TÔI MUỐN LÀM ĐOÀN TRƯỞNG Nguyên Trừng

Cha mẹ Toàn vốn sinh trưởng trong một gia đình ở nông thôn và có 9 người con: 5 gái và 4 trai. Ở Vào cái thời phong kiến lại sống ở nông thôn nên các chị gái của Toàn đều không được cắp sách đến trường, chỉ có 4 anh em trai của Toàn mới được đi học.
Gia đình Toàn chỉ cách thành phố Huế chừng năm dặm đường, khoảng cách ấy đối với phương tiện giao thông như ngày nay thì chỉ 15 phút sau là đã có mặt ở thành phố. Nhưng vào cái thời điểm của thập niên 1940 việc đi lại chỉ bằng vào đôi chân nên từng ấy khoảng cách mà ai cũng có cảm tưởng như xa vời vợi, đó là chưa nói đến mùa mưa bão đường sá bùn lầy trơn trợt, gặp chỗ thấp gần bờ sông có khi nước tới ngang ngực. Cuộc sống giữa người dân nông thôn và thành thị cũng cách biệt nhau chẳng khác gì khoảng cách về không gian và thời gian.
Hồi còn nhỏ, cha Toàn được ông bà nội cho học chữ Nho và cả chữ Quốc ngữ, khi lớn lên nhờ có chút chữ nghĩa nên ông được tuyển vào làm việc ở phòng lưu trữ hồ sơ tại Tòa Khâm Sứ. Chỉ một công chức nhỏ nên lương tiền cũng chẳng có bao nhiêu, được một điều là bà con trong làng ai cũng kính trọng. Nếu không có mẹ Toàn cùng với 4 người chị gái buôn bán tảo tần thì việc học hành của 4 anh em Toàn ắt phải đành dở dang.
Ngoài hai buổi đến trường, Toàn còn phải phụ giúp công việc nhà, khác với một số bạn học của Toàn, con nhà khá giả, sau giờ tan học chúng rủ nhau ra những cánh đồng chỉ còn gốc rạ, một tốp thì thả diều, tốp khác thì đá bóng bằng những ổ chim rột rột được bó tròn với những sợi dây chuối sứ được phơi khô. Hồi ấy trẻ con làm gì có được một quả bóng da hay bóng nhựa như ngày nay.
Thấy bạn bè nô đùa vui vẻ, Toàn mơ ước có được một cuộc sống như chúng. Chỉ vào những đêm trăng sáng, cả bọn trẻ chia thành hai phe đánh giặc giả. Vũ khí của chúng là những sợi dây lăng và những thỏi đất khô. Chúng cũng tổ chức bao vây, phục kích, bắt sống kẻ địch làm tù binh mang về tổng hành dinh ở hậu cứ. Cũng có khi chúng thách thức với bọn trẻ làng bên, đó là những trận chiến lớn, căng thẳng, hồi hộp. Vũ khí của những trận đánh như thế này thì hiện đại nguy hiểm hơn. Đó là những thỏi đất sét vo tròn có gắn mẻ chai, đứa nào rủi ro bị ném trúng thì thế nào cũng bị thương tích, có điều là không ai kiện cáo ai dù có bị thương như thế nào. Đây là một trong những hiệp ước hàng đầu khi trò chơi diễn ra. Thường thì có hai điều giao ước: Một là không được mách với bố mẹ, hai là không được thưa với thầy cô giáo. Hồi ấy tại trường làng hầu hết là thầy giáo và thầy nào cũng rất nghiêm khắc nên học sinh rất sợ thầy. Lỗi nhẹ thì bị đánh mấy thước nhôm vào mông hoặc quỳ trên miếng sơ mít; lỗi nặng thì chụm chăm ngón tay lại rồi lãnh 3 hoặc 5 thước nhôm đau đớn vô cùng, thế mà không đứa nào dám khóc lấy một tiếng.
Gia đình Toàn tuy chẳng có giàu có gì nhưng còn khá hơn một số gia đình khác ở trong làng. Đừng nói chi con gái, con trai của họ cũng không được cắp sách đến trường, họ sống thật khốn khổ, chạy từng bữa và tính từng ngày. Con cái của họ thì cơm không được no, áo không đủ ấm. Ở trong làng Toàn, chưa có một gia đình nông dân nào sau vụ gặt còn một giạ lúa trong nhà, tất cả thóc gạo đều không đủ trả nợ cho mấy gia đình phú nông, địa chủ, cứ thế nợ nần ngày cứ chồng chất. Hết vụ mùa, có một vài người phải lên miền ngược để đào sắn, cắt tranh về bán lại cho dân làng đê kiếm cái ăn nhưng lại phải mang phải cái bệnh sốt rét rừng. Thế là đồng tiền làm ra không đủ chạy thuốc men.
Chỉ trong vòng mấy năm mà đã xảy ra nhiều biến cố lịch sử. Năm 1940, đất nước ba miền chia cắt tiến tới thống nhất; năm 1945, cách mạng mùa Thu; năm 1946 quân xâm lăng trở lại gieo thảm họa chiến tranh, Mặt trận Việt minh hoạt động khắp nơi.
Hồi ấy, ở vùng nông thôn đều phải gánh chịu hai áp lực. Ban ngày thì quân đội Quốc gia và quân thực dân lùng ráp, bắt cớ, đốt nhà cửa những ai chúng tình nghi là Việt Nam; ban đêm thì Việt minh hoạt động, thanh toán những tên tay sai cho thực dân hay những tên cường hào, ác bá. Cuộc sống của nông dân vốn đã nghèo ăn, nghèo mặc nay lại càng bất an, khốn đốn hơn. Tầng lớp thanh niên chỉ còn cách chọn lựa hoặc là đi lính cho Quốc gia hoặc là gia nhập vào Việt minh hoạt động cách mạng cứu nước. Gia đình Toàn cũng không thoát khỏi một thực tế xã hội như thế.
Năm 1949, một biến cố lớn đến với anh Toàn, bố Toàn quyết định trong bốn anh em trai chỉ còn một đứa tiếp tục học, đó là Hoàn, em út của Toàn. Anh Tuấn thi đổ bằng thành chung chưa kịp nhận văn bằng thì đã nghe theo tiếng gọi cách mạng, thoát ly gia đình, anh Chương và Toàn phải chọn một nghề nào đó ở thành phố để theo học. Thế là, từ một cậu học sinh với cái tuổi 12 đầy thơ ngây trong sáng với bao ước mơ của tuổi trẻ, nay bắt đầu đi vào đời với những bước đi chập chững chẳng khác nào con chim non chưa đủ lông cánh.
Ở vào thời điểm ấy có được một chỗ học nghề cũng không phải dễ dàng gì. Nhờ bố Toàn có quen biết nên mới gửi Toàn vào một garage học nghề chữa ô tô. Tại đây Toàn gặp Chánh. Chánh lớn hơn Toàn hai tuổi, nhanh nhẹn tháo vác. Hằng ngày Chánh hướng dẫn công việc cho Toàn, chẳng bao lâu họ sớm trở thành đôi bạn thân. Cứ mỗi chiều chủ nhật, Toàn thấy Chánh mặc quần sọt xanh, áo sơ mi màu lam đến chùa, hỏi ra Toàn mới biết Chánh đang sinh hoạt trong một gia đình Phật Hóa Phổ.
Vốn là một cậu bé nông thôn, mới lên thành phố vừa tròn một năm, chưa hoàn toàn thích nghi với cuộc sống mới nhưng từ lâu Toàn khao khát được cùng chúng bạn tham gia vào các trò chơi mà trước đây khi còn sống với bố mẹ Toàn đã không có được.
Chiều thứ bảy hôm ấy, vì phải giải quyết phương tiện kịp cho khách hàng nên cả Chánh lẫn Toàn cùng làm chung một công việc, nhờ vậy hai đứa có dịp gần gũi nhau vừa lao động vừa trò chuyện. Chánh ngỏ ý muốn rủ Toàn cùng tham gia sinh hoạt. Toàn do dự một hồi, hình ảnh những đứa bạn cùng quê đang nô đùa ở trên chánh đồng chiều lại bồng bềnh trong đầu óc Toàn, ngày ấy Toàn chỉ mong sao được như chúng bạn cùng tham dự các cuộc vui nhưng không sao có được. Bây giờ hoàn cảnh và cuộc sống thay đổi, bên cạnh Toàn là Chánh, người bạn thân trong cái thành phố này, ngày nào cũng gặp nhau trong công việc, chỉ có chiều chủ nhật, Chánh đến chùa còn Toàn thì về quê thăm bố mẹ. Mặc dù Toàn chưa biết gì về Gia đình Phật Hóa Phổ nhưng từ lâu Toàn cũng mong có một ngày như Chánh, thế là Toàn vui vẻ gật đầu.

