ĂN CHAY – NIỆM PHẬT

ĂN CHAY – LẠY PHẬT – NIỆM PHẬT

ĂN CHAY 
I. MỤC ĐÍCH
– Các em hiểu ăn chay là ăn những thức ăn gì và ăn chay thể hiện tinh thần gì?
II. NỘI DUNG BÀI GIẢNG
1. Thế nào là ăn chay?
Ăn chay nghĩa là không ăn các thức ăn chế biến từ thịt của các loài động vật như heo, bò, tôm, cá, gà, vịt… mà chỉ ăn những thức ăn được chế biến từ rau, củ, quả.
2. Ăn chay thể hiện tinh thần gì?
Em luôn tôn trọng sự sống của mọi loài vì mọi loài đều có cảm xúc và đều biết đau khổ, yêu thương, ham sống sợ chết. Không giết hại sinh vật là em đã thể hiện tinh thần từ bi, tôn trọng mọi loài, xứng đáng là người con Phật chân chánh.
Ăn chay thể hiện tinh thần thương yêu muôn loài. Là Oanh vũ, các em từng bước học tập theo hạnh nguyện từ bi của Đức Phật. Như điều luật thứ ba ngành Đồng:” Em thương người và vật”. Các loài vật cũng biết đau khổ, biết thương yêu,ham sống sợ chết cho nên người Phật tử trong đó có các em Oanh vũ phải thương yêu không nên ăn thịt chúng. Nếu ta còn ăn thịt các loài vật thì còn phạm giới sát sinh và không thể hiện lòng yêu thương loài vật.
Chất dinh dưỡng từ các thứ rau củ quả giàu các sinh tố, chất đạm, chất béo không kém gì thịt của các loài động vật. Do vậy ăn chay vừa thể hiện tinh thần từ bi, vừa hấp thụ được các chất dinh dưỡng cần thiết bồi bổ cơ thể và luôn giúp em giữ được tâm ý trong sạch, làm nhiều việc làm tốt.
Là oanh vũ các em nên áp dụng ăn chay trong gia đình ít nhất mỗi tháng 2 ngày: mồng1 và 15 (Tính theo âm lịch) rồi tăng lên 4 ngày: 1, 14, 15, 30. Khi các em đã phát nguyện ăn chay thì các em kiên trì thực hành đúng theo trai kỳ đã định một cách đều đặn.
III. CÂU HỎI CỦNG CỐ
1. Ăn chay là ăn những gì?
2. Ăn chay thể hiện tinh thần gì?
3. Ăn chay có lợi ích gì?
4. Ăn chay mỗi tháng 4 ngày là những ngày nào?
 

 

LẠY PHẬT – NIỆM PHẬT (2 tiết)

 
A. LẠY PHẬT (tiết 1)
I. MỤC ĐÍCH
– Giúp các em hiểu được mục đích và lợi ích việc lạy Phật.
II. NỘI DUNG BÀI GIẢNG
1. Mục đích việc lạy Phật:
Chúng ta lạy Phật để thể hiện lòng thành kính tri ân Đức Phật vì Đức Phật đã khai sáng con đường đạo đưa chúng sanh đến bờ giải thoát an vui
– Quán tưởng tướng tốt, hạnh lành của Đức Phật để phát nguyện làm theo lời Phật dạy, làm các việc lành tránh xa các điều ác
2. Lợi ích việc lạy Phật:
Khi hiểu được mục đích của Lạy Phật, thì các em cảm thấy thật hạnh phúc và sung sướng mỗi khi lạy Phật.
Lễ Phật là giúp các em sám hối lỗi lầm, tăng trưởng lòng thương người và vật, được chư Phật gia hộ trí tuệ sáng suốt, tánh tình hiền hòa, thân tâm an lạc.
Do vậy các em cần siêng năng lạy Phật mỗi ngày hai lần vào sáng sớm khi thức dậy và trước khi đi ngủ.
3. Thực hành lạy Phật:
Trước khi lạy Phật các em phải súc miệng, rửa mặt, tắm rửa sạch sẽ, thắp đèn, đốt 3 cây hương. Đứng trước bàn thờ, chí tâm niệm Nam Mô Bổn Sư Thích ca Mâu Ni Phật hoặc Nam Mô A Di Đà Phật(3 đến 10 lần). Sau mỗi câu niệm, em đảnh lễ một lạy, nếu có chuông thì em đánh một tiếng chuông rồi mới lạy.
Cách lạy Phật: khi lạy Phật Phải đứng trang nghiêm, hai tay chấp lại trước ngực từ từ cúi xuống lòng bàn tay ngữa ra chạm đất, rồi đặt trán mình trên hai tay, lưng thấp xuống một hồi rồi đứng dậy. Lạy Phật phải nhẹ nhàng.
III. CÂU HỎI
1. Em lạy Phật có lợi ích gì?
2. Trước khi lạy Phật em phải làm gì?
 
B. NIỆM PHẬT (tiết 2)
I. MỤC ĐÍCH

Giúp các em hiểu được niệm Phật là gì và lợi ích việc niệm Phật.
II. NỘI DUNG BÀI GIẢNG
1. Niệm Phật là gì?
– Niệm Phật tức là nêu danh hiệu chư Phật, chư vị Bồ Tát.
– Có 2 cách niệm Phật thông thường đó là tụng niệm và mật niệm. Tụng niệm Tức là niệm Phật thành lời; mật niệm là niệm không ra tiếng, chỉ niệm trong trí.
2. Lợi ích của việc niệm Phật:
Khi niệm Phật trí óc ta luôn trong sạch, không nghĩ điều xấu xa, miệng nói những lời hòa ái, thân ta làm các điều lành.
Niệm Phật là huân tập các hạnh lành và làm theo lời Phật dạy. Công năng niệm Phật giúp chúng ta có được thân tâm thanh tịnh. Do đó các em cần siêng năng niệm Phật, khi niệm Phật chúng ta thể hiện lòng thành kính và tập trung tư tưởng.
III. GIẢI NGHĨA TỪ VỰNG
1. Phật: bậc đã giác ngộ hoàn toàn (Phật Thích Ca, Phật A Di Đà…)
2. Bồ Tát: bậc đã đắc quả Phật song còn làm chúng sanh để độ đời (Bồ tát Văn Thù Sư Lợi, Bồ tát Quán Thế Âm)
IV. CÂU HỎI
1. Thế nào là tụng niệm?
2. Thế nào là mật niệm?
3. Niệm Phật mang lại cho ta lợi ích gì?
 
 

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.