HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH
- QUAN NIỆM HẠNH PHÚC
- Quan niệm của thế gian
Nhiều ngưòi cho rằng có tiền tài ,danh vọng mới có hạnh phúc, cho nên họ lo làm giàu bằng bất cứ giá nào kể cả những mưu đồ bất chính; chuyện tham nhũng,hối lộ,cướp giật … xãy ra hàng ngày làm đau lòng biết bao nhiêu con người hiền lương.
Bình tâm mà xét thì ngay cả những người làm giàu chính đáng thì đã có hạnh phúc thật sự chưa? Những nhà doanh nghiệp , đầy đủ tiện nghi cũng bôn ba lo lắng suốt ngày về việc kinh doanh, hàng hoá ứ đọng , nợ nần…..
Chúng ta cũng đã thấy nhiều gia đình giàu có nhưng vợ chồng ,con cái bất hoà. Việc “ông ăn chả bà ăn nem”, con cái trác táng thường xuyên xãy ra .. thì hạnh phúcgia đình tìm đâu thấy!
Nhưng trong cuộc sống mà quá thiếu thốn về vật chất, mưa gió không được mái tranh lành để trú thân,không manh áo ấm để mặc,làm việc quần quật suốt ngày cũng không có được một bửa cơm no thì có hạnh phúc không?
Hạnh phúc không thể không nói đến tinh thần nhưng hạnh phúc cũng không thể không đề cập đến vật chất. Nhưng người đời thường ham muốn đủ thứ và ham muốn khôn cùng (désir sans limite). Khi đã thoả mãn nhu cầu nầy lại đòi hỏi như cầu khác cao hơn,
Vậy không thể có hạnh phúc nếu không hạn chế lòng ham muốn.
2 Quan niệm hạnh phúc theo đạo Phật
Đạo Phật luôn mưu cầu hạnh phúc cho nhân loại nhưng cá nhân là một phần tử của tập hợp to lớn ấy. Mỗi con người không thể sống đơn lẻ mà phải nhờ vả vào toàn xã hội. Gia đình là tế bào của xã hôi
Gia đình cũng chính là tổ ấm là nơi đoàn tụ cha,mẹ vợ chồng ,con cái, anh chị em ruột thịt.
Như thế chúng ta cũng thấy được rằng mỗi thành viên trong gia đình đều liên quan đến hạnh phúc gia đình.Mỗi người phải hiểu đúng về hạnh phúc tức là phải nắm được quan niệm hạnh phúc theo đạo Phật
- Thiểu dục, tri túc là hạnh phúc
Theo đạo Phật một gia đình hạnh phúc không hẳn là một gia đình phú quý vinh hoa. Một gia đình mà trong đó mọi thành viên đều thật tình thương yêu nhau,thông cảm nhau,chia xẻ niềm vui ,nổi buồn cho nhau,cuộc sống không quá thiếu thốn thì hạnh phúc sẽ đến.
Một gia đình được an tịnh, cha con vợ chồng chung sống hoà hiếu với nhau biết trợ duyên cho nhau để tiến tu … giải thoát.
Về vật chất ước muốn những điều trong tầm tay, xem vật chất là phương tiện phục vụ cuộc sống, đừng đặt nặng việc hưởng thụ
Giáo lý nhà Phật luôn nhắc nhở chúng ta “ THIỂU DỤC ,TRI TÚC”
(hạn chế sự ham muốn,biết những phương tiện đang có là đầy đủ)
b.Giảm đoạn tham,sân ,si là hạnh phúc.
Hạnh phúc không chỉ nói về phương diện vật chất mà còn đề cập sâu sắc về yếu tố tinh thần. vận dụng tinh thần muốn ít,biết đủ giúp ta hạn chế lòng tham vô đáy và hạnh phúc sẽ có ngay tức khắc. một điều làm cho con người khổ đau nữa là lòng sân hận.Khi nổi cơn giận là mất ăn ,bỏ ngủ,tức tối trong lòng, đứng ngồi không yên. Có người khi tức giận là như kẻ điên cuồng,đập phá chén bát đồ đạc.
Người nào biết khắc chế cơn nóng giận thì an lạc sẽ đến và sẽ tìm ra các giải pháp khả thi.
Con người si mê không nhận ra chân lý, tin mù quáng : sáu hạng người sẽ chui vào Phật đạo, mượn danh Phật đạo để phá hoại chánh pháp (kinh đại thừa kim cang luận***).Tin ở chính mình,tin ở chánh pháp hạnh phúc sẽ hiện diện xua tan bóng đêm mê mờ.
