VẠCH CHƯƠNG TRÌNH SINH HOẠT CỦA ĐƠN VỊ GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

VẠCH CHƯƠNG TRÌNH SINH HOẠT CỦA
ĐƠN VỊ GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

Phàm muốn làm công việc gì được kết quả đạt mục đích cần phải có sự chuẩn bị, dự trù, sắp xếp mọi việc mọi thứ trước (như công việc, con người, phương tiện, thời gian, cách thức thực hiện …) rồi theo đó mà triển khai thực hiện. Đó là kế hoạch, là chương trình hay phương hướng hoạt động. Cũng vậy, sinh hoạt tu học là công việc chính yếu có tổ chức quy mô, thường xuyên, liên tục của GĐPT nên tất yếu phải có chương trình vạch sẵn trước cho từng thời gian nhất định.

I. VẠCH CHƯƠNG TRÌNH SINH HOẠT LÀ CÔNG VIỆC CẦN THIẾT HÀNG ĐẦU CỦA GĐPT:
+ Vạch chương trình sinh hoạt: Công việc cần thiết và trước tiên của GĐPT:
Người thợ muốn xây dựng một ngôi nhà, trước hết phải có sơ đồ thiết kế chuẩn bị, tập kết phương tiện, nguyên vật liệu rồi mới tiến hành thi công.
Cũng như vậy chương trình sinh hoạt của GĐPT là cơ sở để BHT thực hiện các hoạt động của toàn đơn vị, để Huynh trưởng các Đoàn căn cứ vào đó mà tổ chức, điều khiển hướng dẫn đoàn sinh tu học.
Nếu không có chương trình sinh hoạt thì BHT chẳng khác chi đoàn lữ hành trên con đường vô định. Tất nhiên hoạt động của đơn vị lúng túng, trở ngại được chăng hay chớ.
+ Chương trình sinh hoạt sẽ thể hiện óc tổ chức khoa học, sự nề nếp và quy cũ của GĐPT. Nhìn vào bản chương trình sinh hoạt, những người có dịp tiếp xúc hay tìm hiểu về GĐPT sẽ có được thiện cảm đánh giá phần nào về khả năng tổ chức, quản trị, điều hành của BHT và tin tưởng vào hoạt động nề nếp của GĐPT.

II. CÁC LOẠI CHƯƠNG TRÌNH SINH HOẠT CỦA GĐPT:
+ Chương trình là toàn bộ những công việc được quy định, dự trù và sắp xếp có thứ tự trước để sẽ đem ra thực hiện theo thời gian nhất định. Như vậy theo nghĩa này thì chương trình bao gồm tất cả mọi sinh hoạt, công tác đồng nghĩa với dự án hoạt động.
 + Chương trình còn có nghĩa là các phần, các bộ môn, các bài học được quy định, sắp xếp có hệ thống theo từng môn học để giảng dạy tại một lớp học, một bậc hay khoá học (ví dụ chương trình Phật pháp bậc Hướng Thiện, chương trình trại HLHT Huyền Trang …)
 Theo nghĩa này, chương trình là toàn bộ những bài học nằm trong chương trình cho mỗi bậc học của từng ngành.
 Như vậy, chương trình sinh hoạt nói chung của GĐPT gồm hai phần:
 1. Chương trình sinh hoạt: Gồm tất cả các hoạt động như trại, lễ lược, du ngoạn, huấn luyện
2. Chương trình tu học: Là chương trình học tập theo từng ngành, bậc học (kể cả chương trình tu học của Huynh trưởng) Có 3 loại chương trình:.
– Chương trình tổng quát (chương trình cả năm)
– Chương trình hàng tháng, chương trình 3 tháng một kỳ
– Chương trình hàng tuần (còn gọi là chương trình chi tiết) tức cho từng tuần một trong tháng.

 III. NGUYÊN TẮC VẠCH CHƯƠNG TRÌNH:
 Chương trình sinh hoạt phải vừa có tính thống nhất đúng chủ trương đường lối, tinh thần GĐPT đồng thời có tính chất linh hoạt sáng tạo để khế cơ và có tính tổng hợp nên khi vạch chương trình sinh hoạt phải dựa theo mấy nguyên tắc cơ bản sau đây:
 – Kết hợp các tồn tại, kinh nghiệm từ chương trình của năm trước đó.
– Kết hợp với nhu cầu, tình hình cụ thể của đơn vị và địa phương.
– Căn cứ chương trình tu học được vạch riêng theo từng ngành từng bậc học.
– Các hoạt động công việc dự trù thực hiện được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên.
– Thực hiện đúng theo nhiệm vụ của mỗi phần hành.
– Chương trình được vạch ra kể từ đầu mỗi năm.
  * Phân công vạch chương trình như sau:
– LĐT vạch chương trình sinh hoạt hàng tháng (quý) và cả năm.
– Đoàn trưởng vạch chương trình sinh hoạt hàng tuần.

