GIA ĐÌNH PHẬT TỬ ĐỐI VỚI VẤN ĐỀ ĐẠO ĐỨC XÃ HỘI HIỆN NAY
GIA ĐÌNH PHẬT TỬ ĐỐI VỚI VẤN ĐỀ ĐẠO ĐỨC XÃ HỘI HIỆN NAY
Thượng Tọa Thích Thiện Toàn
Trưởng Ban Hướng dẫn Phật tử
Như chúng ta đã biêt, mục đích của tổ chức Gia đình Phật tử (GĐPT) được nói tại điều II Nội quy GĐPT là nhằm : Đào luyện Thanh – Thiếu – Đồng niên tin Phật thành Phật tử chân chính để góp phần phụng sự Đạo pháp và xây dựng xã hội. Bài viết này xin đề nghị một giải pháp nhằm góp phần xây dựng và bảo tồn đạo đức xã hội Việt nam trong tình trạng được báo động là đang suy thoái trầm trọng. Giải pháp này được đặt ra trên hai cơ sở thực tại là: mục đích và thành quả của nền giáo dục đã đạt được của tổ chức GĐPT và thực trạng đạo đức xã hội trong thời kỳ hội nhập hiện nay.
1. Quá trình hình thành và hoạt động của tổ chức GĐPT :
Tổ chức GÐPT ra đời vào tháng 04 năm 1951 ở Huế, do Hội Phật học An Nam chủ trương trên cơ sở thống nhất hai tổ chức đã có từ trước: “Gia đình Phật hóa phổ” và “Đoàn Phật học đức dục”. Sự tồn tại và phát triển của GÐPT có thể chia làm 4 giai đoạn chính
a) Từ 1947 – 1953 : GÐPT chủ yếu củng cố và phát triển tổ chức ở Huế và các tỉnh miền Trung. Đặc biệt từ 1951 Hội nghị thống nhất Phật giáo họp tại chùa Từ Đàm – Huế thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam, cũng là năm Đại hội GĐPT đầu tiên đổi danh xưng Gia đình Phật hóa Phổ thành GĐPT VIỆT NAM và một bản Nội quy cũng được ra đời. Từ đây hoạt động của GÐPT phát triển lan rộng ra nhiều địa phương kể cả phía Bắc và phía Nam.
b) Từ 1953 – 1963 : Sau Đại hội GĐPT lần thứ II tại Huế 1953, với đầy đủ các đại biểu của 3 miền Trung, Nam, Bắc để thông qua chương trình tu học, thống nhất tổ chức và các hình thức sinh hoạt, đồng phục, huy hiệu, phù hiệu… Nhất là do chính sách gia đình trị họ Ngô kỳ thị, đàn áp Phật giáo đã làm cho tổ chức GÐPT đã trở thành nơi hội tụ của đông đảo thanh thiếu niên Phật tử yêu nước tham gia đấu tranh bảo vệ đạo pháp và dân tộc.
c) Từ 1963 – 1975 : Hoạt động của GÐPT phát triển mạnh và trở thành chủ lực trong phong trào đấu tranh của Phật giáo. Ðặc biệt sau năm 1964 GHPGVNTN ra đời, hệ thống tổ chức GÐPT được kiện toàn chặt chẽ. Ở trung ương, GĐPT trực thuộc Tổng vụ Thanh niên của Viện Hóa Ðạo; ở cơ sở, GÐPT gắn với chùa, khuôn hội do các huynh trưởng tổ chức điều hành.
d) Từ 1975 – đến nay : Sau giải phóng miền Nam, GÐPT một số nơi án binh bất động, một số nơi hoạt động cầm chừng để duy trì tổ chức. Năm 1981 Ðại hội thống nhất Phật giáo toàn quốc tại Hà Nội thành lập GHPGVN, nhất là khi có chính sách đổi mới của của Ðại hội Ðảng lần thứ VI, các hoạt động của GÐPT cũng từng bước phục hồi. Từ đầu năm 1990, tại Thừa Thiên – Huế đã có chùa, tự viện có sinh hoạt GĐPT với hơn 10.000 người tham gia trong đó có 1036 huynh trưởng; ở Quảng Nam – Ðà Nẵng có hơn 4000 người, ở các tỉnh khác có nơi có từ 1000 – 2000 người.