Vì vậy theo đạo Phật dẹp bỏ tam độc THAM-SÂN –SI là hạnh phúc
( biết NHẪN để chế ngự SÂN – SI ),
Nhịn được cái tức một lúc
Tránh được mối lo trăm ngày,
Muốn hoà thuận trên dưới ,
Nhẫn nhịn đứng hàng đầu
Cái gốc trăm nết,
Nết nhẫn nhịn là cao,
Cha con nhẫn nhịn nhau
Vẹn toàn đạo lý.
Vợ chồng nhẫn nhịn nhau,
Con cái khỏi bơ vơ.
Anh em nhẫn nhịn nhau
Trong nhà thường êm ấm.
Bạn bè nhẫn nhịn nhau,
Tình nghĩa chẳng phai mờ.
Tự mình nhẫn nhin được,
Ai,ai cũng mến yêu
Người mà chưa biết nhẫn ,
Chưa phải là người hay
( Lời di huấn của tiền nhân )
- PHẢI TỰ MÌNH TẠO RA HẠNH PHÚC
Hạnh phúc không thể cầu xin mà có. Nếu cầu xin mà có thì ai ai cũng được hạnh phúc rồi. Hạnh phúc cũng không phải trông chờ người khác. Và hạnh phúc bền vững sẽ làm ngơ với những kẻ biếng lười.
Vậy – Hạnh phúc không thể cầu xin mà có
– Hạnh phúc không thể tự nhiên đến với chúng ta
– Hạnh phúc của ta do ta tạo lấy
Muốn hưởng quả phải gieo nhân, trước hết để có hạnh phúc thì ta phải tôn trọng sự an lạc của người khác và muốn có cuộc sống vật chất tươm tấc thì phải siêng năng lao động (chánh mạng), không mơ hồ về số mệnh, tin vào thuyết nhân quả, nghiệp báo.
Trong tập thể gia đình mỗi thành viên phải thực hiện đúng bổn phận của mình đối với nhũng người thân thuộc
Ghi chú: phân biệt giữa nghiệp và số mệnh
*Số mệnh,số phận,định mệnh (của Nho Giáo): không thể thay đổi,phủ nhận hoàn toàn nổ lực cá nhân (quan điểm tiêu cực)
* Nghiệp (karma) của Phật Giáo được khám phá bởi tụê giác của Đức Phật: không chấp nhận số mệnh.Phật Giáo chủ trương thuyết nhân quả,nghiệp báo.Con người hiện hữu và tồn tại với các đặc tinh khác nhau là kết quả của nghiệp được tạo tác bởi chính họ trong quá khứ.Nghiệp có tính duyên sinh,bất định tính và vô ngã nghiệp có thể chuyển hoá được (quan điểm tích cực)
III.NHỮNG YẾU TỐ CĂN BẢN ĐỂ XÂY DỰNG HẠNH PHÚC
1.Các thành viên phải biết bổn phận và nhiệm vụ của mình
* Ông bà thương yêu, giúp đỡ con cháu từ vật chất đến tinh thần (ngôn ngữ chuẩn mực – ái ngữ, nêu gương tốt-chánh mạng)và ngược lại con,cháu yêu thương, phụng sự ông bà
* Vợ chồng phải biết kính trọng lẫn nhau trên tinh thần bình đẳng, lời nói dịu ngọt,nụ cười chân tình là món quà vô giá tặng cho nhau,làm cho tình yêu thêm trang trọng,rực rỡ.Thái độ tương kính như tân phải được xuất phát từ đáy lòng sâu thẳm thì việc chung thuỷ với nhau là điều tất yếu.
2. Ý hoà đồng duyệt
Những chủ trương lớn của gia đình đều được sự đồng thuận của các thành viên thì nhất định việc khó mấy cũng thành, ngược lại chỉ một vài người đồng ý còn đa số không tán thành thì khó thành công.
3. Sức khoẻ và kinh tế gia đình
Mỗi người trong gia đình phải biết tự chăm sóc sức khoẻ và lo cho các thành viên để ít đau ốm ,đề phòng bệnh truyền nhiểm,phải có kiến thức cần thiết về y tế và thể thao.