 IV. VẠCH CHƯƠNG TRÌNH:
 1. Chương trình sinh hoạt cả năm của BHT:
Việc lập chương trình hoạt động thường niên đơn giản có 2 bước.
a. Bản đề xuất cá nhân và các Đoàn:
Gia trưởng và LĐT thông báo cho tất cả Huynh trưởng: Thư ký, thủ quỹ, các Huynh trưởng đoàn mỗi người kê lập bản đề xuất hoạt động trong năm thuộc phần vụ của mình với các hoạt động ưu tiên có thuyết minh (ngắn gọn) về lý do, mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, thời gian và cách thức thực hiện.
Các dự bản đề xuất được thu nạp về Gia trưởng và LĐT sẽ cùng với thư ký, thủ quỹ hội ý sơ bộ căn cứ vào bản đề xuất ấy, kết hợp dự án của BHD, bản kê các tồn đọng quan trọng của chương trình năm trước để dự thảo một bản chương trình sinh hoạt cả năm.
b. Họp toàn BHT để thống nhất vạch chương trình sinh hoạt:
Bước thứ 2 là tổ chức một cuộc họp toàn BHT do Gia trưởng chủ trì để thảo luận xây dựng chương trình sinh hoạt cả năm của đơn vị. Các Huynh trưởng lần lượt trình bày thuyết minh, về các hoạt động các công việc mà mình đề xuất, tất cả Huynh trưởng đều cần nghiêm túc nhận định, phân tích đánh giá để có ý kiến, quyết định đúng đắn trong tinh thần trách nhiệm. Tất cả vì lợi ích và sự tiến triển của đơn vị để biểu quyết thông qua dự án hoạt động cả năm của BHT.
Chương trình hoạt động cả năm phải bao gồm các hoạt động về tất cả các mặt đại lược như sau:
* Về tổ chức và nhân sự:
– Bổ sung hoặc tăng cường, củng cố BHT
– Kế hoạch phát triển đoàn sinh
* Xây dựng, củng cố hình thức:
– Đồng phục, huy hiệu, phù hiệu
– Cờ các loại…
* Về hành chánh:
– Củng cố văn phòng, hồ sơ sổ sách các loại
– Tham dự các hội nghị, hội thảo …
* Tài chính:
– Dự trù kế hoạch thu, chi, nộp phí
– Củng cố sổ sách, hồ sơ tài chính, tu sửa mua sắm đồ dùng, thiết bị …
* Về tu học:
– Triển khai hay tiếp tục bổ sung về các bậc học đoàn sinh , chỉ tiêu số lượng thi vượt bậc, dự các trại Anoma Ni Liên, Tuyết Sơn.
– Tu học Huynh trưởng các bậc, các trại HLHT, các khoá hội thảo.
– Xếp cấp Huynh trưởng
– Nhu cầu tài liệu, quản lý tài liệu kinh sách …
– Ôn tập, khảo hạch
* Tổ chức lễ lược: Dự trù sẽ tổ chức lễ lược như: Chính thức – Phát nguyện – Lên Đoàn – Chu niên …
* Về hoạt động thanh niên: Các hoạt động gì sẽ thực hiện: Trại các loại, sinh hoạt giao lưu, tham quan, du ngoạn
* Về văn nghệ: Báo chí, triển lãm, ca vũ nhạc kịch
* Về xã hội: Các công tác tương trợ nội bộ, công tác xã hội từ thiện
* Hoạt động của Liên Đoàn: Sinh hoạt Liên đoàn, bồi dưỡng Huynh trưởng, hội họp, hội thảo.
* Các Đoàn: Kế hoạch riêng của các Đoàn phù hợp với tình hình chung về các mặt hoạt động, nhất là về mặt tổ chức, hình thức và tu học, huấn luyện.
* Các hoạt động khác: Thi hành dự án kế hoạch chỉ thị của PBHD.
– Tham gia các Phật sự cúng dường Tam bảo, phục vụ giáo hội tại địa phương và cấp trên.
– Tham dự các lễ truyền thống hàng năm: Giỗ tổ, cúng dường Vu lan, Tự tứ, cài hoa Vu lan, hiệp kỵ Huynh trưởng đoàn sinh quá cố, chúc tết …
2. Chương trình tu học:
Đây là chương trình chính yếu của GĐPT tức là chương trình học tập của Đoàn sinh và Huynh trưởng về các bộ môn Phật pháp, HĐTN, văn nghệ, hoạt động xã hội cho tất cả các bậc học, các ngành (Oanh, Thiếu, Thanh, Huynh trưởng) đã được triển khai cụ thể bằng các đề tài học tập do PBHD/GĐPT/TW ban hành phổ biến. 
3. Hình thành các loại chương trình sinh hoạt:
a. Chương trình sinh hoạt tổng quát (cả năm):
 LĐT căn cứ bản dự án hoạt động mà BHT đã thông qua và bản chương trình tu học huấn luyện do PBHD/GĐPT/TW phổ biến và nhu cầu tu học hiện tại của đơn vị (có ngành học nào, mỗi ngành hiện có mấy bậc), ngoài thời gian hoạt động hội họp, trại, lễ lược … để phối trí thành một chương trình bao gồm: Các hoạt động thuộc dự án phân phối theo thời gian dự kiến và chương trình tu học được thể hiện rõ bằng mấy ngành học, mấy bậc học, tổng số giờ học cho toàn đơn vị trong cả năm. Đây chính là chương trình tổng quát hay chương trình sinh hoạt cả năm.
 b. Chương trình hàng tháng:
 Chương trình sinh hoạt hàng tháng còn gọi là chương trình quý vì lập theo 3 tháng một lần.
 Từ chương trình cả năm, LĐT lại phải phân bố các hoạt động theo thứ tự thời gian dự kiến cụ thể hơn và chương trình tu học khai triển bằng đề tài của từng bậc học theo từng tháng một.
 Đây là chương trình sinh hoạt hàng tháng. LĐT sao bản chương trình này gửi cho các Đoàn trưởng liên quan đến ngành học để thực hiện.
 c. Chương trình sinh hoạt hàng tuần:
 Khi nhận được bản chương trình sinh hoạt tháng, Đoàn trưởng phối hợp với các Đoàn phó căn cứ vào đây để phân bố các hoạt động và các đề tài tu học của từng bậc theo từng tuần cụ thể trong tháng. Đây là chương trình sinh hoạt hàng tuần. Trong phần tu học phải thể hiện rõ đề tài cho mỗi tuần, thời gian cần cho đề tài ấy, Huynh trưởng phụ trách hướng dẫn và dụng cụ cần dùng phục vụ cho tiết học ấy.
Thời gian mỗi buổi sinh hoạt cho ngành Thiếu khoảng 2h30’, ngành Oanh độ 1h30’-2h00’.
 Mỗi tuần trung bình chỉ học 2 hoặc 3 môn, chứ không nhất thiết phải đủ 4 môn học, bình quân mỗi tiết học cho ngành Thiếu từ 40-45’, ngành Oanh từ 30-35’ (thời gian còn lại dành cho phần nghi lễ, trò chơi, múa hát …)
Do có nhiều chi tiết hơn, nên chương trình này còn gọi là chương trình chi tiết.
Bản chương trình hàng tuần được sao 3-4 bản do Đoàn trưởng ký lập, chuyển trình LĐT kiểm tra và Gia trưởng khán duyệt xong trả lại cho BHT Đoàn thực hiện niêm yết tại Đoàn quán.
 4. Biểu mẫu chương trình sinh hoạt:
BHT có thể tuỳ nghi tham khảo các biểu mẫu về các loại chương trình sinh hoạt giới thiệu sau đây chỉ riêng phần tu học với một vài điểm sơ lược để thực hiện.

