Cư sĩ Chánh Trí – Mai Thọ Truyền: Cuộc đời tận hiến

Ở miền Trung, có Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám là trụ cột của sự
nghiệp chấn hưng Phật giáo, thì ở miền Nam có cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ
Truyền, một khuôn mặt Phật tử lớn đã cống hiến nhiều công lao trong việc chấn hưng
và xây dựng Phật giáo phương Nam.

Cư sĩ Mai Thọ Truyền sinh ngày 01/04/1905 tại làng Long Mỹ, tỉnh Bến
Tre trong một gia đình trung lưu. Thuở nhỏ theo học trường Sơ học Bến Tre, rồi
theo học tại trường Trung học Mỹ Tho, sau đó lên Sài Gòn học trường Chasseloup
Laubat. Vào khoảng thời gian năm 1931, lúc làm việc tại Sa Đéc, Cư sĩ thường
hay đến tham vấn cầu học với Hòa Thượng Hành Trụ rồi nảy sinh lòng kính mộ và cảm
phục đức độ và trí tuệ của vị danh Tăng. Vì vậy, bác Mai Thọ Truyền xin thọ Tam
quy, Ngũ giới, được Hòa Thượng đặt cho Pháp danh là Chánh Trí. Cũng giống
như cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám ở Huế, sau khi thọ giới,
bác Chánh Trí bắt đầu ăn trai trường và đem hết nhiệt thành để phụng sự chánh
pháp. Nhờ tinh thần tinh tấn tu học và không ngừng trau dồi kiến thức, Cư sĩ Chánh
Trí đã tạo cho mình một vốn hiểu biết giáo lý Phật đà sâu rộng và có một vốn kiến
thức cao về triết học Đông – Tây. Là một Phật tử giàu nhiệt huyết, tâm tư của
bác cũng mang nặng mối trăn trở là làm sao xây dựng Phật giáo nước nhà vững mạnh
hơn lên. Phát sinh từ mối ưu tư này, Cư sĩ đã kết hợp một số đạo hữu trí thức
có đạo tâm để hoạch định thành lập Hội Phật học Nam Việt (PHNV).

Với cương vị Hội trưởng, Cư sĩ Chánh Trí rất quan tâm đến việc
kiến tạo cho Hội PHNV một ngôi Tam Bảo khang trang để làm nơi thờ tự và đặt văn
phòng Trung ương của Hội. Đích thân Cư sĩ lo liệu mọi thủ tục như xin phép xây
dựng, xin phép tổ chức lạc quyên tạo nguồn kinh phí. Sau lễ động thổ khai móng
19 tháng, Hội làm lễ lạc thành rất long trọng vào các ngày 14, 15, 16 tháng 03
năm Mậu Tuất (nhằm ngày 02 đến ngày 04/05/1958) và được Hòa Thượng Khánh Anh (Pháp
chủ Giáo hội Tăng già Nam Việt đồng thời là chứng minh Đại đạo sư của Hội PHNV)
đặt tên chùa Phật học Xá Lợi. Bản vẽ thiết kế do hai kiến trúc sư Trần Văn Đường
và Đỗ Bá Vinh thực hiện; hai kỹ sư Dư Ngọc Ánh và Hồ Tố Thuận giám sát xây dựng.
Chùa được xây cất trên khoảnh đất rộng 2.500m2, có kiểu kiến trúc hiện
đại nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc chung của ngôi chùa Việt Nam. Đặc biệt
tháp chuông của chùa Xá Lợi với một tỷ lệ cân xứng và những mái cong thanh nhã đã
trở thành một biểu tượng đẹp tại TP.Hồ Chí Minh.

Ngôi Phạm vũ Xá Lợi sau khi lạc thành đã gắn liền với những sự kiện lịch
sử trọng đại của Phật giáo nước nhà. Các kỳ Đại hội của Tổng hội PGVN lần III
(năm 1959) lần IV (năm 1962) nhất là Đại hội ngày 21/12/1963, đã thành lập Giáo
hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất. Sau khi Đại hội Đại biểu tổ chức tại Thủ đô
Hà Nội vào tháng 11/1981 đã thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Văn phòng II
Hội đồng Trị sự Giáo hội đặt tại chùa Xá Lợi cho đến khi Văn phòng II dời đến
Thiền viện Quảng Đức (294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa) vào năm 1993.