Về kinh tế gia đình trong kinh Dighajanu người Koliya( Tăng chi bộ kinh tập III) đã nêu 4 pháp an lạc hiện tại
- Đầy đủ sự tháo vát: thiện xảo trong nghề nghiệp, siêng năng sắp xếp công việc (chánh mạng- chánh nghiệp)
- Đầy đủ sự phòng hộ : bảo vệ tài sản,tuân thủ luật pháp hiện hành, thuế má sòng phẳng. Phải biết giáo dục con cái quý trọng người lao động,dạy con cháu từ nhỏ,tạo điều kiện cho con cháu đến với Đạo , biết làm việc thiện,biết bố thì tài sản cũng chỉ là phương tiện cho cuộc sống, đừng xem tài sản quý hơn thân mạng mình và người thân,
- Làm bạn với người hiền thiện
Vì người hiền thiện không xúi ta làm điều bất thiện mà luôn nhắc ta 10 điều thiện cần làm.
d. Sống thăng bằng điều hoà:
Nói đến kinh tế gia đình điều hoà tức là mức thu chi của gia đình phải được phải được cân bằng (thu>chi).Không thể sống bằng sự thu nhập bấp bênh,bửa có,bửa không.Không vì những dịch vụ thu tiền nhiều mà bỏ nghề chính của mình.Thà nhận một việc làm lương ít mà thường xuyên còn hơn chạy lo dịch vụ nầy ,nọ mà thu nhập không ổn định . Phải có kế hoạch dự thu ,dự chi hằng tháng, phải ưu tiên chi việc gì ,nếu chi tuỳ tiện sẽ vỡ kế hoạch.Cần lưu ý tiết kiệm không có nghĩa là bỏn xẻn vì như vậy sẽ nô lệ đồng tiền.
4 Tâm hồn thư thái an tịnh
Hạnh phúc gia đình gắn liền với yếu tố tinh thần. Dù kinh tế gia đình sung túc mà tinh thần không thư thái,tâm ta không an tịnh thì hạnh phúc sẽ biến mất.
Bốn điều sau đây sẽ giúp tâm ta an trú trong cuộc sống:
*TÍN : Tin ở chính mình,tin rằng hạnh phúc là do mình tạo dựng, không có sự tin tưởng ấy con người sẽ hoang mang mất phương hướng sống. Tin ở luật nhân quả, luân hồi nên phải tạo nhân thiện kiếp nầy để có quả lành kiếp nầy hoặc kiếp sau. Nhưng nhân quả không phải cứng nhắc mà phụ thuộc vào “duyên sinh”.Vì vậy có những duyên tác động để chuyển hoá quả xấu. Khi biết ăn năn hối lỗi thì nỗi dằn vặt ,đau đớn sẽ qua đi, niềm vui lại đến.Nếu không có sự tin tưởng nầy thì con người khó gượng dậy khi đã 1 lần lầm lỗi. Giáo lý nhà Phật dạy chúng ta phải có niềm tin vào chính bản thân mình.
*GIỚI: Người Phật tử tại gia có ngũ giới (5 giới) hoặc thập thiện giới (10 giới) hoặc Bồ Tát giới (10 giới trọng và 48 giới khinh)
Giữ giới đã thọ là chúng ta đã tạo hạnh phúc cho mình và thiết thực xây dựng và bảo vệ hạnh phúc gia đình.
*THÍ: Bố thí gồm có tài thí,pháp thí, vô uý thí; tài thí gòm có nội tài và ngoại tài. Chúng ta phải biết chia xẻ vật chất ,tinh thần cho tha nhân.Bố thí không những gieo vui cho người khác mà chính đây cũng là một tác động đến an vui cho bản thân mình. Bố thi còn là phương pháp giúp ta bỏ sân tham.(xem bài tứ nhiếp pháp)
*TUỆ: Khi dục vọng vơi đi, sân hận lắng xuống và vô minh được vén lên thì lúc đó tâm ta mới thực sự an lạc.Nhung chỉ khi nào trí tuệ được phát chiếu khi đó tham,sân.si mới giảm đoạn dần dần. Muốn có trí tuệ không phải chỉ lo trau dồi kiến thức văn hoá vì đó là thế trí mà trí tuệ ta muốn đạt đến là Phật trí là hiểu được chân lý,hiểu được vạn pháp là duyên sinh,vô ngã, là biến dịch vô thường.
Chú ý: Gia đình Việt Nam hiện nay được tổ chức như sau
– Vợ chồng,con cái (phổ biến-2 thế hệ)
– Ông bà,vợ chồng,con cái (3 thế hệ)
– Ông bà cố, ông bà nội, vợ chồng,con cái (4 thế hệ- tứ đai đồng đường hoặc 5 thế hệ -ngũ đại đồng đường).
IV.YẾU TỐ QUYẾT ĐỊNH TRONG VIỆC DUY TRÌ HẠNH PHÚC
Cái nhìn THIỀN QUÁN là yếu tố quyết định trong việc duy trì hạnh phúc gia đình:
+Trong hoa có rác,trong rác có hoa
Những cành hoa thơm đẹp hôm nay được cắm một cách mỹ thuật trong bình hoa nhưng vài hôm sau nó sẽ trở thành rác .Nhưng rác trong thùng kia vài tuần lễ nữa sẽ thành phân bón cho hoa trái tốt tươi : rác đã có mặt trong hoa .