BUỔI SINH HOẠT ĐẦU TIÊN
Tối hôm ấy Toàn vào xin phép ông bà chủ để tham gia vào Gia đình Phật Hóa Phổ. Chẳng những được hai ông bà đồng ý mà còn vui vẻ khuyến khích và hứa sẽ sắm cho một bộ đoàn phục nữa. Toàn không ngờ mong muốn của mình lại được ông bà chủ chấp nhận dễ dàng như vậy. Một lý do dễ hiểu là cả hai ông bà đều là những người Phật tử thuần thành thường đến chùa lễ bái, tụng niệm ở các ngày sóc vọng. Ngoài ra họ còn tích cực tham gia vào các công việc từ thiện xã hội của Phật giáo.
Chiều chủ nhật hôm ấy Toàn theo Chánh đến Gia đình Phật Hóa Phổ Chơn Tri ở đường chợ Cống.
Mọi chuyện đối với Toàn đều bỡ ngỡ, từ hiệu lệnh, từ tiếng còi tập họp cho đến buổi lễ Phật, nhất nhất Toàn làm theo Chánh.
Tiếng tụng kinh đều đều theo nhịp mõ, gần cả 100 người với lứa tuổi khác nhau sao lại hòa điệu nhịp nhàng đến như thế! Chỉ một mình Toàn chưa thuộc một câu kinh nào. Toàn cũng chấp tay trước ngực nhưng Toàn cảm thấy nó cưng cứng làm sao. Toàn nhìn lên hình tượng Đức Phật đang tọa trên tòa sen thật trang nghiêm mà cũng thật từ hòa, đôi môi Ngài như hé nụ cười hoan hỷ tiếp nhận thêm một đứa con có được duyên may đến với Ngài. Dẫu vậy, Toàn không thể nào nhìn lâu hình tượng của đức Phật, hai mắt Toàn lại nhìn xuống sàn nhà, mỗi lần như thế Toàn có cảm giác rằng có cái gì đó ở trong lòng đang chen đan nhau khiến Toàn không được yên. Toàn thầm tiếc:
– Giá như mình gặp Chánh sớm hơn thì hôm nay mình cũng giống như mọi người và chắn là mình sẽ không bối rối, ngỡ ngàng như bây giờ.
Tiếng còi họp chung của anh Liên đoàn trường vừa chấm dứt thì mọi người đều có mặt. Sau lễ Đoàn, anh Liên đoàn trưởng giới thiệu Đoàn sinh mới, tiếng của anh Hoàn chậm rãi nhưng rõ ràng chắc chắn:
“Hôm nay anh giới thiệu với các em một người bạn mới. Đó là em Nguyễn Toàn xin gia nhập đoàn Thiếu niên”. Thế là một tràng pháo tay giòn giã như tiếng pháp nổ. Tiếng vỗ tay càng dài, Toàn càng cảm thấy ngỡ ngàng, e thẹn chen đan với niềm vui khó tả.
 

