CHÂM NGÔN – ĐIỀU LUẬT

CHÂM NGÔN – ĐIỀU LUẬT – KHẨU HIỆU CỦA NGÀNH

(3 tiết)

 
A. CHÂM NGÔN (tiết 1)
 
I. MỤC ĐÍCH:Giúp các em hiểu và thực hành được Châm Ngôn của Đoàn.
II. NỘI DUNG BÀI GIẢNG:
Trong kỳ đại hội GĐPT vào các ngày từ 24 đến 26 tháng Tư năm 1951và Hội nghị Đại biểu Huynh trưởng toàn quốc từ ngày 1 đến ngày 4/8/2011 tại chùa Từ Đàm – Huế, đã nhất trí ghi Châm ngôn ngành Đồng (ngành Oanh) vào Nội quy.
Các em đã được học bài này ở các bậc Mở mắt,Cánh mềm, Chân cứng… Hôm nay chúng ta cùng nhau ôn tập bài này trên tinh thần các em chủ động đặt vấn đề nêu câu hỏi, trả lời, anh chị Trưởng nhận xét, góp ý.
1. Ý nghĩa của Hòa – Tin – Vui:

  • Hòa thuận: là thuận thảo với tất cả mọi người, không tranh giành cãi cọ nhau. Trong gia đình em luôn luôn thuận thảo với anh chị em, đến trường em là một học sinh gương mẫu không đôi co với bạn học; đến với Đoàn em luôn luôn hòa đồng với các bạn trong Đoàn, nghe lời những người bạn lớn, hiểu biết hơn mình, giúp đỡ những em nhỏ mới chập chững vào Đoàn.
  • Tin yêu: là thương mến, tin tưởng nhau và nhất là em phải tinĐức Phật vì Ngài hướng dẫn em trở thành người tốt.

Em phải thương yêu mọi người như thương yêu chính bản thân.Em phải tin vào những người lớn, những anh chị trưởng.

  • Vui vẻ: là không buồn giận, luôn luôn vui vẻ tươi cười với mọi người. Em có tính tình vui vẻ sẽ dễ gần gũi thân thiện với bạn bè, anh chị em. Nũng nịu, giận hờn, hay khóc làm bạn bè xa em.

2.Đặc tính của Hòa – Tin – Vui: là rút gọn của 3 cặp từ Hòa thuận, Tin yêu, Vui vẻ.
III. CÂU HỎI:
– Châm ngôn của Ngành Đồng là gì?
– Em thực hành châm ngôn như thế nào trong cuộc sống?
 

 
B. BA ĐIỀU LUẬT(tiết 2)
 
I. MỤC ĐÍCH:Giúp các em hiểu và thực hành được Điều luật của Đoàn.
II. NỘI DUNG BÀI GIẢNG:
Điều thứ 1: Em tưởng nhớ Phật
Tại sao điều luật này đưa lên hàng đầu và nhắc nhở các em phải tưởng nhớ Phật. Dễ hiểu thôi, vì Phật là đấng cha lành của muôn loài, thương yêu chúng sanh như thương yêu con ruột, là bậc đã tìm ra đạo giải thoát, cứu độ chúng sanh.
Điều thứ 2: Em kính mến cha mẹ và thuận thảo với anh chị em
Cha mẹ là người đã sinh ra các em, chăm sóc nuôi nấng các em với tất cả tình thương.Công ơn thật to lớn.Đúng vậy, trên đời này không có ai thương con cái bằng cha mẹ, vậy các em phải kính mến thương yêu cha mẹ để thể hiện là đứa con hiếu thảo. Đối với anh, chị em trong nhà em phải thể hiện tinh thần thuận thảo vì anh, chị em đều được cha mẹ mình sinh ra, cùng một dòng máu, cùng chung sống trong một mái ấm thì các em phải thuận thảo hòa hợp, nhường nhịn lẫn nhau, không gây gỗ, cãi vã, ganh tỵ làm tổn thương tình anh chị em.
Điều thứ 3: Em thương người và vật
Như phần trên đã nói, Đức Phật là đấng cha lành thương yêu chúng sanh, các em đi sinh hoạt cũng để tu tập thực hành theo hạnh nguyện của Đức Phật, Con người hình thức bên ngoài khác nhau, tiếng nói khác nhau, chủng tộc khác nhau nhưng đều đồng nhất về tình cảm, ai ai cũng mong cầu được hạnh phúc sung sướng. Vì vậy các em phải là những người có tình thương đặc biệt đối với người già yếu, bệnh tật. Các loài vật cũng như con người đều quý mạng sống. biết sung sướng, khổ đau và biết biểu lộ cảm xúc. Một số loài vật không chỉ có ích cho con người nhiều việc mà còn rất trung thành với con người, sẵn sàng hy sinh cứu chủ. Tóm lại, lòng thương người và các loài vật là đức tính cao quý, các em cần phải trau dồi.
III. GIẢI NGHĨA TỪ VỰNG
– Giao thông: Đi lại từ chỗ này qua chỗ kia bằng phương tiện đường sá.
– Cứu độ: Giúp vượt mê lầm đau khổ
– Hạnh nguyện: Lòng ước muốn noi theo các điều tốt lành cao quý
IV. CÂU HỎI
– Điều luật là gì?
– Các em đọc luật đoàn khi nào?
– Em kính mến cha mẹ là điều luật thứ mấy?
– Tại sao em phải thương yêu loài vật?
Lưu ý: Các huynh trưởng cần truy cập trên mạng hay sưu tầm các bài báo về trường hợp các loài thú dữ đã cứu người đưa vào bài giảng để thêm phần sinh động.
 
C. KHẨU HIỆU (tiết 3)
 
I. MỤC ĐÍCH
:Giúp các em hiểu và thực hành được Khẩu hiệu của Đoàn.
II. NỘI DUNG BÀI GIẢNG:
Khẩu hiệu Ngoan là của ngành Đồng, do vậy trong các buổi sinh hoạt cũng như các buổi lễ khác, khi Huynh trưởng điều khiển hô “Oanh Vũ” thì các em đều đáp “Ngoan”.
Ngoan là luôn cầu tiến tu học, luôn rèn luyện bản thân để trở thành một người con hiếu thảo, một học trò siêng năng cần mẫn để trở thành người hữu ích cho xã hội.
Châm ngôn Hòa – Tin – Vui, Ba điều luật và khẩu hiệu Ngoan của ngành Đồng trong GĐPT có mối liên hoàn tương tác lẫn nhau để đi tới mục đích của tổ chức, phù hợp với lứa tuổi các em.

1. Châm ngôn Hòa – Tin – Vui:
Huynh Trưởngyêu cầu mỗi Đàn đặt câu hỏi, các Đàn khác trả lời (ngồi thoải mái nhưng trả lời trật tự, có động viên khen thưởng cho các em trả lời đúng, hay), luân phiên Đàn này hỏi, Đàn khác trả lời… Huynh trưởng sơ kết.
2. Ba điều luật:
Đại diện các Đàn thuyết trình, mời các em đánh giá, Huynh trưởng đúc kết, khen thưởng.
3. Khẩu hiệu – Ngoan:
Huynh trưởng cho thi hô tiếng reo, Đàn nào hô to nhất.
Sau đó tổng kết phát thưởng có sự tham gia của Huynh trưởng các Đoàn hoặc Liên Đoàn Trưởng, Gia Trưởng…
Tập cho các em bài hát: “Em đến chùa” của Dương Thượng Hiền.
 

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.