Đạo Kỳ và Đạo Ca
Thứ bảy – 18/10/2008 23:02
Năm 1975 tổ quốc Việt Nam thống nhất, vào tháng 11 năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam mới có cơ duyên ra đời, Phật giáo nước nhà mới thực sự thống nhất, đáp ứng nguyện vọng tha thiết của toàn thể Tăng, Ni và Phật tử của cả nước. Từ đó đến kỳ Đại hội Đại biểu GHPGVN toàn quốc lần thứ VI tại Hà Nội ngày 14/12/2007, hơn 26 năm, GHPGVN mới đưa Đạo kỳ GHPGVN vào Điều 3 và Đạo ca là bài Phật giáo Việt Nam của nhạc sĩ Lê Cao Phan vào Điều 4, Chương I của Hiến chương.
Lá cờ Phật giáo có năm màu biểu trưng năm sắc hào quang của Đức Phật đã được chấp thuận trong kỳ Hội nghị Phật giáo thế giới tổ chức tại Colombo, thủ đô nước Sri Lanka từ ngày 25/5 đên 8/6/1950 gồm 26 Phái đoàn trong đó có Thượng tọa Tố Liên, đại diện Phật giáo Việt Nam tham dự. Tuy nhiên theo chỉ đạo của Phật giáo Thế giới ngày 24/2/1951, tất cả 26 nước đã tham dự Hội nghị Phật giáo Thế giới mới đồng loạt làm lễ thượng cờ vào dịp Đại lễ Phật đản. Do vậy, tại Việt Nam, vào lúc 8 giờ sáng ngày 13/5/1951 nhằm ngày Tám tháng Tư năm Tân Mão tại Chùa Quán Sứ – Hà Nội, Thượng tọa Tố Liên, đại diện Ban Chấp hành Phật giáo Thế giới đã long trọng đọc diễn văn thượng cờ Phật giáo.
Như vậy trên nửa thế kỷ, lá cờ Phật giáo đã gắn liền với Phật giáo nước nhà. Tại miền Nam vào năm 1963, toàn thể Phật giáo đồ đã nhất tâm đứng lên chấp nhận biết bao sự đàn áp để bảo vệ lá cờ Phật giáo thiêng liêng trước ý đồ triệt hạ Phật giáo của chính quyền gia đình trị Ngô Đình Diệm.
Vào các ngày từ 6 đến 9/5/1951, Hội nghị Phật giáo ba miền Bắc – Trung – Nam được tổ chức tại chùa Từ Đàm, Huế, Anh Lê Cao Phan, Trưởng ban Hướng dẫn GĐPT Thừa Thiên kiêm Ủy viên Văn nghệ Ban Hướng dẫn GĐPT Trung Phần, được Anh Võ Đình Cường – Trưởng ban Hướng dẫn Trung Phần, giao nhiệm vụ sáng tác một bài hát chào mừng Hội nghị và chính anh đã đích thân cầm nhịp điều khiển cho đoàn sinh đồng ca, tạo cho không khí buổi lễ khai mạc thật trang nghiêm và hào hùng. Kể từ khoảnh khắc trọng đại này, nhạc phẩm Phật Giáo Việt Nam với tiết tấu hùng mạnh, ca từ sôi nổi đã đi vào lịch sử Phật giáo nước nhà trên 60 năm qua.
Cũng trong dịp Hội nghị Phật giáo này, Thượng tọa Tố Liên đã tặng Hội nghị lá cờ chính thức của Phật giáo thế giới mà Thượng tọa tham dự như đã nói trên đồng thời Thượng tọa thông báo theo Nghị quyết của Phật giáo Thế giới kể từ năm 1952, các nước Phật giáo chính thức cử hành đại lễ Phật Đản Vesak vào ngày Rằm tháng Tư.
Tác giả bài viết: Nguyên Hậu