HÒA THƯỢNG THÍCH QUẢNG ĐỨC (Bậc Sơ Thiện)

HÒA THƯỢNG THÍCH QUẢNG ĐỨC

(1897-1963)

I. Thân thế
Hòa Thượng Thích Quảng Đức, thế danh là Lâm Văn Tuất, sinh năm 1897 (Đinh Dậu), tại thôn Hội Khánh, xã Vạn Khánh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Thân sinh là cụ Lâm Hữu Ứng và bà Nguyễn Thị Nương.
Lên 7 tuổi xuất gia, thụ giáo với Hòa Thượng Thích Hoằng Thâm (là cậu ruột), đổi tên họ là Nguyễn Văn Khiết. Năm 15 tuổi thọ Sa Di, 20 tuổi thọ Tỳ Kheo và Bồ Tát được pháp danh Thị Thủy, pháp tự Hành Pháp, pháp hiệu Quảng Đức. Ngài lập ngôi chùa  Thiên Lộc Tự ở Ninh Hòa, Khánh Hòa.

II. Sự nghiệp hoằng dương chánh pháp
 Năm 1932 hội An Nam Phật học ra đời, Ngài được thỉnh làm chứng minh đạo sư Chi hội Ninh Hòa, và làm Kiểm Tăng Tỉnh hội Khánh Hòa. Ngài kiến tạo, trùng tu 14 ngôi chùa.
Năm 1943, Ngài hành đạo khắp Nam Bộ, từng sang Nam Vang 3 năm, Ngài nghiên cứu kinh điển PaLi và Phật giáo Nam Tông.
Năm 1953, Ngài giữ chức Phó Trị sự và Trưởng Ban Nghi lễ Giáo hội Tăng già Nam Việt, trụ trì chùa Phước Hòa, trụ sở đầu tiên của Hội Phật Học Nam Việt… Chùa Quán Thế Âm ở Gia Định, chùa Long Phước ở Khánh Hòa là những nơi Ngài  hướng dẫn Phật Pháp cho Phật tử hậu sinh.

III. Thắp đuốc tuệ, chống cường quyền
1. Ngọn lửa thiêng:
 Trong phong trào đấu tranh của Phật giáo Miền Nam năm 1963 đòi tự do tín ngưỡng, bình đẳng tôn giáo, chống lại chế độ độc tài của Ngô Đình Diệm, tuy tuổi đã già nhưng với nguyện lực thâm hậu, Ngài thực hiện tâm nguyện tự thiêu nhục thân để cúng dường chư Phật và bảo vệ Đạo pháp – Dân tộc.
  Ngày 20 tháng 4 năm Quý Mão tức ngày 11- 6 -1963, từ một cuộc diễu hành của hàng ngàn Tăng, Ni, Phật tử khi đoàn diễu hành tiến đến ngã tư đường Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt (nay là ngã tư đường Nguyễn Đình Chiểu – Cách Mạng Tháng 8), Ngài từ trên xe hơi bước xuống, tự tẩm xăng thấm ướt mấy lớp cà sa, ngồi kiết già xuống mặt đường, tự châm lửa giữa hàng ngàn người quỳ, lạy Ngài và cầu nguyện. Ngọn lửa bốc cao phủ kín thân mình, Ngài vẫn an nhiên chắp tay tĩnh tọa… Ôi ngọn lửa thiêng vĩnh cửu.
Gần 15 phút sau lửa tàn, Ngài ngã xuống, tay vẫn còn quyết ấn tam muội.
2. Trái tim bất diệt
 Nhục thân của Ngài được đưa vào lò thiêu đến 40000, xương thịt tan biến, duy chỉ có trái tim Ngài vẫn còn nguyên sau khi đã hỏa thiêu lần hai.
Cái chết phi phàm của Bồ Tát Thích Quảng Đức đã làm chấn động dư luận toàn cầu, ở mọi tầng lớp. Chế độ Ngô Đình Diệm vùng vẫy bằng các thủ đoạn thâm độc: giới nghiêm, bỏ tù Tăng Ni, Phật tử (20/8/1963) nhưng chế độ độc tài nhanh chóng sụp đổ vào ngày 01-11-1963. Phật giáo Việt Nam thoát qua một pháp nạn.
3. Lá thư tuyệt mệnh chan chứa tình người, tình đạo.
Bức thư tuyệt mệnh có 4 điều, không ẩn chứa sự thù hận nào. Xin trích nguyên văn  điều  4:
“Cầu nguyện cho đất nước thanh bình, quốc dân an lạc.
Trước khi nhắm mắt về cảnh Phật, tôi trân trọng kính gởi lời cho Tổng thống Ngô Đình Diệm nên lấy lòng bác ái từ bi đối với Quốc dân và thi hành chánh sách bình đẳng tôn giáo để giữ vững nước nhà muôn thuở.
Tôi thiết tha kêu gọi chư Đại Đức Tăng, Ni, Phật tử nên đoàn kết nhất trí để bảo toàn Phật Pháp”

IV. Lòng kính ngưỡng đối với Ngài
– Cả thế giới ca ngợi Ngài.
– Nhà thơ Vũ Hoàng Chương  có bài thơ bất hủ về Ngài.
– Để ghi nhớ công hạnh Ngài, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (1964) suy tôn Ngài Pháp vị BỒ TÁT.
– Ngày nay đường Nguyễn Huệ chạy qua trước chùa Quán Thế Âm mang tên Thích Quảng Đức.
– Tượng đài của Ngài được Nhà nước tôn tạo hoành tráng đã hòan thành cạnh ngã tư đường Nguyễn Đình Chiểu – Cách Mạng Tháng 8, nơi Ngài đã vị pháp thiêu thân (Công viên Thích Quảng Đức).
Trái tim của Bồ Tát Thích Quảng Đức là biểu tượng tinh thần của Phật giáo Việt Nam và là trái tim của nhân loại đã và đang đấu tranh mãi cho tự do, hòa bình.

CÂU HỎI ÔN TẬP
a. Hãy nêu công hạnh hoằng pháp của Hòa Thượng Thích Quảng Đức.
b. Hãy nêu cảm xúc của em khi nghĩ đến ngọn lửa vây quanh Ngài.
c. Lý do gì để Ngài vị pháp thiêu thân?
d. Điều kỳ diệu gì đã xảy ra khi hỏa tán nhục thân của Hòa Thượng Thích Quảng Đức?

 

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.