 
Anh Vân, Đoàn trưởng cho Toàn vào đội Sen xanh của Chánh. Chiều nay Toàn mới biết rõ Chánh là Đội trưởng.
Từ đó, Toàn cũng như Chánh là những đoàn sinh chuyên cần nhất Đoàn. Chỉ trong vòng ba tháng, Toàn đã quen thuộc với những sinh hoạt ở Đoàn và được Ban huynh trưởng cho phát nguyện đeo “Hoa sen”.
Hoa sen trắng là biểu tượng thiêng liêng của GĐPT. Sau khi được gắn trên túi áo chiếc hoa sen thì mới được thừa nhận là một Đoàn viên chính thức. Từ Gia đình Phật Hóa Phổ cho đến nay có biết bao nhiêu đoàn viên đã gắn chặt cuộc sống của họ với chiếc Hoa sen và cũng từ biểu tượng này mọi người nhìn nhau trìu mến, thân thương như anh chị em trong một gia đình. Một gia đình có mọi gia đình.
Thắm thoát hai mùa hè đi qua, Toàn đã trở thành một Đoàn sinh có Sơ thiện và được chọn làm Đội phó. Với trách nhiệm mới này khiến Toàn phải cố gắng nhiều hơn nữa. Cuộc sống mới tuy có khác với hồi còn ở nông thôn nhưng ước mơ của Toàn đã thành hiện thực, được vui chơi giải trí cùng bạn bè, cùng chan hòa trong cùng một thứ tình cảm tôn giáo thiêng liêng, bên cạnh đó Toàn lại được niềm tin của Ban huynh trưởng Đoàn.
Buổi sinh hoạt chiều nay, anh Đoàn trưởng quyết định hình thành đội mới: Đội Sen vàng để đủ 4 đội. Người được chọn Đội trưởng không ai ác hơn là Chánh, còn Toàn được đề cử làm Đội trưởng đội Sen xanh. Từ đây lại một bước phấn đấu nữa đến với Toàn.
Sự sinh hoạt của Đoàn không phải lúc nào cũng như lúc nào. Cứ vào các dịp đại lễ Phật giáo nhất là mùa hè các hoạt động của Đoàn cũng như sức sống như vùng dậy. Nào là cắm trại, du ngoạn, nào là chuẩn bị cho những đêm văn nghệ sân khấu thật nhộn nhịp, hấp dẫn.
Những hoạt động đầy hấp dẫn ấy rồi cũng qua mau theo bước chân của mùa hè đi qua kéo theo một số đoàn sinh xin tạm nghỉ sinh hoạt để lo cho việc học hành, thi cử. Trăng tròn rồi lại khuyết, sinh hoạt của Gia đình cũng khi thịnh khi suy. Có một điều mà Toàn chẳng bao giờ quên được là ở vào những thời điểm Đoàn sinh còn lại tuy có thiếu về sĩ số nhưng tình cảm giữa những người còn lại nhưng khắng khít hơn. Thế là những đoàn sinh còn lại đã trải qua những thử thách đều được sự quan tâm của các anh chị trưởng. Một mặt các anh chị trao truyền những kinh nghiệm, đưa chúng tôi tham dự các trại huấn luyện cần thiết chuẩn bị cho vai trò, vị trí mới. Ngày lại ngày chồng chất thành năm tháng, kinh nghiệm chồng lên kinh nghiệm và Toàn cũng như những người khác trở thành những Huynh trưởng đầy năng nỗ.
 

 
BIẾN CỐ
Bắt đầu từ năm 1950, chiến tranh không chỉ diễn ra ở các vùng nông thôn mà đã áp sát thành phố nhất là ban đêm.
Từ Chợ Cống dọc theo con đường Bà Triệu vào cầu, thứ bảy không có đêm nào là không có tiếng súng nổ và người chết. Những người này đều là những nhân vật có chức có quyền trong guồng máy chính quyền quốc gia ở địa phương. Vì vậy, đêm đêm quân đội viễn chinh Pháp dùng xe bọc thép có trang bị đại liên tuần tra suốt tuyến đường này. Chỉ cần có một tiếng súng nổ của bên kia cũng đủ cho những cây đại liên trên xe bọc thép bắn xối xả mà không cần phải đúng phương hướng miễn là họ không bắn về nước Pháp xa xôi kia, còn ở trên mảnh đất này đâu phải là quê hương của họ, không phải là đồng bào của họ thì họ có thương tiếc làm chi. Kết quả là người dân địa phương phải gánh chịu.
Trước tình hình bất an ấy, Ban Huynh trưởng quyết định qua sinh hoạt ở chùa Ông bên kia bờ sông Hương gần chùa Diệu Đế.
Từ chợ Cống qua chùa Ông cách chừng 4 cây số nhưng lại cách trở một dòng sông. Khi có tiền, chúng tôi rủ từng tốp qua đò ngang từ Đập Đá sang chợ Đông Ba rồi đi bộ qua cầu Gia Hội xuống nơi sinh hoạt.
Dù ngăn sông cách trở như vậy nhưng sinh hoạt của gia đình vẫn thường xuyên ổn định. Sau này mỗi khi nghĩ đế GĐPT, Toàn vẫn chưa giải thích nỗi vì sao Phật giáo Việt Nam đang cộng sinh với dân tộc Việt Nam vốn nghèo nàn lạc hậu lại có một tổ chức giáo dục thanh thiếu niên như Gia đình Phật tử mà hầu hết các quốc gia Phật giáo trên thế giới đều chưa có? Trong khi đó, trên mảnh đất nghèo nàn, chiến tranh triền miên như Việt Nam. GĐPT lại tồn tại hơn 50 năm qua, hết thế hệ này đến thế hệ khác tiếp nối nhau gánh vác trách nhiệm. Thế hệ nào cũng trung thành với tôn chỉ, mục đích. Xã hội đã trải qua nhiều cuộc thay đổi nhưngg mục tiêu tôn chỉ của GĐPT vẫn một. Sự tồn tại lâu dài của GĐPT chắc chắn phải có nhiều yếu tố. Những yếu tố cơ bản là: Mục đích tôn chỉ rõ ràng, trong sáng, bên cạnh tình cảm tôn giáo chân thành giữa những thành viên cùng một lý tưởng phụng sự, cùng một sứ mệnh thiêng liêng. Bản thân Toàn đã cảm nhận được điều đó trong thời gian sinh hoạt ban đầu, những cảm nhận ấy đã ăn sâu vào mỗi tế bào của Toàn. Tình cảm thiêng liêng ấy là những hành trang quý báu trong cuộc hành trình tu học, phục vụ và cả trong cuộc sống riêng tư của Toàn.
 