KẾT LUẬN:
Chương trình là con đường, là tấm bản đồ dẫn ta đến đích của hành trình. Chương trình cho ta thấy rõ biết trước những gì ta sẽ làm, sẽ hướng dẫn những gì cho các em, vào lúc nào, bao lâu, và hướng dẫn như thế nào để kết quả tốt. Không có chương trình khác nào ta muốn vào khu rừng mà không biết đi theo đường nào, hướng nào. Trong việc vạch chương trình LĐT đóng vai trò then chốt. Tự mình dự thảo, trực tiếp tham gia thảo luận cùng BHT rồi vạch chương trình cả năm, chương trình tháng, đôn đốc, hướng dẫn kiểm tra các Huynh trưởng đoàn vạch chương trình hàng tuần và rồi chính mình là người sẽ thực hiện các chương trình đó.
Trong kinh Hiền Nhân, Phật có dạy: “Làm việc gì phải lo dự bị trước, như vậy sự nghiệp sẽ mỗi ngày mỗi lớn, không khi nào thất bại”. Cho nên người LĐT phải rất quan tâm xây trước cái nền móng để trên đó GĐPT của mình có thể thể hiện được sức sống của đơn vị. Cái nền móng đó là CHƯƠNG TRÌNH SINH HOẠT của đơn vị GĐPT vậy.
 

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.