Người trồng hoa quý rác như quý hoa.Thế mà người đời ưa thích hoa mà tránh xa rác.Chúng ta thương quý thật tình người nào thì phải chấp nhận cả hoa đồng thời chấp nhận cả rác(không ai toàn là hoa,không ai toàn là rác), chúng ta phải biến rác thành hoa,quý rác như quý hoa. Nếu không biết biến rác thành hoa thì không bao giờ có hạnh phúc.Không ruồng rẫy,không chạy trốn cái xấu của người khác mà chấp nhận để chuyển hoá. *Là con cháu chúng ta phải biết trân quý những bông hoa trí tuệ từ các gốc cổ thụ,đừng có thành kiến với các bậc phụ huynh mà phải lắng nghe ,phải suy nghiệm và thành tâm sửa lỗi. *Về phía phụ huynh dù con cháu sai trái chúng ta kiên nhẫn giáo dục và chung sống trong sự yêu thương, chân tình,tiếp thu và thực hiện những đề xuất chính đáng.Phải nhìn được ra cả hoa và cả rác trong đứa con (cháu) với cái nhìn thiền quán” rác cũng là hoa”
*Vợ chồng đối với nhau cũng thế,hãy tin tưởng sự biến chuyển tích cực của đối tượng mình yêu thương thì nhất định rác sẽ biến thành hoa,hạnh phúc gia đình sẽ đến một cách bền vững. Bản thân mình nhìn cho được phần rác của mình để chuyển hoá, đừng bao giờ cho rằng mình toàn là hoa.
+Trách móc,hờn giận,lý luận sẽ không đi đến đâu.
Lý luận chỉ đào sâu thêm chia rẽ và sự trách móc cũng không có kết quả tốt đẹp, trái lại chỉ là phương tiện để chôn vùi hạnh phúc.
Phương tiện để xây dựng niềm tin,mang lại hạnh phúc là sự chân tình, lòng vị tha, nụ cười hiểu biết
Chấp nhận thực tế “5 ngón tay có ngón ngắn ngón dài”là bước đầu của an lạc.
Chúng ta đừng bao giờ nói:
– Cha tôi không được như cha anh.
– Vợ tôi không được như vợ anh.
– Chồng tôi không được như chồng chị …..
+ Cái gì cũng cố gốc rễ
Cái giận phải có nguyên nhân , nhưng phải biết tỉnh thức, khi giận ta biết đang giận rồi tìm tra lý do cái giận, suy nghiệm kết quả cái giận(làm ta đau khổ hay an vui)
+ Biết an tịnh tâm (chỉ, quán song tu)
Sau khi biết mình đang giận,chúng ta ngồi lặng theo dõi hơi thở
-Thở vào tâm tỉnh lặng
-Thở ra miệng mỉm cười
– An trú trong hiện tại
– Giây phút đẹp tuyệt vời
Lặp lại như thế cho đến khi tâm mình an tịnh. Và sau đó sẽ có hướng giải quyết tích cực…..
Người Huynh trưởng Gia đình Phật tử được giáo lý nhà Phật soi sáng nên chúng ta phải biết xây dựng hạnh phúc gia đình, chúng ta quan niệm đúng về hạnh phúc, nắm vững các yếu tố căn bản để xây dựng hanh phúc, có cái nhìn thiền quán để duy trì hạnh phúc.
Cái nhìn thiền quán phải được huân tập thường xuyên thì nhất định hạnh phúc sẽ đến với mỗi người,mỗi nhà và cộng đồng xã hội
Kính tặng các anh chị học viên Bậc Định
Tâm Giới PHAN NGỌC THẢO
(thao.phanngoc@gmail.com)
Tài liệu tham khảo :
Hoà thượng Thích Thiện Hoa(thiểu dục tri túc) HT Thích Nhất Hạnh(gốc rễ hạnh phúc và tu tập)
Hoà thượng Thích Thanh Từ(hoà hiếu an vui)HT Thích Giác Viên(tâm pháp an lạc…)
T
(***) Xem bài “phân biệt Phật đạo và ma đạo” trang 80 Đặc san Văn hóa Phật giáo Quảng Ngãi mùa Phật đản PL 2556
* “Hạnh phúc gia đình” bao gồm “hôn nhân và hạnh phúc” anh chị xem bài viết khá đầy đủ đề tài nầy của anh THỊ BÁ trong kỷ yếu trại họp bạn ngành nữ năm 2008.