 
Vào một đêm trăng sáng, Chánh rủ Toàn cùng bách bộ từng bước bên nhau từ con đường Nguyễn Công Trứ qua Đập Đá. Bên này là con sông Bình Lục, bên kia là dòng sông Hương thơ mộng. Ánh trăng vàng phủ xuống dòng sông như một tấm thảm màu vàng trải trên mặt nước. Cả hai cứ thả bộ bên nhau nhưng không ai nói một điều gì. Bỗng Chánh bóp chặt tay Toàn như muốn nói một điều gì Toàn hiểu ý liền hỏi:
– Có việc gì hở Chánh? Câu hỏi nhạy cảm của Toàn khiến Chánh không còn do dự:
– Từ lâu, mình mong ước được trau dồi thêm văn hóa nhưng vì chưa có các lớp bình dân trung học, Chánh ngập ngừng một lát rồi tiếp:
– Nay ở trường Quốc học đã mở các lớp học ban đêm. Cậu có muốn đi học cùng mình hay không?
Thì ra mong ước của Chánh cũng là mong ước của Toàn nên Toàn hăng hái đồng tình ngay.
Thế là từ hôm sau, ban ngày làm việc ở xưởng, ban đêm đôi bạn cắp sách đến trường, chiều chủ nhật đến với Đoàn.
Đêm khai giảng, họ lại gặp một số anh chị trưởng ở các đơn vị khác cũng theo học. Nhà trường khai giảng luôn bốn lớp, từ đệ thất đến đệ tứ. Có anh chị cùng học một lớp với Toàn. Cuộc gặp mặt trong buổi khai giảng, anh chị em cũng tay bắt mặt mừng nhưng mỗi người hình như mang một tâm trang khác nhau và chỉ có tự mỗi người mới thấy rõ. Nhờ vào lòng hiếu học và quyết tâm nên những buổi học tiếp theo, cái tâm trạng khác nhau ấy được xóa tan ngay bởi mọi người tuy khác nhau về tuổi tác nhưng cùng gặp nhau trong một mục đích.
Toàn hồi tưởng lại cái đêm hôm ấy cách đó 5 năm, tiêng nói của cha Toàn ngập ngừng cho biết là Toàn phải nghỉ học, chẳng khác nào như tiếng sét ngang tai. Toàn vừa nghe xong liền khóc òa. Toàn không hề oán giận bố mẹ bởi Toàn thấy rõ hoàn cảnh gia đình và cũng còn biết bao trường hợp như gia đình Toàn.
Hôm nay được cắp sách trở lại trường, tuy không giống như những ngày cắp sách đến trường 5 năm trước những nó đã giúp Toàn thực hiện được mong ước đến khát khao của mình. Những mặc cảm, tự ty với bạn bè cũng theo đó mà tan biến dần. Lớp học ban đêm đã giải quyết được hầu như mọi khía cạnh trong đời sống, bởi Toàn tự thấy an tâm vì từ đây Toàn có cảm nhận cuộc sống của Toàn tuy có vất vả nhưng thoải mái, không còn điều gì phải suy nghĩ. Ban ngày trau dồi nghề nghiệp, ban đêm trau dồi văn hóa, cuối tuần được sống chan hòa trong tình cảm thiêng liêng của những người đồng đạo. Nghĩ đến đó, Toàn bất giác nở một nụ cười sung sướng …
 

 
TÔI QUYẾT ĐỊNH LÀM ĐOÀN TRƯỞNG
Năm nay Toàn tròn 32 tuổi. Như mọi người đều biết anh là một thợ máy ô tô giỏi nhờ vào bản lĩnhcần mẫn, nhanh nhẹn, tháo vác đáng tin cậy nên ông chủ đã trao cho những kinh nghiệm quý báu trong nghề nghiệp. Toàn đã được ra nghề nhưng anh vẫn tiếp tục làm tại xưởng cũ như một thợ máy lành nghề.
Toàn đã có vợ và hai con. Đứa con đầu là thằng Thiện đang học mẫu giáo lớn, đứa thứ hai là con Hương vừa tròn 1 tuổi.
Hạnh, vợ Toàn cũng là một chị trưởng trong Gia đình Phật tử và sinh hoạt ở một đơn vị khác. Họ gặp nhau trong một trại huấn luyện cấp I, từ những tình cảm quen biết hồn nhiên trên đất trại rồi họ mến nhau và sau này tình yêu đã đến với họ. Nay thì cả hai đã là cha, là mẹ của hai đứa trẻ.
Mấy năm trước, sau khi trúng tuyển trại Lộc Uyển, được Ban Huynh trưởng phân công làm huynh trưởng tập sự ngành thiếu. Một năm sau Toàn lại được tham dự trại A Dục với số điểm loại A trong các bài thu hoạch.
Lần này anh cũng được Ban Huynh trưởng phân công làm Đoàn trưởng nhưng Toàn một mực từ chối. Trước thái độ ấy, cả Ban Huynh trưởng đều ngạc nhiên bởi vì từ lâu anh chưa hề chối từ một công việc nào khi được giao phó. Thế là Toàn bị dồn vào cái thế phải nói ra lý do, nhưng làm sao anh có thể trình bày lý do được bởi vì lâu nay sau khi trúng cách trại A Dục là có đủ tiêu chuẩn để làm một Đoàn trưởng, họa hoằng lắm mới có người từ chối. Chỉ riêng Toàn đã mấy năm trôi qua anh vẫn giữ cái chủ ý của mình nhưng anh không thể nói ra một điều gì cả. Để tránh trớ, Toàn đứng dậy nghiêm túc:
– Thưa quý anh chị, cho tôi một thời gian suy nghĩ chín chắn.
– Còn chờ đến lúc nào nữa? Anh Liên đoàn trưởng hỏi.
– Dạ em sẽ trả lời sau. Toàn đáp gọn. Đôi mắt Toàn hướng về hình tượng đức Bổn Sư như gửi gắm niềm tin của anh đến với Ngài.
Là một Đoàn sinh được đào tạo từ ngành Thiếu, với bản chất thông minh, hiếu học, Toàn biết rõ nội dung phương pháp giáo dục của GĐPT giúp cho tuổi trẻ tự xoay sở những gì xảy ra trong cuộc sống cá nhân và chính anh đã thực hiện được những điều ấy, đồng thời anh đã giúp đỡ cho những người chung quanh những hiểu biết của mình.
Đối với Đoàn sinh của anh, dù anh đã cố gắng tìm hiểu về những tâm tư, tình cảm của chúng nhưng những hiểu biết ấy cũng chưa phải là thục tiễn. Bây giờ anh đã có hai con, qua việc nuôi dạy và thường xuyên theo dõi những biến chuyển của chính anh, đã có những kinh nghiệm thực tiễn về giáo dục. Từ lâu anh thường suy nghĩ về những lý thuyết trên đất trại chỉ là những vấn đề khái quát, cơ bản trại chỉ trang bị cho một trại sinh những lý thuyết chưa phải là thực tiễn. Chỉ một thằng Thiện, qua việc giáo dục, uốn nắn của anh đủ cho anh nhận ra rằng nó có những cái riêng của nó. Có những lúc anh áp đặt nó làm theo mong muốn của anh, nó cũng làm cùng với tiếng khóc tức tửi. Từ đó, Toàn hiểu ra rằng, muốn dẫn dắt trẻ không phải là buộc chúng phải đi theo con đường của người lớn mà phải dắt dẫn chúng đi trên con đường mà chính chúng ưa thích, chẳng khác nào khơi nguồn dòng nước. Những lúc anh muốn tập cho thằng Thiện về khả năng phản xạ, anh dùng một quả bóng nhựa liệng đơn giản, nhẹ nhàng mấy lần đầu anh cố ý để cho nó bắt được quả bóng, mỗi lần như vậy anh thấy đôi mắt nó sáng hẳn lên, gương mặt đầy thích thú, cả thân hình nó trở nên linh hoạt. Lần này anh cố ý liệng nhanh hơn, thằng Thiện không thể nào bắt được bóng, gương mặt của nó như sụp xuống, anh liền cố ý để cho nó bắt được bóng một lần, nó lại reo lên thích thú. Tuy khả năng phản xạ hụt hẫng thì nó cũng phải chịu thôi. Điều quan trọng là phải làm như thế nào để cho nó được hứng thú, tự tin và không chán nản cuộc chơi. Những điều đó đã giúp cho anh có những kinh nghiệm giáo dục thực tiễn bởi hơn ai hết, Toàn hiểu rằng nếu chưa biết giáo dục con cái của mình thì làm sao giáo dục con cái của người khác. Đây chính là lý do mà từ lâu anh không thể nói ra được.
 
