Thư của Đại hội VII GHPGVN gởi tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước

Kính gửi: Quý Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước

Kính thưa chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư, Đại đức Tăng Ni và quý Phật tử ở trong nước cũng như ở nước ngoài,

Nhiệm kỳ VI Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã khép lại với nhiều thành quả to lớn đạt được, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong lòng Tăng Ni, Phật tử toàn quốc và hải ngoại. Ngày 23, 24 tháng 11 năm 2012, Đại hội VII GHPGVN được trọng thể tổ chức tại Cung Văn hóa Hữu nghị, thủ đô Hà Nội, là một sự kiện đặc biệt quan trọng, là ngày đại hoan hỷ của tất cả những đệ tử Phật xuất gia cũng như tại gia, là bước ngoặt mang dấu ấn quan trọng để tất cả chúng ta cùng nhau viết tiếp trang sử vàng của Phật giáo Việt Nam trong thế kỷ XXI và những thế kỷ tiếp theo, thế kỷ của hội nhập, phát triển bền vững.

thu_dai_hoi

Đại biểu tham dự Đại hội đại biểu PG toàn quốc lần thứ VII

 

Để tiếp tục khẳng định Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức Giáo hội duy nhất đại diện cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước, là tổ chức kế thừa một cách trọn vẹn 2.000 năm lịch sử Phật giáo Việt Nam, Đại hội đã tổng kết các mặt công tác Phật sự của Giáo hội trong nhiệm kỳ VI (2007-2012), thảo luận thông qua Chương trình hoạt động Phật sự nhiệm kỳ VII (2012-2017). Đại hội đã suy tôn bổ sung 89 thành viên Hội đồng Chứng minh và Ban Thường trực; tái suy tôn Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ ngôi vị Pháp chủ GHPGVN; theo tiêu chí: “Kế thừa – Ổn định – Phát triển”, Đại hội nhất trí suy cử Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh tiếp tục đảm nhận cương vị Chủ tịch Hội đồng Trị sự, 199 thành viên Hội đồng Trị sự và Ban Thường trực; tấn phong 332 Hòa thượng, 322 Thượng tọa, 223 Ni trưởng, 474 Ni sư.

Trong tinh thần đoàn kết, hòa hợp, phát huy tính dân chủ và trí tuệ tập thể, tiếp tục khẳng định sự phát triển bền vững, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, vị thế và vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở trong nước và trên trường quốc tế, Đại hội đã nhận được nhiều bài tham luận, ý kiến đóng góp của đại biểu cho Chương trình hoạt động Phật sự của Giáo hội nhiệm kỳ VII.

Kính thưa quý liệt vị,

Thông qua Báo cáo tổng kết công tác Phật sự nhiệm kỳ VI của Giáo hội, chúng ta sẽ càng hoan hỷ và tự hào về các mặt công tác của Giáo hội đã được triển khai một cách đồng bộ, có chiều rộng lẫn chiều sâu, một sự phát triển bền vững, có tầm nhìn chiến lược vĩ mô, vi mô và thành tựu mỹ mãn, như: hệ thống tổ chức hành chánh của các cấp Giáo hội được kiện toàn; công tác Tăng sự, giáo dục được quan tâm đặc biệt; hoằng pháp, hướng dẫn Phật tử được đẩy mạnh và phát triển rộng khắp từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu vùng xa; từ thiện xã hội đã phát huy tính tích cực, đạt hiệu quả cao; sự hợp tác, giao lưu trong lĩnh vực quan hệ quốc tế được phát triển; nghiên cứu, phiên dịch, in ấn xuất bản đã góp phần vào việc nghiên cứu, học tập của Tăng Ni, Phật tử cùng nhiều công tác khác được các cấp Giáo hội quan tâm, tổ chức triển khai, thực hiện có kết quả tốt đẹp. Tất cả những thành quả đó đã chứng tỏ sức mạnh tổng lực của cả hệ thống Giáo hội, sự đồng tình, ủng hộ của các hệ phái thành viên, Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước, khẳng định vị trí, vai trò của GHPGVN trong mọi mặt đời sống của nhân dân và bạn bè trên thế giới. Tuy nhiên, theo quy luật khách quan, đã có thành tựu thì có tồn đọng, bước sang nhiệm kỳ VII, Giáo hội sẽ phát huy những thành tựu đạt được và khắc phục những công tác còn tồn đọng.

Đại hội đã thông qua Chương trình hoạt động nhiệm kỳ VII của Giáo hội, gồm 6 điểm:

1. Xây dựng, phát triển Giáo hội bằng nguyên tắc phát huy tinh thần đoàn kết, hòa hợp vì Đạo pháp, Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội.