Trước tình hình trên, tại Ðại hội Phật giáo toàn quốc kỳ III (1992), Hiến chương Giáo hội được tu chỉnh đã đưa hoạt động GĐPT trực thuộc Ban Hướng-dẫn nam nữ Phật tử trung ương GHPGVN. Ban tôn giáo chính phủ đã có Thông tư số 01/TT/TGCP ngày 3-5-1995 về việc “Sinh hoạt của GĐPT” của GHPGVN. Về phía Giáo hội, có Thông bạch số 455/TB/HÐTS ngày 21-7-1995, Nghị quyết số 473/NQ/HÐTS ngày 20-8-1995 của Hội đồng Trị sự quy định về chủ trương của Giáo hội đối với việc quản lý sinh hoạt GĐPT. Từ đó đến nay, GĐPT không ngừng được củng cố và phát triển, Phân Ban GĐPT TƯ và các Tỉnh, Thành đã tổ chức thành công các trại huấn luyện Vạn Hạnh, Huyền Trang, A Dục … các lễ thọ cấp Dũng, cấp Tấn … và thực hiện được nhiều Phật sự liên quan đến nghi lễ, từ thiện, văn hóa văn nghệ của Giáo hội.
Trong GÐPT, lực lượng nòng cốt là thanh, thiếu niên với thành phần huynh trưởng lãnh đạo là cư sĩ trí thức Phật giáo có uy tín và vai trò quan trọng đối với tín đồ Phật tử và Giáo hội, cho nên tổ chức GÐPT đã đào tạo ra được không ít những cư sĩ sẵn sàng dấn thân vì đạo vì đời, và cũng đã có nhiều vị cao tăng của Phật giáo Việt nam hiện nay xuất thân từ GĐPT.
2. Thực trạng đạo đức xã hội hiện nay :
Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội bao gồm những chuẩn mực định hướng và điều chỉnh hành vi của con người, có tác dụng và giá trị được xã hội thừa nhận. Đạo đức có chức năng giáo dục, là nền tảng không thể thiếu được của một hệ ý thức. Với chức năng và giá trị ấy, đạo đức không chỉ là cái gốc của mỗi con người, mà cùng với pháp luật, nó còn là nền tảng quan trọng để xây dựng trật tự xã hội.
Bàn về thực trạng đạo đức xã hội trong thời kỳ hội nhập hiện nay, các báo cáo của một số cơ quan ban ngành đã chỉ ra những biểu hiện tha hoá, xuống cấp của đạo đức xã hội trong bối cảnh phát triển kinh tế trị trường và hội nhập; những biểu hiện đó ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển xã hội trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Theo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri của Ủy ban Trung ương MTTQVN đã trình bày trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 12 vào ngày 20-5-2010, cho thấy cử tri bày tỏ sự lo lắng trước tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống, coi thường tính mạng người khác và chính bản thân mình của một bộ phận giới trẻ; tình trạng học sinh vi phạm pháp luật, sử dụng thuốc lắc, ma túy, xem và lưu giữ phim ảnh đồi trụy, hành xử theo kiểu giang hồ, xã hội đen… có xu hướng gia tăng, nhất là ở các thành phố lớn. Cộng vào đó là tình trạng bạo lực gia đình, nạn bạo hành đối với trẻ em, bạo lực học đường cùng với thái độ thờ ơ của nhiều người… đang là nỗi lo của xã hội.
Trong kỳ họp Quốc hội nói trên, khi thảo luận về chủ đề “Đạo đức xã hội xuống cấp và giải pháp khắc phục” vào ngày ngày 8-6-2010, nhiều Đại biểu nhận định đã tới lúc không thể chậm trễ, cần gióng lên tiếng chuông cảnh báo toàn xã hội về tình trạng xuống cấp nghiêm trọng đã trở nên phổ biến về đạo đức con người Việt Nam hôm nay. Điều này không có gì khó thấy. Chỉ cần lướt qua các tiêu đề trên báo chí hàng ngày cũng có thể thấy được, như là “Đạo đức kinh doanh xuống cấp”, “Đạo đức học đường xuống cấp”, “Đạo đức trong ngành y tế xuống cấp”, “Đạo đức xã hội xuống cấp”, v.v.. Tóm lại, đạo đức của toàn xã hội đã được báo động là đang có chiều hướng suy thoái trầm trọng.
Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng xuống cấp của đạo đức xã hội mà các nhà xã hội học đã phân tích đánh giá với nhiều nguyên nhân chủ quan khách quan khác nhau như: Đánh mất truyền thống của đạo đức vốn có, không coi trọng các giá trị văn hóa ứng xử , xã hội bị cuốn theo lối sống hưởng thụ thực dụng, coi trọng giá trị đồng tiền trên mức cần thiết và không có phương pháp giáo dục đạo đức hợp lý, cả trong môi trường gia đình và học đường. Trong đó có một nguyên nhân cốt lõi là không thấy hết vai trò quan trọng của Tôn giáo nói chung, đặc biệt ở Việt nam chúng ta là Phật giáo với tinh thần từ bi, bình đẳng, vô ngã, vị tha; với triết lý nhận quả, nghiệp báo, luân hồi trong việc giáo dục đạo đức con người mà hàng ngàn năm nay nó vẫn bền bỉ, thủy chung đồng hành và tồn tại với dân tộc. Nó là yếu tố vô hình nhưng có tính quyết định để xây dựng một nền tảng đạo đức cho bất kỳ chế độ xã hội nào. Thực tế cho thấy, quan niệm đạo đức của Phật giáo đã truyền dạy những chuẩn mực đạo đức mang tính nhân bản, như hiếu thảo với cha mẹ, trung thực, nhân ái, hướng tới cái thiện, tránh xa điều ác…
3. Vai trò chiến lược của GĐPT với việc bảo tồn đạo đức xã hội:
Qua mục đích thiết thực và thành quả tốt đẹp của tổ chức GĐPT đã đạt được, cũng như qua tình trạng xuống cấp của đạo đức xã hội nêu trên, việc xây dựng và phát triển tổ chức GĐPT có thể xem là giải pháp có tính chiến lược của GHPGVN trong việc góp phần bảo tồn và củng cố truyền thống đạo đức dân tộc đang có hiện tượng suy thoái hiện nay. Hiện nay, trên tinh thần đổi mới nhận thức về tôn giáo, Hiến pháp nước ta đã nhìn nhận tôn giáo là nhu cầu tinh thần của nhân dân, trong tôn giáo có những giá trị tốt đẹp về đạo đức, văn hóa. Đây chính là cơ hội tốt để Phật giáo chúng ta thực hiện một giải pháp hữu hiệu mang tính bền vững lâu dài trong việc xây dựng và phát triển những tiêu chuẩn đạo đức vốn có của GĐPT, như mục đích của nó đã đề ra, để góp phần ngăn chặn và đẩy lùi sự tuột dốc của đạo đức xã hội hiện tại.
Về nhận thức, như chư tôn giáo phẩm lãnh đạo Ban Trị sự các tỉnh, thành hội và chư tôn đức tăng ni trụ trì các tự viện cơ sở đã thấy rõ tổ chức GÐPT là một sinh hoạt phản ánh nhu cầu và nguyện vọng chính đáng trong quá trình tìm cầu tri thức giáo lý cũng như đạo đức Phật giáo trong một bộ phận Phật tử. Hoạt động của GÐPT chủ yếu là giảng dạy giáo lý, thực hành nghi thức tụng niệm và giáo dục đạo đức hướng thiện. Ðây là vấn đề có sức thu hút vượt trội đối với thanh, thiếu niên trong điều kiện giá trị đạo đức bị suy thoái, các tệ nạn tiêu cực tác động ngày càng nhiều lên xã hội. Từ nhận thức ấy, chư tôn đức sẽ hoan hỉ hợp tác cùng với Ban HDPT, trực tiếp là Phân ban GĐPT, tạo thuận duyên cho sự thành lập và phát triển GÐPT để cho thanh, thiếu niên phật tử được sinh hoạt và vui chơi hướng thiện với nội dung đạo đức đầy Phật chất ở các cơ sở tự viện thuộc GHPGVN. Ðây là nguyện vọng chính đáng của thanh, thiếu niên Phật tử khi đến với mục tiêu trong sáng và lợi ích của GĐPT.
Về phía Phân Ban GĐPT cần phải đào tạo, bố trí các huynh trưởng thật sự có tác phong và năng lực để trực tiếp hướng dẫn và quản lý sinh hoạt GÐPT nhằm đảm bảo sinh hoạt tu học giáo lý đạo đức và các vui chơi lành mạnh và tham gia các hoạt động hướng thiện như từ thiện xã hội nhắm tới mục tiêu ích đạo lợi đời cho thanh, thiếu niên phật tử. Khi làm nhiệm vụ cầm còi, các huynh trưởng còn cần phải vận dụng tính khế lý, khế cơ, khế thời, khế xứ khi áp dụng vào Nội qui GĐPT cho hợp tình, hợp cảnh, nhất là đối với các thanh, thiếu niên trong thời đại hội nhập ngày nay vốn có tinh thần phóng khoáng, hồn nhiên, khách quan và khoa học.
Trong Phân Ban Cư sĩ Phật tử hiện nay có Tiểu ban thanh thiếu nhi Phật tử, đây một sáng kiến mới trong việc hướng dẫn Phật tử trẻ đến với đạo Phật trong bước đầu tu học theo tinh thần đạo đức Phật giáo. Nhưng dù sao GĐPT vẫn là một tổ chức có hệ thống giáo dục thanh thiếu nhi Phật giáo có tính bền vững và thiết thực mà lịch sử tồn tại gần 70 năm của tổ chức này đã minh chứng.