—-***—-
 
Cuộc họp toàn Ban Huynh trưởng chiều nay, anh Liên đoàn trưởng nhắc lại sự tin tưởng vào khả năng của Toàn, yêu cầu anh nhận chức vụ Đoàn trưởng. Lần này khác với những lần trước, anh vui vẻ nhận lời ngay bởi anh quyết định làm Đoàn trưởng.
Anh hiểu rằng những gì anh đã học được 20 năm về trước không còn thích hợp với đám trẻ hôm nay, tất cả những thứ đó đã qua rồi. Hầu như đứa trẻ nào cũng ham chơi cả, những đứa trẻ không ham chơi tức là đã có vấn đề, hãy bám sát chúng và theo dõi sức khỏe cũng như tâm lý của chúng.
Chơi với trẻ không có nghĩa là người lớn cũng tinh nghịch, ngây ngô như trẻ mà chỉ trong một lúc nào đó thấy cần thiết. Tuổi trẻ dù một ngày đã qua cũng khó mà lặp lại được huống gì anh cách biệt với chúng đến 25 tuổi. Trước hết anh phải là chính anh, nếu cần anh cư xử với chúng như người anh, người bạn, cũng có khi anh trở lại phong thái nghiêm túc nhưng ân cần hòa ái của một người cha. Điều đáng nói là anh phải hiểu rõ điều mà mỗi trẻ đang cần và người lớn phải biết tôn trọng cái mà chúng yêu thích. Nhiệm vụ của anh là hướng dẫn những điều mong muốn ấy trở thành hữu ích cho chúng. Chơi với trẻ cũng có nhiều cách đem lại thành công nhưng không có thành công nào quan trọng bằng sự hiểu biết về bản chất, tâm lý, tình cảm và nắm chắc những ước mong của trẻ. Sự hiểu biết này như là cơ bản nhất trong mọi hiểu biết về trẻ của người lớn bởi nó giúp cho người lớn thành công trong hướng dẫn giáo dục chúng.
Bất cứ Đoàn trưởng nào, nam hay nữ đều có một mục đích chung nhưng bằng cách nào để dắt dẫn trẻ đạt đến mục đích thì chẳng ai giống ai cả.
Điểm A không phải là điểm B, con người và sự việc ở điểm A cũng không phải là con người và sựv iệc xảy ra ở điểm B. Hồi còn sống ở nông thôn anh đã nhận ra rằng giữa làng này và làng kia chỉ cách nhau một con lộ giới hay là một con sông nhỏ cũng đủ khác nhau về giọng nói và phong tục tập quán, trong đời sống hằng ngày của người dân cũng khác nhau. Những điều này Toàn đang áp dụng vào nhiệm vụ hướng dẫn đoàn sinh của anh, những gì anh đặt ra cho Đoàn thì chung nhất nhưng làm thế nào để dắt dẫn từng trẻ, từng đàn đạt đến mục tiêu thì lại khác nhau. Bằng mọi cách làm sao mục tiêu ấy không còn là của riêng anh mà biến thành mục tiêu của chính chúng, được như vậy thì mọi người đều là tác giả nội dung được vạch ra.
Trò chơi dù nhỏ hay lớn là một trong những yêu cầu không thể thiếu đối với trẻ trong mọi sinh hoạt. Khi còn là đội trưởng, bao giờ Toàn cũng có chuẩn bị nhiều trò chơi nhỏ khác nhau về số lượng người chơi, nơi chơi … Bây giờ chung quanh anh đâu chỉ có 7 người bạn mà là 32 đứa em. Trò chơi thì có nhiều loại nhưng hiếm có loại trò chơi nào đáp ứng được tất cả đoàn sinh. Điều này cũng đơn giản bởi trong đám trẻ đều khác nhau về thể chất, tâm lý. Vấn đề là Toàn phải đáp ứng cho tất cả bởi anh có trách nhiệm phải đáp ứng như vậy nếu anh muốn đạt đến mục tiêu giáo dục của anh. Anh không được phép chạy theo số đông và bỏ sót lại ở đằng sau hay ở ngoài vòng dù chỉ là một em, bởi đối tượng sẽ mang tâm lý mình bị bỏ rơi rất dễ sinh mặc cảm. Vấn đề là làm sao để mỗi em đều nhận được sự chỉ dẫn của anh. Toàn không biết rõ khả năng tiếp thu của đoàn sinh không thể nào không đều như nhau nhưng thực tế ấy không phải do anh tạo ra mà do chính khả năng tiếp thu của mỗi đối tượng. Nếu có trường hợp bỏ sót thì đó là lỗi lầm do chính anh gây ra. Cũng như hai đứa con của anh, anh không thể quan tâm đứa này nhiều hơn đứa kia mà là sự quan tâm tùy theo yêu cầu của mỗi đứa và đứa nào cũng mong được anh quan tâm. Đối với các môn học cũng vậy. Ở Đoàn cũng như ở trường, không phải học sinh nào cũng ưa thích tất cả môn học, trách nhiệm của người truyền đạt là làm sao để cho học sinh nào cũng chú ý, tiếp nhận bất cứ môn học nào. Ở Đoàn, anh không phải là nhà giáo chuyên nghiệp nhưng ít ra Toàn cũng là một nhà giáo trong GĐPT. Chỉ vì lòng yêu mến trẻ, nên anh tự nguyện nhận lấy trách nhiệm của người anh và người thầy. Những gì anh đã giảng dạy cho chúng, anh phải thực sống với những điều ấy chính trong cuộc sống hằng ngày của anh.
