Bài học về sự hy sinh

Mấy ngày nay tôi chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động về tình người trong hoạn nạn, nhưng có một chuyện khiến tôi cảm động nhất, làm cho một người lớn như tôi – từng có bằng tiến sĩ công học ở Đại học Đông Bắc (Tohoku Dai) – cũng phải suy nghĩ về bài học làm người.

 

Hôm kia tôi được phái tới một trường tiểu học phụ giúp Hội Tự trị ở đó để phân phát thực phẩm cho người bị nạn. Trong hàng người rồng rắn xếp hàng, tôi chú ý đến một đứa nhỏ chừng 9 tuổi, trên người chỉ có chiếc áo thun và quần đùi. Trời rất lạnh mà nó lại xếp hàng cuối cùng, tôi sợ đến phiên của nó thì chẳng còn thức ăn, nên mới lại hỏi thăm.

 

Cậu bé kể nó đang học ở trường trong giờ thể dục, thì động đất và sóng thần dến. Cha của cậu làm việc gần đó, đã chạy đến trường. Từ ban công lầu 3 của trường, cậu bé nhìn thấy chiếc xe và cha em bị nước cuốn trôi, 100% khả năng là chết rồi. Hỏi mẹ đâu, cậu bé nói nhà em nằm ngay bờ biển, mẹ và em chắc cũng không chạy kịp. Thằng nhỏ quay người lau vội dòng nước mắt khi nghe tôi hỏi đến thân nhân.

 

Nhìn thấy nó lạnh run lập cập, tôi mới cởi cái áo khoác cảnh sát trùm lên người nó. Vô tình bao lương khô khẩu phần ăn tối của tôi bị rơi ra ngoài, tôi nhặt lên đưa cho nó và nói: “Đợi tới phiên con chắc hết thức ăn, khẩu phần của chú đó, chú ăn rồi, con ăn đi cho đỡ đói”. Thằng bé nhận túi lương khô của tôi, khom người cảm ơn. Tôi nghĩ bình thường tưởng nó sẽ ăn ngấu nghiến ngay lúc đó nhưng không phải, nó ôm bao lương khô đi thẳng lên chỗ những người đang phát thực phẩm và để bao lương khô vào thùng thực phẩm đang phân phát rồi lại quay lại xếp hàng. Tôi sửng sốt và ngạc nhiên vô cùng, mới hỏi nó tại sao con không ăn mà lại bỏ vào đó. Nó trả lời: ”Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ”.

 

Tôi nghe xong vội quay mặt đi chỗ khác để khóc. Thật cảm động. Không ngờ một đứa nhỏ mới 9 tuổi, mới học lớp 3 đã có thể dạy một người có ăn có học, từng có bằng tiến sĩ như tôi một bài học làm người trong lúc khốn khó nhất. Một bài học vô cùng cảm động về sự hy sinh.

 

Tôi nghĩ, một dân tộc với những đứa trẻ 9 tuổi đã biết nhẫn nại, chịu gian khổ và chấp nhận hy sinh cho người khác chắc chắn là một dân tộc vĩ đại. Đất nước này giờ đây đang đứng ở trong những giờ phút nguy cấp nhất của sự điêu tàn, nhưng chắc chắn nó sẽ hồi sinh mạnh hơn nhờ những công dân biết hy sinh bản thân ngay từ tuổi niên thiếu.

 

Bây giờ tôi mới thấm thía câu nói của vị thiền sư phụ của tôi ở Tokyo trước khi lâm chung dạy lại cho tôi, đó là “Nhân sinh nhất mộng, bất luận kiến tâm, tâm vô sở cầu thị Phật”. Cái sự hy sinh vì người một cách vô ngã của đứa trẻ 9 tuổi khiến tôi ngộ ra được những điều cả cuộc đời bon chen của mình tôi chưa nhận thấy được. Tôi nhường khẩu phần ăn tối của tôi cho thằng bé để nhận của nó một lời cảm ơn, còn nó cho đi cả buổi ăn tối của nó một cách vô tư không so đo, dù nó đói còn thê thảm hơn tôi nhiều và chắc còn phải đói nhiều trong cả cuộc đời vì không gia đình nữa.

 

Hiện tại tôi đang được tăng phái công tác hỗ trợ cho cảnh sát tỉnh Fukushima, chỗ tôi đang làm cách nhà máy điện hạt nhân Fukushima khoảng 25km. Ký giả của Hoàn Cầu Thời báo Trung quốc Vương Hy Văn hôm qua theo tôi một ngày để lấy tin, khi đi ngang qua một ngôi nhà bị sập mà tiền giấy có lẽ từ ngôi nhà đó trôi ướt nằm tứ tán cả bãi đất, chắc cũng vài chục triệu yen, nhưng không ai đưa tay nhặt. Phóng viên này đã phải thốt lên: “50 năm nữa, kinh tế Trung quốc chắc chắn sẽ đứng đầu thế giới, nhưng 50 năm nữa người Trung quốc cũng chưa thể có trình độ dân trí và ý thức đạo đức công dân cao như người Nhật hiện tại”.

 

 

động đất chôn vùi xe cộ

 

 

 

 

sóng thần cuốn trôi tất cả

 

 

Xếp hàng chờ đến phiên mua lương thực

 

 

xếp hàng chờ đến phiên lên xe

 

 

dù cho giá rét trong tuyết, người Nhật vẫn xếp hàng chờ đợi đến phiên.

 

VỚI TINH THẦN NÀY, NGƯỜI NHẬT SẼ NHANH CHÓNG KHẮC PHỤC HẬU QUẢ CỦA ĐỘNG ĐẤT VÀ SÓNG THẦN.

 

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.