Trong mùa Pháp nạn năm 1963, chùa Xá Lợi là nơi đặt văn phòng của Ủy
ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo. Tại đây, Ủy ban Liên Phái tổ chức các cuộc họp
báo công bố 5 nguyện vọng chính đáng của Phật giáo và tố cáo trước công luận quốc
tế và trong nước ý đồ triệt hạ Phật giáo của chế độ Ngô Đình Diệm. Một hình ảnh
rất cảm động khi rước pháp thể của Bồ tát Thích Quảng Đức về quàn tại chùa Xá Lợi
hai tuần trước khi làm Lễ Trà tỳ tại An dưỡng địa Bình Chánh, Cư sĩ
Chánh Trí Mai Thọ Truyền nằm lăn trên đất dưới Pháp thể của Bồ tát từ cổng
chính tới cửa giảng đường (Ghi theo lời kể của HT Thích Đức Nghiệp trong khóa hội
thảo về Bồ tát Thích Quảng Đức) 

 

 Trong
Đạo, ngoài chức vụ Hội trưởng PHNV từ năm 1955 đến 1973 (năm Cư sĩ Chánh Trí
quá vãng) Cư sĩ còn đảm nhiệm các chức vụ: Tổng Thư ký Tổng hội PGVN (từ năm 1955
đến 1958), Phó Hội chủ Tổng hội PGVN từ năm 1959 đến 1963, và có một thời gian
làm Viện phó Viện Hóa Đạo GHPGVNTN.

Trên trường Phật giáo quốc tế, Cư sĩ đã đảm trách Phó Chủ tịch Hội Liên
hữu Phật giáo Thế Giới trong kỳ Đại hội Phật giáo Thế Giới kỳ VI năm 1962 tổ chức
tại Phnôm Pênh, Campuchia. Ngoài ra, Cư sĩ còn tham dự các hội nghị Văn
hóa Phật giáo tại New Delhi, Ấn Độ năm 1956, hội nghị Văn hóa Phật giáo tại
Tokyo, Nhật Bản năm 1958, hội nghị Phật giáo Thế giới lần VII tại Bénarès,
Ấn Độ năm 1964.

Trong những năm thập kỷ 1960, khi Cư sĩ được chính quyền cũ miền Nam mời
giữ chức Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa, Cư sĩ đã đẩy mạnh hoạt động của Ủy
ban Điển chế Văn tự, thiết lập Chi nhánh bảo tồn Cổ tích Huế, lập Ủy ban dịch
thuật do chính Cư sĩ làm Chủ tịch. Thành tựu nổi bật trong vai trò Quốc vụ
khanh đặc trách Văn hóa, Cư sĩ đã tác động chính quyền thời đó chấp thuận xây cất
Thư viện Quốc gia tại Sài Gòn (nay là Thư viện Khoa học Tổng hợp TP. Hồ Chí
Minh, ở đường Lý Tự Trọng). Thư viện này do Kiến trúc sư Phật tử Nguyễn Hữu Thiện
chủ trì thiết kế, khởi công năm 1965 hoàn tất năm 1970, là một công trình kiến
trúc hiện đại được xây dựng trên khoảnh đất rộng mà tại đây vào thời thực dân
Pháp đã dùng để xây cất nhà khám lớn.

Để truyền bá giáo lý Phật đà và chuyển tải thông tin hoạt động Phật sự
của Hội PHNV, Cư sĩ đã chủ trương tạp chí Từ Quang do bác làm chủ nhiệm; số báo
đầu tiên phát hành vào năm 1951, đến ngày Cư sĩ mất, đã ra được 242 số, đến cuối
năm 1974 thì tạp chí Từ Quang đình bản. Tờ Từ Quang hoạt động 23 năm là một tờ
báo Phật giáo có nhiều độc giả và có tuổi thọ lâu nhất. Trong tạp chí, Cư sĩ có
dành riêng cho GĐPT để đăng các hoạt động gọi là “Trang Gia đình”.

Trên lĩnh vực
trước tác biên soạn, Cư sĩ đã xuất bản các tác phẩm: Tâm và tánh; Lược sử Phật giáo Việt Nam; Ý nghĩa Niết Bàn; Một đời sống vị tha; Tâm
kinh Việt giải; Pháp Hoa Huyền nghĩa; Địa Tạng Mật nghĩa.
Ngoài ra, ngoài
ra còn một số tác phẩm chưa xuất bản như: Truyền tâm Pháp yếu; Tây Du Ký; Hư Vân lão Hòa thượng; Kinh Vô lượng
thọ; Kinh quán Vô lượng thọ; Mười lăm ngày ở Nhật; Vòng quanh Thế giới;
Phật giáo; Đạo đời; Khảo cứu về Tịnh Độ tông; Mật Tông 
 Kinh
Lăng Nghiêm
 đang viết dở.

Ngày 15/04/1973, Cư sĩ Chánh Trí chủ trì Đại hội các tỉnh hội
thuộc PHNV trong không khí đầm ấm đạo vị; hơn một ngày sau lúc 8 giờ 15’ ngày
17/04/1973, nhằm ngày rằm tháng 03 năm Quý Sửu Cư sĩ Chánh Trí thanh thản
ra đi. Có một điểm trùng hợp lạ là 15 năm trước cũng vào ngày rằm tháng Ba năm
Mậu Tuất (1958), Cư sĩ tổ chức khánh thành chùa Phật học Xá Lợi.

Cư sĩ Chánh Trí đã về với cõi Phật nhưng cuộc đời tận tụy phụng sự
Chánh pháp và những cống hiến  của Cư sĩ thật
đáng trân trọng và tồn tại mãi với Phật giáo nước nhà.

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.