Bao giờ Toàn cũng có bước chuẩn bị nghiêm túc, nhất là khi anh đặt ra mục tiêu mà Đoàn nhắm tới. Thường là những công việc trong một tháng hoặc là một quý và phù hợp với từng mùa của trời đất. Những điều này anh chỉ đưa ra như là một dự thảo và bao giờ cũng đi đến quyết định chung, bao giờ anh cũng là người gợi ý rồi lắng nghe tất cả ý kiến của Đoàn sinh và tôn trọng những ý kiến ấy. Đến một lúc nào đó anh nhận thấy những gì anh đề ra bây giờ trở thành của bọn trẻ, anh bắt đầu tổng kết rồi đi đến biểu quyết.
Dù đã chuẩn bị tương đối đầy đủ nhưng Toàn vẫn chưa yên lòng, anh tự nhận thấy phải có một đôi phòng hờ nếu có bất trắc gì đưa đến bởi trong cuộc sống thì những bất trắc có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Anh phân công cho hai Đoàn phó, mỗi người chịu trách nhiệm một mảng nội dung sinh hoạt, thường xuyên bám sát, có ý kiến kịp thời hướng dẫn cho từng đội. Thường thì các cuộc trắm trại, du ngoạn, khảo sát đều tập trung vào mùa hè, cũng có khi anh đưa vào nội dung sinh hoạt bằng các công tác công ích hoặc công tác vệ sinh môi trường, những công tác này có tác động về giáo dục vừa được niềm tin của các giới phụ huynh lại vừa phù hợp với tâm lý của đoàn sinh. Toàn hiểu rõ rằng muốn Đoàn được mạnh, trước hết Huynh trưởng cầm Đoàn phải giỏi đã đành, nhưng nếu mối quan hệ giữa Đoàn và gia đình xã hội không được tốt thì sức mạnh của Đoàn sẽ không duy trì được lâu. Vì vậy, sau mỗi tuần nếu có một đoàn sinh nào vắng mặt không lý do thì thế nào sau giờ tan họp, anh hoặc là một Đoàn phó đến ngay nhà Đoàn sinh đó để tìm hiểu lý do. Qua tiếp xúc với phụ huynh giúp cho anh thêm những hiểu biết cần thiết về đoàn sinh. Trên thực tế, có những đứa trẻ khi đến Đoàn thì rất ngoan nhưng ở nhà thì khác, đặc biệt là những gia đình giàu có hiếm hoi con cái. Khi ở nhà chúng là một “hoàng tử” nên khi đến với Đoàn, chúng cứ nghĩ là ai cũng phải nuông chìu nó. Uốn nắn cái tâm lý của những trẻ như thế này không phải là đơn giản. Những trường hợp này cũng không khác gì những bài toán khó giải nhưng rồi bài toán nào cũng có cách giải đưa đến đáp số của nó.
Giáo dục là chuyển hóa, uốn nắn, thay đổi để trở thành một nhân cách hoàn thiện. Muốn đạt được mục tiêu ấy cần phải có quá trình và diễn ra liên tục. Về phần Toàn, anh phải kiên nhẫn, có tinh thần trách nhiệm cùng với tình thương chân thật, sự tìm kiếm và sáng tạo. Nếu anh tự thấy mình thiếu một trong những đức tính cần có ấy anh cũng cần phải tự uốn nắn, bổ sung ngay nếu anh muốn đạt đến mục tiêu và hoàn thành trách nhiệm, bởi như vậy trước hết là đem lại lợi ích cho chính bản thân anh.
Sự hiểu biết về hoàn cảnh, môi trường đang sống của mỗi đoàn sinh là một trong những công việc cần thiết đối với Toàn. Những đoàn sinh từ bé sống bên cạnh một ngôi chùa hay thánh đường hoặc là một ngôi trường thì tâm lý và thái độ của chúng khác hơn với những trẻ sống bên cạnh ga tàu, bến xe hoặc chợ chúa. Đời sống xã hội luôn luôn có những tác động trực tiếp vào cả người lớn đừng nói chi đến lớp trẻ và những hiện tượng tiêu cực của môi trường chung quanh có khi ảnh hưởng đến lớp trẻ dễ dàng hơn là những hiện tượng tích cực. Thực tế thì mọi người đều có nhận thức căn bản và sự lựa chọn nghiêm túc, nhờ vậy nên trật tự xã hội luôn được duy trì ngăn nắp và nhà lao ít hơn thánh đường và trường học ngay cả những trường hợp sống gần gũi với những môi trường xấukhông phải người nào cũng bị tác động bởi những môi trường ấy. Các tác gia tiểu thuyết Trung Quốc thường đưa ra một số nhân vật ở ngay trong tà phái nhưng họ là những người chân chính.
Đối với Đoàn sinh của Toàn, vì tuổi còn quá trẻ nên có thể khác hơn, môi trường, hoàn cảnh chung quanh thường dễ trở thành tập quán của chúng mà chính chúng không hay biết. Hầu hết lứa tuổi này rất dễ ảnh hưởng hoàn cảnh, môi trường chung quanh bởi chúng là lứa tuổi chưa thực sự làm chủ bản thân.
Sự hiểu biết này giúp cho anh tìm ra cách uốn nắn, hướng dẫn cho từng đối tượng giáo dục và tránh được những trường hợp đáng tiếc mỗi khi anh áp dụng kỹ thuật mà chưa biết được vấn đề.
 

