Tham luận của PBHD GĐPT Trung ương tại Hội thảo Hướng dẫn Phật tử 2009
GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM
VỚI VẤN ĐỀ HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
Kính bạch ………………………………………….
Kính thưa …………………………………………..
I. Dẫn nhập
Gia đình Phật tử Việt Nam (GĐPTVN) là tên gọi một đoàn thể đặc thù của Phật giáo Việt Nam, được khai sinh từ bối cảnh xã hội đầy phức tạp của dân tộc vào những thập niên 40 của thế kỷ trước, do tâm nguyện của cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám (Hội trưởng đầu tiên của An Nam Phật học hội) được sự chỉ giáo của chư tôn đức thời bấy giờ muốn cho Phật giáo Việt Nam được phát triển lâu dài và tồn tại trong mọi thành phần xã hội, mọi lứa tuổi.
Sự tồn tại của tổ chức Thanh Thiếu Niên Phật giáo (GĐPT) trong những bối cảnh nghiệt ngã đã nói lên cái giá trị đích thực của nó và đến hôm nay khi đất nước chúng ta trên đường hội nhập, vấn đề đặt ra cho GĐPT là làm thế nào để tồn tại, phát triển và ứng dụng trong thời đại này, thời đại của thế giới phẳng, thế giới của các công nghệ không dây nhưng liên kết con người làm cho thế giới trở nên nhỏ bé, và làm cho sự tiếp cận các nền văn hóa khác nhau trở nên dễ dàng.
Nhìn lại trong quá trình phát triển, Phật giáo nói chung và GĐPT nói riêng, cũng đã từng hội nhập nhiều lần trong dòng chảy của lịch sử dân tộc, đó là thời kỳ 1.000 năm giặc phương Bắc xâm chiếm nước ta, đó là gần 100 năm bị áp đặt nền đô hộ thực dân dưới chiêu bài khai hóa, đó là 30 năm miền Nam sống dưới những chế độ bù nhìn do một số nước phương Tây dựng lên. Ở mỗi thời điểm đều có những vấn nạn riêng đặt ra cho các giá trị văn hóa, tinh thần, tâm linh của dân tộc phải có những điều chỉnh và những phương cách ứng xử giúp tồn tại, bảo lưu được chính mình và tiếp thu cái hay, cái đẹp từ các nền văn hóa khác. Như thế suốt quãng đường của lịch sử đất nước trước 1975; dân tộc nói chung, Phật giáo nói riêng đã phải hội nhập và tồn tại trong một xã hội bị hội nhập bằng cách này hay cách khác và Gia đình Phật tử chính là một trong những phương thức mà Phật giáo Việt Nam đã xây dựng nên để bảo tồn những giá trị của Phật giáo và dân tộc trước âm mưu nô dịch văn hóa, nô dịch tư tưởng, nô dịch ý thức hệ của các chính quyền phi dân tộc. Trong quá trình phát triển, GĐPT đã dần dần xây dựng được cho mình một cơ chế riêng để tự ổn định, hòa nhập và giữ mình là một tổ chức vì tương lai của Phật giáo Việt Nam, điều đó có nghĩa là trên 60 năm tồn tại của GĐPT cũng là trên 60 năm liên tục vận động để hội nhập, để đưa những giá trị nhất định của Phật giáo vào xã hội.
Hãy tìm hiểu vấn đề này để biết cách thức GĐPT vận hành trên 60 năm mà không đánh mất những giá trị cố hữu ban đầu trước khi xem xét liệu GĐPT cần thêm những gì nữa để có thể làm tốt hơn trong bối cảnh đặc thù hiện tại.
II. Những đặc thù của GĐPT trong quá trình phát triển
A/ Trước 1975:
Ở đây, chúng tôi nêu lên cái mốc thời gian 1975 vì đây là một cột mốc lịch sử vô cùng quan trọng:
Trước năm 1975, GĐPT có những đặc điểm gì? Đây là những điều đã được xác lập thông qua phạm vi hoạt động và quyền hạn của thành phần Huynh trưởng lãnh đạo GĐPT từ trung ương cho đến địa phương.
1. GĐPT là một Vụ trong Tổng vụ Thanh niên, Vụ trưởng GĐPT là vị Trưởng Ban Hướng dẫn Trung ương GĐPTVN, chức vụ này được công cử trong kỳ đại hội huynh trưởng toàn quốc (toàn miền Nam).
Tại các địa phương, cấp Trưởng ban Hướng dẫn GĐPT cũng được công cử trong kỳ đại hội huynh trưởng toàn tỉnh.
2. GĐPT là Vụ duy nhất được giao nhiệm vụ tổ chức, quản lý và điều hành một lúc 3 đối tượng Thanh, Thiếu, Đồng niên; các Vụ khác đều chỉ quản lý một đối tượng riêng và không có tính nhất quán như GĐPT. So sánh với Vụ Học sinh Phật tử, Thanh niên Phật tử thì khi quá lứa tuổi quy định, người đoàn viên không còn tư cách của tổ chức đó nữa, khác với tổ chức GĐPT một đoàn viên có thể từ 7 tuổi đến trên 80 tuổi vẫn là đoàn viên GĐPT.
3. Có giá trị đối nội và đối ngoại bằng việc có con dấu của GĐPT các cấp (Trung ương, Miền, Tỉnh, Huyện, Cơ sở).
Với 3 yếu tố nêu trên, thấy rõ GĐPT là một tổ chức được phép tự chủ trong lòng Giáo hội. Chính nhờ đó mà GĐPT đã sát cánh cùng Giáo hội trong những giờ phút gian nan nhất để bảo vệ đạo pháp, dân tộc và riêng về phần mình cũng đã triển khai một chương trình sinh hoạt tu học thống nhất có khế lý khế cơ phù hợp với đoàn viên của mình, là những đối tượng chịu tác động và chịu ảnh hưởng nhiều nhất của mỗi giai đoạn hội nhập.