2. Hoằng dương Chánh pháp, truyền bá đạo đức Phật giáo, góp phần xây dựng xã hội an vui, hạnh phúc, phù hợp với đạo đức, văn hóa, truyền thống dân tộc.

3. Giáo dục, đào tạo đội ngũ Tăng Ni trẻ có đạo hạnh, năng lực, trình độ; vững vàng trong quan điểm, thâm hiểu giáo pháp, có kiến thức chuyên sâu và chuyên môn cao, đáp ứng sự phát triển của Giáo hội trong mọi thời đại.

4. Mở rộng và đẩy mạnh việc nghiên cứu Phật học và học thuật Phật giáo.

5. Đẩy mạnh hoạt động của Ban Kinh tế Tài chánh, khuyến khích phát triển kinh tế tự túc, vận động gây quỹ cho các hoạt động của Trung ương Giáo hội và Tỉnh, Thành hội Phật giáo.

6. Phát huy tinh thần đoàn kết của Phật giáo Việt Nam đối với Phật giáo các nước trên thế giới, góp phần xây dựng hòa bình, ổn định nếp sống hiền thiện ở mọi nơi. Chú trọng mối quan hệ của Giáo hội đối với Tăng Ni, Phật tử người Việt ở nước ngoài.

Công tác Phật sự được trình bày trong chương trình hoạt động 5 năm tới của Giáo hội, chính là cương lĩnh phát triển của các cấp Giáo hội trong xu thế đổi mới, hội nhập thế giới hiện nay của đất nước và Giáo hội. Qua đây, các cấp Giáo hội sẽ nỗ lực làm cho Giáo hội không ngừng phát triển bền vững trong tất cả các lĩnh vực; tích cực góp phần vào mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh, giữ gìn và phát huy văn hóa Phật giáo và của dân tộc.

Kính thưa quý liệt vị,

Lời dạy của Đức Phật về hành động trong đời sống cho tứ chúng đệ tử đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Do đó, những việc gì khi làm đem lại lợi ích cho Đạo pháp, lợi ích cho Dân tộc, chúng ta phải làm và làm hết khả năng của mình và ngược lại thì chúng ta không làm. Đạo Phật là đạo của hòa bình, an lạc, chúng ta hãy bằng những việc làm cụ thể để đem lại hòa bình, an lạc cho Tổ quốc và nhân loại.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam kêu gọi toàn thể quý tôn đức Tăng Ni, Phật tử ở trong nước hay ở nước ngoài, luôn luôn nêu cao truyền thống “Kính Phật – Phụng đạo – Yêu nước”,  hướng về Tổ quốc, hướng đến Đạo pháp để cùng chung lo sự nghiệp đạo thịnh, nước hưng; áp dụng lời Phật dạy trong đời sống thường nhật để xây dựng và phát triển Giáo hội ngày càng trang nghiêm, vững mạnh trong lòng dân tộc. Vì lợi ích của số đông mà tích cực làm việc, tham gia công tác Phật sự của các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ Trung ương đến địa phương.

Giáo hội tin tưởng mỗi Tăng Ni, Phật tử luôn luôn nêu cao trách nhiệm và bổn phận của đệ tử Phật, của công dân Việt Nam để làm cho đất nước và Giáo hội không ngừng phát triển bền vững, bảo tồn, phát huy văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc.

Giáo hội mong mỏi Tăng Ni, Phật tử hãy tận dụng thời gian có được để thực hiện các Phật sự, lý tưởng và hoài bão về một cuộc sống hiền thiện, đạo đức, an lạc ở khắp mọi nơi, trong đó có quốc độ quê hương Việt Nam thân yêu của chúng ta. Giáo hội tin tưởng rằng, chúng ta sẽ cùng với toàn nhân loại xây dựng một thế giới của đạo đức, tình thương, tự do, dân chủ, công bằng và sự thật, một cõi Niết-bàn tại thế gian này.

Ngưỡng cầu Tam bảo hộ trì cho hết thảy chúng sinh, cho đất nước Việt Nam, cho Giáo hội và cho toàn thể quý tôn đức Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước đầy đủ thắng duyên, đầy đủ nghị lực, đầy đủ sự gia trì để hoàn thành trách nhiệm và bổn phận của người đệ tử Phật, của người công dân Việt Nam, của một thành viên Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

TM. Đoàn Chủ tịch Đại hội 

Chủ tịch             

(đã ký)              

Hòa thượng Thích Trí Tịnh
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.