 
Toàn còn nhớ rõ một trong những bài học lý thuyết trên đất trại gây được nhiều ấn tượng trong anh là bài “Đội Chúng tự trị”. Anh còn nhận ra rằng đây là một trong những phương pháp hướng dẫn Đoàn sinh ngành Thiếu quen dần cuộc sống tự lập, đặc biệt là thành phần Đoàn sinh con nhà khá giả thường mang tâm lý ỷ lại vào bố mẹ, anh chị em.
Từ những sinh hoạt tự trị của Đội Chúng, ban đầu các em quen dần cuộc sống tự lập của một nhóm, cuộc sống ấy giúp cho các em có những nhận thức cơ bản, từ đó các em ý thức được một cuộc sống tự lập sẽ đem lại nhiều lợi ích cho bản thân.
Toàn đã thống nhất với hai Đoàn phó về mục tiêu chung của Đoàn trước khi đưa nội dung ấy ra bạc bạc thảo luận trong cuộc họp Đoàn. Toàn chỉ là người gợi ý và ghi nhận tất cả ý kiến của các em.
Mỗi đội có nhiệm vụ căn cứ vào mục tiêu của Đoàn đặt ra cho từng thời gian mà vạch ra chương trình hoạt động Đội. Toàn chỉ để mắt theo dõi mà không dính dáng vào công việc của các em nhưng sẵn sàng giúp đỡ các em mỗi khi các Đội xin ý kiến.
Nhiều năm trôi qua, con người và xã hội có nhiều thay đổi nhưng phương pháp giáo dục này Toàn vẫn thấy còn thích hợp. Cái lứa tuổi này về mặt nhận thức, ý thức trách nhiệm cũng như thân thể của các em trong thời kỳ phát triển nhanh, với khả năng năng động, ưa hoạt động, muốn tìm hiểu những cái mới lạ, ưa khám phá, muốn tự thực hiện những gì của chính chúng. Với tâm lý như vậy, áp dụng phương pháp Đội tự trị là thích hợp nhất. Sinh hoạt tự trị là bước chuẩn bị cho các em bước vào đời. Những nội dung do Đoàn đề ra chưa hẳn đã phong phú bằng của các em, mỗi nội dung mang một nét riêng, điều này giúp cho Toàn nắm được yêu cầu của Đội để soạn thảo chương trình hoạt động cho Đoàn, Toàn dành thời gian cho các sinh hoạt Đội. Dẫu vậy trước khi chia tay, Toàn đều gặp Đội trưởng, phó chừng 15 phút để lắng nghe các thành quả từng  Đội đã thu hoạch và ghi nhận ý kiến của các em. Hầu hết những trở ngại đều được Toàn giải quyết tất không để tồn đọng dù chỉ là một vướng mắc nhỏ, nhờ đó mà tâm lý các Đội lúc nào cũng cảm thấy thoải mái, tin tưởng và hăng say trong mọi sinh hoạt. Bên cạnh đó, Toàn thường xuyên khích lệ, đặc biệt là các Đội yếu, quan tâm phụ đạo cho những Đội yếu, củng cố khi anh vận dụng các Đội giỏi như là một khích động các Đội kém phải hướng về phía trước.
Đối với các Đội kém, thái độ của Toàn luôn cẩn trọng, tế nhị trong những lời, nhận xét khi đúc kết các hoạt động. Nếu chú ý cho kỹ, những lời nhận xét của anh hầu hết là khen tặng, nếu có phê bình bao giờ anh cũng khéo léo chọn lời. Đội kém cần được giúp đỡ của anh đã đành, Đội giỏi cũng cần đến sự quan tâm của anh nhất là những lúc các Đội này phát sinh tâm lý tự kiêu, xem thường người khác. Mọi người ở trong Đoàn đều chỉ vì mục tiêu của Đoàn mà đi tới, mọi thành tựu của Đoàn là của chung chứ không riêng của ai.
                                         x      x
                                               x
 
