằm áp dung các phương pháp giáo dục, cách thức sinh hoạt phù hợp với từng ngành cho được kết quả tốt nhất.
Trong GĐPT có hai trường hợp chia ngành:
+ Chia ngành theo giới: GĐPT có hai ngành (giới) là ngành Nam và ngành Nữ.
+ Chia ngành theo độ tuổi: Có 3 ngành
– Ngành Đồng: Đoàn sinh từ 6 – 12 tuổi (1). Gồm có Đồng Nam và Đồng Nữ.
– Ngành Thiếu: Đoàn sinh từ 13 – 18 tuổi. Gồm có Thiếu Nam và Thiếu Nữ.
– Ngành Thanh: Đoàn sinh từ 19 tuổi trở lên. Gồm có Nam Phật tử và Nữ Phật tử.
Trên cơ sở phân ngành đó sẽ xây dựng các chương trình tu học, các hình thức sinh hoạt khác nhau cho phù hợp thích ứng với tâm lý, sinh lý của từng ngành.
III. TINH THẦN CÁC NGÀNH TRONG GĐPT:
1. Ngành Đồng (Oanh Vũ):
Tương ứng 2 thời kỳ quan năng và ước lệ. Đặc điểm tâm lý của ngành Đồng là Bắt chước. Chú trọng đến sự rèn luyện về cơ năng và giác quan. Cuộc sống tập thể tươi vui, tình cảm là rất phù hợp để các em huân tập phát triển những đức tính tốt tin yêu hoà thuận vui vẻ.
Do đặc điểm bắt chước của ngành nên Huynh trưởng cần nêu gương tốt (việc làm tốt, đức tính tốt) là hết sức quan trọng.
2. Ngành Thiếu:
Tương ứng đặc điểm tâm sinh lý của thời kỳ trực giác. Do sinh lý và tâm lý trẻ bước vào thời kỳ đột biến, nên tác động của giáo dục là vô cùng quan trọng. Nếu giáo dục đúng đắn sẽ ảnh hưởng tốt đến sự hình thành và phát triển toàn diện nhân cách của trẻ, nhất là về mặt đạo đức tinh thần và lý tưởng.
Đây là thời kỳ các bản hữu chủng tử (các hạt giống có trước) và những chủng tử tích tập qua nhiều đời kiếp trong tâm thức của trẻ đang dần phát sinh hiện hành nên trẻ lúc này thường bộ lộc cá tính, cái TA mạnh mẽ.
Do đó, đối với ngành Thiếu, nên áp dung các hoạt động tích cực lành mạnh để vừa rèn luyện thân thể vừa kích thích các chủng tử vô lậu (hạt giống tốt) phát triển đồng thời huân tập thêm các chủng tử vô lậu mới.
Các hoạt động thể thao, văn nghệ, trò chơi vui mạnh, hội trại, công tác từ thiện xã hội, đời sống tập thể, sinh hoạt tự trị, sống giữa thiên nhiên, tập chịu đựng gian khổ, thử thách trước khó khăn … sẽ tạo những dấu ấn sâu sắc tác động mạnh mẽ nhất định vào tâm thức đoàn sinh hình thành những tình cảm tốt đẹp, niềm đam mê mãnh liệt hướng đến đời sống lý tưởng thanh cao.
3. Ngành Thanh:
Tương ứng thời kỳ lý tính. Đây là thời kỳ sinh lý phát triển gần đầy đủ, về tâm lý đang trên chiều ổn định, không còn sôi nổi như thời thiếu niên và đang đi vào giải nghiệm trực giác để phát triển lý trí để hướng vào nội tâm, sự tĩnh lặng tư duy lý luận, phân tích tưởng tượng. Do đó các pháp môn thiền quán rất phù hợp với tuổi thanh niên. Chính nhờ trạng thái ổn định sinh lý, tâm lý, trong sự trực giác nội tâm, xu hướng thích tư duy, thẩm định mà trí tuệ phát triển.
Các hình thức tu học của ngành Thanh là giảm bớt sự ồn ào sôi nổi, chú trọng về phần phát huy lý trí như: nghiên cứu, suy luận, lý giải, thuyết trình, hội thảo, tập quán niệm …
KẾT LUẬN:
Chia ngành trong GĐPT là một việc làm rất đúng đắn quan trọng mang tính khoa học, xác định giá trị của đường lối giáo dục GĐPT.
Ở trại A Dục người Đoàn trưởng đã học tập về tâm lý trẻ, các phương pháp giáo dục GĐPT… để áp dụng vào việc tổ chức điều khiển đoàn được tốt.
Với nhiệm vụ quan trọng là điều hành, hướng dẫn và hỗ trợ về chuyên môn cho các đoàn, người LĐT, LĐP cần thiết phải am hiểu đường lối chủ trương phương pháp giáo dục, thể thức tổ chức sinh hoạt, tu học phù hợp với tâm sinh lý đoàn sinh mới có thể thực hiện tốt nhiệm vụ điều hành hướng dẫn chuyên môn nói riêng, nhiệm vụ giáo dục đoàn sinh nói chung vậy.