B/ Sau 1975:
Sau năm 1975, GĐPT lâm vào một tình huống trớ trêu, có tồn tại mà không có pháp lý, đây là giai đoạn mà GĐPT đã tự khẳng định sức sống và bản lĩnh hội nhập của mình một cách kiên trì; không có pháp lý, chưa được công nhận trong Hiến chương nhưng dưới mỗi mái chùa, Niệm Phật đường GĐPT vẫn âm thầm sinh hoạt, âm thầm tồn tại dưới sự chở che của chư Tăng Ni trú trì, cho nên dù bị gọi dưới nhiều tên khác nhau thì GĐPT vẫn là GĐPT và khi thuận duyên đến năm 1997 thì GĐPT lại tiếp tục phát triển.
Tuy nhiên, cơ chế mới cho GĐPT chưa được thông thoáng như trước, tính tự chủ của GĐPT hầu như đã không còn, sự lệ thuộc của GĐPT từ cấp đơn vị cơ sở cho đến Trung ương đã rất rõ ràng trong những văn bản quy định về đăng ký, quản lý, thành lập … gây nên những nhận định khác nhau trong nội bộ, một số thì cho đây là một bước thoái trào của tổ chức, số khác cho đây là cơ hội để xác lập lại tính pháp lý của GĐPT với quan niệm có ít để dần dần có nhiều còn hơn không có gì.
Xã hội thì ngày càng phát triển, càng ngày càng mở cửa ra với thế giới bên ngoài, tuổi trẻ thanh thiếu niên càng ngày càng tiếp thu được nhiều cái mới lạ, nhiều bản sắc văn hóa khác biệt… mà trong số đó cũng có những cái không phù hợp với văn hóa của dân tộc Việt Nam và như vậy là nhiệm vụ của GĐPT, một tổ chức vì tương lai của Phật giáo càng lúc càng nặng nề hơn.
III. Ý kiến đề xuất
Đứng trước những vấn nạn thời đại, GĐPT sau 12 năm (1997-2009) được sinh hoạt công khai đã thực hiện được một số biện pháp, đó là:
– Hội nghị huynh trưởng để tu chỉnh nội quy cho phù hợp với Hiến chương GHPGVN và luật pháp nhà nước hiện hành (2001 tại Huế).
– Mở trại huấn luyện huynh trưởng cấp cao Vạn Hạnh để đào tạo cán bộ cấp tỉnh thành GĐPT (2001-2005 tại 16 tỉnh thành).
– Hội nghị huynh trưởng để tu sửa chương trình tu học cho phù hợp với tri thức thời đại (2006 tại TP.HCM).
– Tổ chức 2 trại họp bạn: ngành Thiếu tại Đà Nẵng (2007) và ngành Nữ tại Bà Rịa Vũng Tàu (2008) để tạo khí thế hội nhập, phát huy sáng kiến, đổi mới tư duy sinh hoạt học tập.
– Xếp cấp Huynh trưởng để duy trì trật tự bảo vệ đoàn kết nội bộ (2000, 2003, 2006).
Nhưng muốn vận hành tất cả kết quả đó vào thực tiễn GĐPT thì còn cần nhiều yếu tố khác nữa mà chúng tôi xin mạnh dạn đề xuất sau đây:
1. Tăng cường tính tự chủ cho GĐPT trong lòng Giáo hội.
2. Lấy GĐPT làm trung tâm để điều chỉnh công tác quản lý thanh thiếu đồng niên Phật giáo, hay nói cách khác xây dựng GĐPT tại tất cả các cơ sở trực thuộc GHPGVN trong cả nước thay vì thành lập các hình thức khác.
3. Dùng cụm từ Ban Hướng dẫn do Tổng hội Phật giáo Trung phần đặt cho từ năm 1951 và thêm vào chữ “Phân Ban” hiện nay cho dễ nghe hơn: Ban Hướng dẫn Phân Ban Gia đình Phật tử; Ban Hướng dẫn Phân Ban Cư sĩ Phật tử.
Kính bạch chư Tôn đức,
Kính thưa quý vị
Một sự đánh giá đúng tầm cho một tổ chức đã có hơn 60 năm hình thành phát triển, với một quá khứ gắn bó cùng Giáo hội vượt lên đầu sóng ngọn gió trong nhiều giai đoạn nỗi chìm của lịch sử Phật giáo và Dân tộc, cần phải có một vị thế hợp lý để có thể phát huy hơn nữa sức mạnh của nó nói riêng và Phật giáo nói chung trong bối cảnh hội nhập hiện đại, khi mà sức mạnh của công nghệ tin học, thông tin đã san bằng mọi khoảng cách địa lý để kéo các nền văn hóa lại gần nhau, trong đó có cả những nền văn hóa đối nghịch làm suy thoái nền văn hóa Việt Nam và văn hóa Phật giáo.
Trong phạm vi hạn hẹp của một bài tham luận, chúng tôi chỉ xin nêu lên những ý kiến chân thành nhỏ bé của mình với ước mong được lắng nghe, thấu hiểu để có thể đóng góp phần nào trong sứ mệnh của GĐPT đã được Giáo hội tin yêu giao phó.
Trân trọng kính chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.
NAM MÔ THẬP PHƯƠNG THƯỜNG TRÚ TAM BẢO TÁC ĐẠI CHỨNG MINH