Bà Rịa Vũng Tàu: Đêm hát về Mẹ Cha đầy cảm xúc

Tôi về Tân Thành tham dự đêm Văn nghệ “Hát về Mẹ Cha” của đơn vị GĐPT Bát Nhã khi đèn đường đã sáng. Chỉ đến trước đêm mở màn gần 5 phút sau hơn 1h ngồi với Đại đức Thích Trí Định của Hương Hải Thiền Viên để nhận 5 suất học bổng cho các em học sinh Phật tử nghèo nơi vùng sâu Xuyên Mộc.




Khá lâu rồi, có lẽ kể từ ngày nhận nhiệm vụ Truyền thông của BHD tỉnh tôi mới đến với 1 đơn vị của Tân Thành. Dù rằng với công việc của Uỷ viên Truyền thông từ Trung ương đến tỉnh tôi về Đại Tòng Lâm cách Bát Nhã chưa đầy 3km thường xuyên. Tuy nhiên đến với một đơn vị GĐPT trong tỉnh của huyện Tân Thành thì đây là lần đầu tiên.




Trước đó 2 ngày em Phước Đạt – Bùi Thanh Thảo thừa uỷ nhiệm Bác gia trưởng Thị Mỹ – Tống Viết Nga nhắn tin: Dù bất cứ giá nào anh cố gắng thu xếp về với Bát Nhã để động viên các em, các đoàn sinh Bát Nhã mong gặp anh nhiều. Vậy là tôi lại lên đường sau những Phật sự trong mùa báo hiếu.




Không có những “ca sỹ” chuyên nghiệp; không có sân khấu “hoàng tráng”; không có nơi cho “diễn viên” thay trang phục ngay cạnh sân khấu mà cách đó hơn 50m trong đoàn quán; không có không gian rộng rãi cho 1 đêm văn nghệ mà nơi diễn lấy con đường xe cộ qua lại tấp nập trước cổng chùa để làm “khán phòng”….. Vậy mà đêm văn nghệ đúng chất GĐPT lại thành công khá mỹ mãn.




Đãi lao Đại đức Thích Chơn An – phó viện chủ tu viện Bát Nhã – giáo thọ sư đơn vị thầy Thích Chơn Phi đã có đôi lời khai mạc ngắn gọn: 
Tâm Hiếu là tâm Phật – Hạnh
 hiếu là hạnh Phật với đoàn sinh GĐPT nói chung và đơn vị Bát Nhã nói riêng Chư tôn đức Tăng – Ni luôn mong các con thực hành tốt lời dạy này. Người Phật tử cần nhớ rõ Tứ trọng ân: Ân Cha mẹ – Ân thầy tổ – Ân quốc gia – Ân Tam Bảo…..




Mùa Vu Lan báo hiếu mà tâm điểm là “Lễ cài hoa hồng hiếu hạnh” tượng trưng cho sự khắc ghi đời đời công ơn dưỡng dục sinh thành của Tứ thân phụ mẫu được thiếu nữ Phước Đạo Nguyễn Thị Tình thể hiện qua ca khúc 
“Bông hồng cài áo”
 với ý của thiền sư Nhất Hạnh trên nền nhạc của cố nhạc sỹ Phạm Thế Mỹ đã làm cho không gian nơi này chùng xuống…. Giọng ca vút cao trong không gian thanh thoát của khu “Tòng Lâm”, trên nền nhạc dập dìu như đỡ, như nâng làm nhiều cụ già chậm nước mắt. Bầu trời bắt đầu quang đãng hơn xoá đi nỗi lo của các em cả buổi chiều khi ảnh hưởng của cơn bão số 3 làm vùng trời này mây đen vần vũ.




14 tiết mục chia đều cho các thể loại: Hợp ca – đơn ca – múa – kịch khá đồng đều.




Khán giả khá bất ngờ khi “Sen non” gần tròn 5 tuổi của đơn vị với tác phẩm “Vu Lan nhớ mẹ”. Có thể với tuổi còn quá nhỏ em chưa thể hiện điệu bộ, nhưng nét mặt đã gần như hoà nhập vào bài hát mang âm điệu dân ca Nam bộ rất khó thể hiện với lứa tuổi này. Tham dự nhiều đêm văn nghệ của các đơn vị hình như đây là lần thứ 2 tôi bất ngờ với giọng ca Sen non sau 2 em của GĐPT Phước Sơn với làn điệu cải lương.




Vở kịch “Người Mẹ” chưa đầy 15 phút nhưng chuyển tải được thông điệp khá tốt đến những gia đình “lệ thuộc” nhau và không xa lạ gì trong cuộc sống “Bên tình – bên hiếu”. Thầm cảm phục tác giả khi tạo nút thắt và đẩy cao trào lên được đỉnh điểm nhưng rất tiếc việc mở nút khá gượng gạo dù kết thúc có hậu. Nhưng cảm phục hơn cả là nội dung – lời thoại – diễn xuất đều của những “con  người không chuyên”.




Đêm văn nghệ kết thúc lúc 21h30 trong vòng 2 giờ công diễn. Thời gian khá hợp lý cho một đêm văn nghệ của GĐPT.


Rời Bát Nhã nắm tay tôi thật chặt Huynh trưởng Tâm Đức – Trần Ngọc Nhơn và Thiện Hiền – Nguyễn Văn Sỹ hẹn một ngày gặp lại. Chia tay Bát Nhã tôi tự nhủ: Các thành viên Ban hướng dẫn cần về với các đơn vị nhiều hơn, để thăm, để động viên, để điều chỉnh và tạo thêm sinh khí mới cho các em hằng trông đợi.


 Đại đức Thích Chơn Phi phát biểu khai mạc


2 Huynh trưởng dẫn chương trình


Hợp ca mở màn


 

Lê Ngọc
Phụ tá Uỷ viên TTTT Ban Hướng Dẫn TW
 
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.