MỘT CON NGƯỜI HAI CUỘC SỐNG
 
Chỉ còn ít tuần nữa mùa hè lại đến, hoạt động đầu hè năm nay Toàn tổ chức một trại công tác 48 giờ. Những cuộc trại trước đây bao giờ Toàn cũng chọn ít nhất hai địa điểm rồi để cho các em chọn lựa. Lần này thì ngoại lệ vì thầy trụ trì chùa T.T nhờ anh di chuyển toàn bộ khối lượng nguyên vật liệu từ cửa tam quan vào phía hông chùa để thầy khởi công dựng lại nhà trù. Đây cũng là nơi đầu tiên Đoàn đến cắm trại vừa có công việc để làm công đức nên tất cả đoàn sinh rất hân hoan phấn chấn. Một căn do bên cạnh đó là suốt mấy tháng qua các em phải dùi mài đèn sách thi cử nên em nào lại không mong có những giây phút nô đùa, ca hát giữa thiên nhiên tươi mát. Chính vì vậy nên Toàn tổ chức một cuộc cắm trại mở đầu cho mọi hoạt động hè.
Toàn ý thức rằng, muốn làm tròn trách nhiệm của Đoàn trưởng, anh phải thường xuyên tự hỏi:
– Các em đang cần gì?
– Điều gì chúng đang mong chờ ở anh?
Những điều đó anh phải đáp ứng cho mỗi đối tượng chịu sự giáo dục của anh. Mong ước của tuổi trẻ thì chẳng bao giờ dừng lại, trong khi đó thì những hiểu biết của anh dù phong phú đến đâu rồi cũng có ngày cạn kiệt nếu không biết bồi dưỡng, bổ sung. Kiến thức của đâu có phải là hiện tượng đối lưu của nước, vì vậy anh phải tổ chức cuộc sống riêng tư sao đó để có thể bắt kịp nhịp độ phát triển của trẻ đối với hoàn cảnh của Toàn hiện nay chẳng phải là một việc làm đơn giản. Đoàn trưởng cũng như các Huynh trưởng khác tuy trách nhiệm cụ thể có khác nhau nhưng đều là những thầy giáo trường làng cả. Hết lớp Đoàn sinh này đến lớp khác đi qua cuộc đời họ. Có những Đoàn sinh của Toàn nay đã là thầy giáo nhưng bao giờ cũng chúng cũng lễ độ khiêm cung mỗi khi gặp anh và bây giờ thì em nào cũng hiểu ra rằng những gì chúng đã học đều bổ ích cho cuộc sống hiện tại. Đó cũng là một trong niềm an ủi của Toàn cũng như bao nhiêu huynh trưởng khác. Những thành tựu của Đoàn sinh là những khích lệ, động viên Toàn tiếp tục nỗ lực miệt mài, không ngừng tu học nâng cao kiến thức và những kinh nghiệm tâm linh mà rất ít người thực hiện trong đời sống hằng ngày, bởi đích điểm của đạo Phật là đưa chúng sanh vào tri kiến của Phật. Dẫu vậy cũng có lúc Toàn cảm thấy chán nản nhất là những khi hoàn cảnh cuộc sống riêng tư khó khăn nếu anh không tìm một cách giải quyết êm xuôi thì chắc chắn anh sẽ gặp phải nhiều chướng ngại không tài nào hoàn thành trách nhiệm của Đoàn trưởng. Anh có cảm nhận rằng trong anh có hai Toàn, một Toàn của con cái, một Toàn của GĐPT, trách nhiệm nào anh cũng phải hoàn thành, thế mà trong những năm qua một đôi lần Toàn bị bức xúc gần như muốn rả rời một phía mà nguyên nhân của nó vì cuộc sống cũng có, vì một vài tâm lý đổi thay của Hạnh cũng có.
Hạnh cũng là một huynh trưởng nên biết rõ mọi sinh hoạt trong GĐPT, chỉ vì hoàn cảnh nên Hạnh phải tạm nghỉ sinh hoạt để nuôi dạy con cái, quán xuyến công việc nhà. Lâu nay những lúc Toàn bực bội chán nản, Hạnh đều tìm mọi cách an ủi khuyến khích chồng vượt qua và Toàn đã vượt qua tất cả. Cuộc sống thì không đơn giản chút nào, tâm lý con người cũng không đứng yên một chỗ, mặc dù Hạnh rất thông cảm cho chồng nhưng Hạnh cũng là một người đàn bà như bao nhiêu người đàn bà khác muốn tất cả thuộc về mình. Đối với Toàn, tâm lý của Hạnh như có cái gì đó mâu thuẫn nhau nhất là những lúc Toàn vắng nhà để tham dự trại huấn luyện, con Hương thì cơn sốt, thằng Thiện không ai chở đến trường, Hạnh đâm ra cáu bẩn, nhưng rồi những giây phút đó cũng qua đi, Hạnh tự thấy trách móc chồng thật là vô lý bởi chính hai tay của chị sắp đặt những thứ cần dùng vào ba lô để Toàn lên đường. Hạnh nhớ rõ cái giây phút đầu tiên Toàn tỏ tình và chị đã dễ dàng chấp nhận trong im lặng, bẻn lẻ, bởi chị cũng đang mong chờ giây phút ấy từ lâu. Hạnh yêu Toàn không chỉ tài năng, đưc độ mà yêu cả cuộc sống của Toàn, trong đóc ó GĐPT là một trong những yếu tố gắn liền tình cảm giữa hai người. Nhờ tình cảm được gắn chặt mà cuộc sống gia đình được êm thắm, hạnh phúc. Tuy Hạnh phải nghỉ sinh hoạt nhưng vai trò của chị trong hoàn cảnh trước mắt rất quan trọng đối với tổ chức, bởi Toàn có cố gắng hay quyết tâm mấy đi nữa nếu Hạnh không còn là Hạnh thì Toàn cũng không thể nào tiếp tục con đường phụng sự và cuộc sống gia đình sẽ bị xáo trộn ngay, người thiệt thòi nhất không phải là Toàn mà là Hạnh. Chị nhìn lại con đường mà một thời con gái chị đã đi trên nó nay nhường lại cho chồng và cho con. Cứ mỗi chiều chủ nhật, Toàn chở thằng Thiện đi sinh hoạt, hình ảnh hai bố con như gợi lại những kỷ niệm ngày nào không phải là vang bóng một thời, mà nó lắng sâu trong lòng chị. Có mấy ai biết chị vẫn tiếp tục cống hiến cho GĐPT qua trách nhiệm và bổn phận của một người vợ, người mẹ.
Toàn hiểu rất rõ điều đó, anh chỉ còn biết phải cố gắng hơn nữa trong công việc làm ăn cũng như trong sinh hoạt thì mới có thể tương xứng với sự hy sinh của Hạnh và sự đền bù đầy đủ và đẹp đẽ nhất chính là tình yêu và nụ hôn.
 
***
 
THAY LỜI KẾT
 
Toàn chưa phải là chân dung của người Đoàn trưởng lý tưởng nhưng ít ra anh đã được huấn luyện kỹ càng, bài bản cùng với thời gian sinh hoạt khác lâu, tiếp thu nhiều kinh nghiệm của các anh chị đã đi trước, bên cạnh ý chí muốn thăng hoa cuộc sống chính mình thế mà vẫn có những lúc anh vẫn thấy mình lúc túng trước những yêu cầu của đoàn sinh, bởi anh không thể nào bù đắp lại những kiến thức đã hao mòn.
Tuổi trẻ thì luôn có những yêu cầu, cuộc sống chưa hề bị ràng buộc, xã hội thì ngày mỗi văn minh, tiến bộ, thế hệ cũng như hoàn cảnh của anh thật khó mà bắp kịp đừng nói chi đến thế hệ Đoàn trưởng nay đã gần cái tuổi “xưa nay hiếm”. Tất cả những yếu tố khách quan gom lại nơi thế hệ trẻ biến chúng thành những cỗ xe có tốc độ cao, những cỗ xe đã cũ kỹ thật khó lòng bắt kịp.
Đó là những băn khoăn, lo lắng của Toàn, bởi anh đang tồn tại. Những băn khoăn ấy như thôi thúc, giục giã anh phải cố gắng vươn tới và trong những lúc trầm tư anh chợt hiểu ra rằng sự vươn tới hoàn hảo nhất chính là sự quay về nhìn lại chân dung của mình.
Trong lúc tôi viết những dòng chữ như là những nét chấm phá về hình ảnh của Toàn và Hạnh, còn biết bao nhiêu anh chị trưởng như Toàn và Hạnh cũng có những băn khoăn lo lắng như vậy không? Liệu các anh chị có những tâm lý như Hạnh hay không? Và các anh chị ấy có vượt qua được hoàn cảnh để duy trì một cuộc sống tuy không vĩ đại nhưng thật đáng yêu như Toàn và Hạnh đã sống. Tôi cũng như Toàn và Hạnh xin chấp tay nguyện cầu cho tất cả chúng ta cùng đạt đến mục tiêu chung.
Xin tạm biệt Toàn và Hạnh, tạm biệt tất cả!…
                                                                      NGUYÊN TRỪNG
                                                      (Mùa Phật đản PL 2542 – DL 1998)

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.